Từ làm thuê thành… ông chủ
Khởi nghiệp từ con số 0, phải làm thuê đủ các nghề để kiếm sống, vậy mà nay, anh Hà Văn Đại (36 tuổi) đã thành chủ của những vườn sâm dây, sâm đương quy ở xã Đăk Long, huyện Kon Plông với thu nhập mỗi năm lên đến 800 triệu đồng.
Khởi nghiệp từ số 0
Trồng gối đầu liên tục gần 500.000 cây giống sâm dây và sâm đương quy trong diện tích đất rộng gần 7ha nhưng đến nay mỗi năm anh Hà Văn Đại vẫn không đủ cây giống để cung cấp cho bạn hàng. Hiện tại, vườn sâm đang phát triển và anh đang tiếp tục mở rộng, trồng thêm để đảm bảo kịp thời số lượng hàng cung cấp cho khách trong tỉnh và ngoại tỉnh.
“Vườn sâm xanh mướt, phát triển như thế này là nhờ được trồng bởi mồ hôi và nước mắt đấy cô” - chỉ vào những hàng sâm xanh mướt, anh Đại nói.
|
Anh Đại vốn ở Nghệ An. Năm 2002, thấy đời sống kinh tế gia đình khó khăn, một mình anh khăn gói vào nơi đất khách để kiếm sống. Ngày ấy, tất cả mọi thứ với anh đều là con số 0 tròn trĩnh. Không nhà cửa, không đất đai, họ hàng thân thích cũng không, một mình anh phải bươn chải làm thuê, làm mướn để kiếm sống.
Ngoài quê, gia đình có nghề làm thuốc nam nên khi vào đây, năm 2003, anh xin vào tiệm thuốc Thái Hòa để làm công nhân sơ chế thuốc. Anh Đại vừa làm, vừa tự trau dồi thêm kiến thức cho bản thân mình.
Trong quá trình làm, nhận thấy cây sâm dây có giá trị kinh tế khá cao nhưng người dân chủ yếu khai thác từ thiên nhiên mà ít tự trồng lấy. Anh nghĩ, nếu cứ khai thác, chẳng mấy chốc nguồn sâm sẽ cạn kiệt. Thấy vậy, trong đầu anh liền nảy ra ý định sẽ mua đất, trồng loại cây này để phát triển kinh tế.
Bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Trong khoảng 6 năm (từ 2003-2009), anh vừa làm vừa chắt bóp chi tiêu, dành dụm. Đến năm 2009, anh nghỉ làm ở nhà thuốc và bắt tay vào việc đi mua sâm và bán lại.
Sau một quá trình làm, siêng nhặt chặt bị, từ số tiền tiết kiệm nhờ làm thuê, buôn bán sâm, năm 2013, anh quyết tâm lên xã Đăk Long, huyện Kon Plông mua 7ha đất với giá 350 triệu đồng. “Lúc mua xong cũng cảm thấy hoang mang lắm nhưng rồi nghĩ, nếu mình làm, không thành công thì thất bại cũng cho thêm bài học, thế là mình quyết tâm làm” – anh Đại nhớ lại.
Mua đất xong, anh liền tìm đến huyện Tu Mơ Rông để mua củ sâm dây. Lúc đấy, anh chỉ mua đại trà rồi về chọn củ nhỏ để trồng. Vì chưa có kĩ thuật trồng, hơn nữa, trong quá trình vận chuyển, củ sâm bị trầy xước, hư nên khi anh Đại trồng, tỉ lệ sống không cao. “Dạo ấy thất bại lắm! Mình mua vào 1kg khoảng 60 củ nhưng khi trồng xuống chỉ sống được 30%” – anh Đại kể.
Nỗ lực + kiên trì = Thành công
Trồng bằng củ không hiệu quả, anh Đại đợi đến mùa và lên lại Tu Mơ Rông đặt thu mua trái sâm dây về nhân giống. Thoạt đầu, anh lấy hạt, gieo đại trà xuống đất. Lúc ấy cây vẫn lên nhưng không phát triển vì trời mưa nhiều, hơn nữa cây bị nhiễm bệnh.
Rút kinh nghiệm, anh tập trung cải tạo, xử lý đất thật tốt và giữ ẩm cho cây trong suốt quá trình trồng. “Đợt ấy cũng nản lắm, đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức tôi mới nhân giống được”- anh Đại tâm sự.
|
Thử nghiệm thành công, anh bắt tay vào nhân rộng ra 2 sào. Trong 2 năm, 2 sào sâm đã cho anh được 1 tấn củ. Toàn bộ số củ anh đem ươm để lấy cây giống bán ra thị trường.
Trồng thành công, anh Đại lên xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông tìm bạn hàng xuất cây giống. Vất vả ngược xuôi, thời điểm đầu anh bán được 150.000 cây giống, với giá 1.200 đồng/cây, anh thu về 180 triệu đồng. “Cầm được những đồng tiền chát mặn mồ hôi trên tay, tôi như vỡ òa ra vậy, vui mừng, hạnh phúc lắm”- anh Đại chia sẻ.
Không dừng lại ở sâm dây, đến năm 2014, anh Đại tiếp tục tìm hiểu và trồng thêm cây sâm đương quy. Anh cho biết, để chắc chắn về nguồn giống, anh lặn lội ra Viện Dược liệu Trung ương để mua giống đương quy Nhật Bản về trồng. Đợt ấy, anh mua thử nghiệm 1kg hạt với giá 3 triệu đồng. Sau khi làm đất kĩ lưỡng, anh ươm thử nghiệm 1/2kg và trồng ra 2 sào.
Anh Đại cho biết, trong quá trình ươm trồng, cây cũng chết nhưng nhìn chung vẫn hiệu quả. Đợt đó sau 12 tháng, bình quân 8 củ đạt 1kg và anh thu về được 1 tấn. Với giá 85.000/kg anh thu về 85 triệu đồng.
Anh tiếp tục vừa nhân rộng vừa trồng gối đầu. Nhưng có đợt, khi anh vừa xuống giống trồng cả sâm dây và đương quy, trời mưa to làm trôi và hư hết cả vườn giống. Bây giờ khi nhớ lại khoảng thời gian đó, anh Đại vẫn còn rùng mình: Đợt đó, bất trắc nhiều quá, tôi chỉ muốn đốt chòi rồi đi về cho xong. Nhưng rồi nghĩ nếm thất bại để thành công, tôi lại động viên mình cố gắng.
Xốc lại tinh thần, anh tiếp tục nhân trồng. Rút kinh nghiệm, sau khi trồng, anh sử dụng lá thông rải đều lên phía trên để nước thấm đều, tránh tình trạng mưa trôi cây giống. Và rồi, qua bao nhiêu sóng gió, khó khăn, sự kiên trì cũng đem lại kết quả. Từ sau ngày đó, cây giống phát triển rất tốt, đạt năng suất, đảm bảo chất lượng và vươn mạnh ra thị trường.
Đến bây giờ, không cần phải chạy ngược chạy xuôi tìm bạn hàng, anh Đại đã có lượng khách hàng cố định trong tỉnh và cả ở Đăk Lăk, Gia Lai. Có thời điểm, cây giống của anh bị “cháy” hàng, anh phải nhân rộng thêm để kịp thời đáp ứng.
Gian nan, nước mắt rồi cũng qua, giờ đây vườn sâm đã đem lại cho anh trái ngọt với doanh thu tiền bán củ mỗi năm khoảng 400 triệu và bán cây giống khoảng 400 triệu. Không chỉ thế, anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 nhân công thường xuyên với mức lương 3,5-4,5 triệu đồng /tháng (tùy vào công việc).
Vườn sâm ngày càng phát triển và anh cũng không dừng lại tại đó. Hiện tại, anh đang xây dựng đề án phát triển sản phẩm sâm dây và đương quy trên địa bàn huyện Kon Plông. Trong thời gian đến, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất giống và hướng sang trồng lấy củ, chế biến dược liệu khô để phân phối rộng rãi trong cả nước.
Nhìn lại những gian nan đã trải qua, những kết quả ở hiện tại và khó khăn ở phía trước, anh Đại luôn tự động viên mình thêm nỗ lực. “Nếu nói hiện tại là thành công thì chưa hẳn mà đó là kết quả của sự nỗ lực và kiên trì thôi. Tôi luôn tự nhủ không được ngủ quên trên chiến thắng vì trong cuộc sống, bất kể điều gì cũng có thể xảy ra. Những gì ở hiện tại vừa là bài học, vừa là động lực để tôi tiếp tục thực hiện những ý định trong tương lai” – anh Đại chia sẻ.
Hoài Tiến