Vượt lên nghịch cảnh
“Gia đình rơi vào cảnh khó khăn khi mất đi người cha, nhưng em luôn nỗ lực trong học tập, nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi, đi đầu trong các hoạt động của nhà trường” - đó là lời khen của thầy Đỗ Văn Chương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (huyện Đăk Hà) dành cho cậu học trò lớp 8A3 A Duy.
Gặp A Duy lúc tan trường, tôi đèo em về nhà ở làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà. Trên đường đi, tôi tranh thủ trò chuyện với em. Không e dè nhút nhát như nhiều em học sinh DTTS tôi thường gặp, A Duy rất cởi mở.
“Phải khá lâu rồi em mới được đi xe máy về nhà, bình thường em toàn đi bộ hoặc đi nhờ xe bạn đến trường, rồi đi về cũng vậy” - A Duy tâm sự.
Nhà A Duy nằm cách trường 5km, dù trời mưa hay nắng, quãng đường ấy cũng không thể làm nhụt chí cậu học trò có dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng nhanh nhẹn.
Thấy tôi đến, mẹ A Duy - chị Y Chuih (49 tuổi) trong bộ đồ lao động lấm lem bùn đất, ngượng ngùng mời tôi vào. Chị Y Chuih da sạm đen, những nếp nhăn xếp lớp trên mí mắt trông chị già hơn tuổi. Cũng dễ hiểu thôi, cuộc đời của chị luôn “phơi” mình ngoài nắng, mưa, vục mặt với mảnh vườn gần 400 cây cà phê, “gồng gánh” bao chuyện thay chồng lo cho các con.
Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, trống huơ trống hoác, không có gì giá trị ngoài những tấm hình của một người đàn ông ngoài 40 tuổi, được treo ngay ngắn trên tường. Thấy tôi chăm chăm nhìn, chị Y Chuih cười hiền: “Ba thằng Duy đó, ông ấy mất khi nó học lớp 3, do tai nạn khi đánh cá ở hồ Kon Trang Long Loi”.
Duy là con út trong 8 người con, từ lúc ba mất, gia đình mất đi trụ cột kinh tế chính, các anh chị Duy cũng dần nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình không cho phép. Đối với Duy, em rất thích đến trường, càng học em càng bị các con chữ cuốn hút.
A Duy tâm sự: “Em không muốn nghỉ học giữa chừng như anh chị mình, chỉ có con đường học sau này em mới tìm được một công việc ổn định, mới có thể giúp mẹ đỡ khổ, gia đình thoát nghèo được”.
Là con út, nhưng A Duy không bao giờ trông chờ, ỷ lại các anh chị mình. Ngay từ khi còn bé, Duy đã biết phụ mẹ kiếm tiền lo cho gia đình. Đến mùa cà phê, mỗi khi tan trường, Duy vội vàng chạy về nhà thay quần áo, tay xách bao, len lỏi vào các vườn cà phê đã thu hoạch để nhặt mót từng hạt cà phê còn sót lại. Mỗi lần thu nhặt, em bán cà phê được từ 20.000 - 30.000 đồng. Số tiền ít ỏi kiếm được em đều đưa hết cho mẹ để dành lo cho việc học.
|
Ngoài việc đỡ đần cho mẹ, Duy luôn cố gắng học thật tốt để mẹ không phiền lòng. Môn học em yêu thích nhất là môn Ngữ văn. Văn em chân thật, giàu hình ảnh và trữ tình.
Trên lớp, Duy là học sinh học đều tất cả các môn, thường xuyên phát biểu xây dựng bài. Suốt 8 năm học qua, Duy luôn là học sinh khá, giỏi của lớp. Khi được hỏi về ước mơ sau này, Duy bảo rằng, em muốn trở thành giáo viên dạy học cho những trẻ em nghèo trong làng, để các em nhận thức được ý nghĩa của con chữ ngay từ khi còn nhỏ.
“Đó là ước mơ sau này của em, nhưng không biết có thực hiện được hay không? Có một mình mẹ mà phải lo đủ thứ, không biết khi học lên các lớp trên mẹ có lo cho em học nổi không. Nếu không được học, em sẽ ra thành phố học nghề rồi kiếm tiền để lo cho bản thân, gia đình sau này” - Duy trầm ngâm, đưa mắt nhìn về phía xa.
Cô Lê Thị Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 8A3 cho biết, dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng em Duy luôn cố gắng học tập. Trong lớp, Duy luôn giúp đỡ các bạn có học lực yếu hơn vươn lên trong học tập; tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức. Em xứng đáng là tấm gương cho các bạn noi theo.
“Nhà trường vẫn luôn quan tâm Duy bằng việc hỗ trợ sách vở, quần áo đầu năm học. Liên kết với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để có những phần quà nhỏ nhằm động viên tinh thần A Duy, giúp em vươn lên trong học tập, đạt được ước mơ của mình” - Cô Hà cho biết thêm.
Văn Tùng