Tảo tần “nuôi chữ” cho con
Trước vô vàn khó khăn trong cuộc sống, có lúc tưởng như bế tắc, kiệt sức thế nhưng với đức hi sinh cao cả, những người phụ nữ như bà Y Thoa, Đào Thị Lam đã vượt qua tất cả, tảo tần sớm hôm nuôi các con ăn học thành tài.
Với bà Y Thoa (65 tuổi) ở thôn 5, thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) hạnh phúc lớn nhất chính là các con khôn lớn, ăn học thành tài.
Bà kể, khi mới 15 tuổi, bà đã tham gia làm liên lạc cho bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ. Khi đất nước thống nhất, năm 1975, bà lập gia đình rồi lần lượt sinh 3 người con. Năm 1981, vì những di chứng trong chiến tranh, chồng bà đã qua đời, để lại cho bà 3 người con thơ dại.
“Lúc ấy con gái đầu của tôi mới được 6 tuổi, con gái thứ hai vừa đầy 3 tuổi và trai út cũng mới được 9 tháng tuổi thôi, cuộc sống lúc đấy bế tắc, khó khăn đến vô cùng” – bà Thoa nhớ lại.
|
Thấy bà Thoa một thân một mình khổ cực, vất vả, cha của bà đã lên đón bà và các cháu về Đăk Côi để cùng chung sống với gia đình. Thế nhưng, ở Đăk Côi lúc ấy chưa có trường học, nếu về đó các con sẽ không được đến trường. Nghĩ vậy, bà quyết tâm ở lại nuôi các con ăn học.
Không người thân, con cái nheo nhóc, một thân một mình bà Thoa vừa chăm lo cho các con, vừa tảo tần lo chăm lo cuộc sống của gia đình. Hằng ngày, sau giờ làm công nhân may, bà hối hả về nhà lo nấu nướng, tắm rửa, chăm bẵm cho các con. Nhiều lúc vì quá kiệt sức, bà ngất xỉu tại chỗ làm.
Vượt qua những khó khăn, một mình bà nuôi, động viên 3 người con ăn học. Ngày các con bà lần lượt học đại học, gánh nặng tiền nong càng thêm chồng chất. Đồng lương công nhân không đủ xoay xở, bà tranh thủ làm thêm 1 sào cà phê, 1 sào bời lời, nuôi thêm heo, trồng mỳ để đủ tiền cho con ăn học.
Mọi cố gắng, tảo tần của bà Thoa đã được đền đáp, đến nay, con gái lớn Huỳnh Thị Hoa đã tốt nghiệp đại học, làm việc tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kon Rẫy; con gái thứ hai Huỳnh Thị Hồng đã có bằng thạc sĩ và làm Chánh thanh tra tại huyện Kon Plông, Còn con trai út của bà là Huỳnh Ngọc Ảnh đang theo học cao học và đang làm Bí thư Huyện đoàn Kon Rẫy.
Lau vội những giọt nước mắt hạnh phúc, bà Thoa nghẹn ngào: May là ngày ấy tôi cứng rắn, bám trụ để cho các con đến trường, nếu không được học hành, có lẽ 3 con tôi sẽ không được như thế này đâu…
Còn bà Đào Thị Lam (55 tuổi) ở thôn Nghĩa An, xã Ia Chim (TP Kon Tum), khi gặp chúng tôi đã không giấu được niềm vui, niềm hãnh diện khi nhắc đến những người con của mình. 3 người con của bà đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Đó là thành quả cho những tháng ngày gian lao, tảo tần hôm sớm, một mình lặn lội nuôi con của bà Lam.
Là hộ nghèo, chồng mất từ khi 4 con còn quá nhỏ nhưng không một lời kêu ca, than vãn, vượt qua nỗi đau, bà Lam cố gắng lao động, kiếm tiền để các con yên tâm vững bước đến trường.
Được sự động viên của mẹ, các con của bà lần lượt đỗ đại học với điểm số cao. Lúc ấy, bà phải vay ngân hàng, mượn hàng xóm, thậm chí có khi phải vay nặng lãi để tiếp bước cho các con đến trường.
“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bà Lam vừa làm công nhân trong Nông trường cao su Ia Chim, vừa tranh thủ làm thêm 3 sào cà phê, 1ha cao su. Nhịn ăn, nhịn mặc, chắt chiu dành dụm, được đồng nào bà đều để dành gởi cho con.
Thời gian trôi qua, mái tóc bà bạc dần cũng là lúc 3 con bà lần lượt ra trường, tìm được công việc ổn định, riêng cô con gái út đang theo học năm đầu tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cầm những cuốn sổ nợ giờ đã thành kỉ niệm, bà Lam tâm sự: Nhiều khi vừa lo gạo ăn, vừa lo tiền học cho con nên cũng đuối. Nhưng ước mơ của các con tôi là được đến trường, tôi không thể vì cái đói, cái nghèo mà làm dang dở tương lai của các con.
Chia tay bà Thoa, bà Lam, chúng tôi thật sự xúc động trước đức hi sinh cao cả của các bà dành cho những người con. Họ là những người mẹ rất đáng trân trọng.
Hoài Tiến