Trưởng thôn làm kinh tế giỏi
Đến thôn 1, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, không ai không biết đến anh Lê Đình Thông (sinh năm 1989). Không chỉ là trưởng thôn trẻ tuổi nhất trên địa bàn, anh còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở địa phương. Thông qua mô hình trồng trọt kết hợp với nuôi cá, mỗi năm anh Thông thu về hàng trăm triệu đồng.
Theo anh Thông đến khu vực sản xuất cách nhà khoảng 1km, ấn tượng đầu tiên của tôi chính là những hàng cà phê trĩu quả. Chờ một chút để tôi có thời gian “mục sở thị” khu vườn, anh Thông chậm rãi cất lời: “Hiện tại, mình đang trồng giống cà phê TRS1. Đặc điểm của loại này là mắt dày, quả chín muộn, chịu hạn khá tốt. Khi thu hoạch, quá trình phơi khô cũng nhanh hơn so với các giống cà phê khác. Hiện tại, khu vực trồng cà phê của mình rộng 2,3ha, năm nay, ước tính thu lợi khoảng 150 triệu đồng”.
Đối với những người làm nông nghiệp gắn bó lâu năm với cây cà phê, phần đa ý kiến đều cho rằng trồng cà phê như nuôi “con mọn”. Đó là muốn nói lên những khó khăn, vất vả, của người nông dân khi chăm sóc cây cà phê. Các khâu chăm sóc cà phê như bón phân, dọn cỏ dại, tưới nước, tỉa cành… đòi hỏi người làm phải nắm vững yêu cầu về kỹ thuật.
Với bản tính cởi mở, anh Thông chia sẻ về quá trình xây dựng, chăm sóc vườn cà phê: Qua tìm hiểu nhiều nguồn về kỹ thuật trồng và canh tác cây cà phê, mình đã áp dụng một số phương pháp mới, khác biệt với truyền thống. Ví dụ như hệ thống tưới nước cà phê này, mình học hỏi được thông qua một số hội, nhóm hướng dẫn về trồng cà phê hiện đại trên mạng. Sau đó, mình đã tự mày mò, mua đường ống nước và thiết bị về để lắp ráp hệ thống tưới tự động.
|
Thay vì xịt nước tràn lan, hệ thống tưới tiêu tự động của anh cung cấp khoảng 50 lít nước cho cây cà phê mỗi giờ. Khi tưới, chỉ mất chừng 4 tiếng là vườn cà phê đã đủ độ ẩm, đủ lượng nước cần thiết để phát triển. “Quá trình bón phân cũng vậy, mình không bón quá nhiều theo cách truyền thống, mà chia ra định lượng (2,5 lạng phân bón/cây cà phê). Đồng thời, kết hợp bón thêm các chất vi sinh khác để cây đủ dưỡng chất sinh trưởng và phát triển. Nhờ cách làm này, mỗi năm mình chỉ mất khoảng 30-40 triệu chi phí phân bón, giảm khoảng nửa chi phí so với cách thông thường” – anh Thông bộc bạch.
Ngoài việc trồng cà phê, anh Thông còn có 1ha mì. Theo anh Thông chia sẻ, trước đây, diện tích này để trồng cây cao su, tuy nhiên vì cây cao su quá lâu năm nên lượng mủ không đạt yêu cầu, anh chuyển đổi sang cây mì. Nhờ đầu tư công sức chăm sóc, vườn mì nhà anh phát triển tốt. Trung bình 1 ha mì, anh thu hoạch khoảng 50 tấn củ. Với giá thu mua hiện tại, ước tính anh Thông sẽ thu về khoảng 125 triệu đồng trong năm nay.
Để tận dụng ao nước tưới cà phê hiệu quả nhất, anh Thông nuôi cá trắm cỏ. Với nguồn thức ăn chính là lá mì sẵn trong vườn, anh Thông không phải tốn nhiều chi phí để nuôi cá. Mỗi năm, anh thả khoảng 20kg cá giống xuống ao. Nhờ duy trì ổn định việc nuôi cá trắm cỏ, mỗi năm riêng khoản thu này cũng mang về cho anh 40 – 50 triệu đồng (đã trừ chi phí).
Theo định hướng của chính quyền địa phương, anh Thông còn trồng thêm một số loại cây ăn quả. Anh Thông cho hay: “Trên diện tích vườn của mình còn dư khoảng 2 sào đất, chính vì vậy, mình đã quyết định trồng thử nghiệm 60 cây ổi và 30 cây bưởi. Hiện tại, cả 2 loại cây đều sinh trưởng tốt. Trong những năm đến, mình dự tính sẽ trồng thêm 2 loại cây này theo hình thức xen canh để tăng thêm thu nhập, tạo vốn xoay vòng”.
Xoay vần với công việc trồng trọt, chăn nuôi, nhưng anh vẫn luôn làm tròn trách nhiệm của một trưởng thôn, luôn được người dân ở địa phương đánh giá cao.
Trông anh Thông luôn tất bật, hết mình với công việc, tôi phần nào đã hiểu được lý do người dân tín nhiệm anh trong vai trò trưởng thôn, dù còn rất trẻ. Năng động, nhiệt tình và luôn cố gắng, anh dường như là nguồn cảm hứng để các hộ dân trên địa bàn vươn lên phát triển kinh tế xây dựng cuộc sống ấm no, ổn định.
Tất Thành