Nuôi gà bằng thảo dược
Cơ sở nuôi gà bằng thảo dược của Hợp tác xã Đồng hành nhà nông Hoàng Bách Kon Tum có lẽ là mô hình đầu tiên tại tỉnh ta. Mô hình là sự tâm huyết của chàng trai khuyết tật nhưng đầy nghị lực Huỳnh Thanh Tú (44 tuổi) ở đường Nguyễn Thiện Thuật (thành phố Kon Tum). Mô hình được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến bởi sự mới lạ, thân thiện với môi trường.
Không được may mắn như bao người khác, mới 5 tuổi, anh Tú đã bị khuyết tật vận động (bị teo cơ một chân) sau cơn sốt bại liệt. Khiếm khuyết về cơ thể không thể làm nhụt ý chí phấn đấu làm giàu tri thức và bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn của Huỳnh Thanh Tú. Bằng nỗ lực không ngừng và khát vọng vươn lên, Huỳnh Thanh Tú đã cố gắng học tập, tốt nghiệp 2 trường đại học loại ưu.
Ra trường, Huỳnh Thanh Tú được cơ quan Nhà nước ưu tiên thu hút vào làm việc và được nhiều doanh nghiệp mời gọi. Khước từ tất cả, Huỳnh Thanh Tú lựa chọn cho mình hướng đi riêng để được thể hiện niềm đam mê, thỏa sức phát huy khả năng sáng tạo.
Nuôi gà bằng dược liệu là lựa chọn mà Tú đã ấp ủ và cương quyết thực hiện cho bằng được.
Sau gần 3 năm anh xây dựng mô hình và sau nhiều cái hẹn, mới đây, Huỳnh Thanh Tú mới chính thức giới thiệu với bạn bè, trong đó có tôi về mô hình nuôi gà bằng thảo dược của mình.
Trang trại của anh nằm lưng chừng dốc Sao Mai (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum), dưới vạt rừng tự nhiên duy nhất còn sót ở thành phố Kon Tum và đây cũng là khu rừng hơn 10 năm nay anh đã nhận chăm sóc và bảo vệ.
Vừa vào cổng trang trại, anh Tú hướng dẫn mọi người sát trùng trên hố nhỏ đựng vôi trắng. Đi vào sâu bên trong, hàng nghìn con gà đang tập trung dưới tán cây cao su hóng mát. Điều lạ là, nếu chỉ nuôi vài chục con gà đã nghe mùi khó chịu, nhưng ở trang trại của Huỳnh Thanh Tú lại chỉ nghe mùi… thuốc nam thoang thoảng.
Quan sát, chúng tôi thấy chuồng nuôi gà được lót đệm sinh học; có khu chế biến thức ăn trộn dược liệu riêng biệt và có một lò xông thuốc, có đường ống dẫn xung quanh các chuồng trại.
|
"Trên thực tế, giống gà ít nhất có 27 loại bệnh. Mỗi lần bệnh, người chăn nuôi thường tiêm thuốc tân dược cho gà. Khi xuất bán ra thị trường, cơ thể gà vẫn còn nhiều chất kháng sinh, ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và đáp nhu cầu rất lớn trên thị trường hiện nay, mình quyết định đầu tư 2 tỉ đồng xây dựng chuồng trại kết hợp với trồng thảo dược để chăn nuôi gà" - anh Tú giới thiệu.
Để có thảo dược nuôi gà, Tú nghiên cứu rất kỹ sách "Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS-TS Đỗ Tất Lợi (giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật). Theo lời anh Tú kể, cách đây hơn 3 năm, anh Tú và lao động trong trang trại trồng 2ha các loại cây dược liệu như: bồ kết, lá mơ lông, sả, nghệ, húng quế, hương nhu, củ riềng, cỏ lào, trầu không, đinh lăng và mua nhiều thảo dược khác có sẵn tại địa phương về trồng xen trong vạt rừng. Khi thảo dược có sẵn, anh Tú bắt tay vào chế biến thức ăn, có loại xay nghiền trộn với bắp, gạo, cám; có loại nấu ra nước, xác thì trộn vào thức ăn, nước thì cho gà uống hàng ngày, tương thích theo hai mùa khô và lạnh.
Hai năm đầu, anh Tú nuôi thử nghiệm mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 400 con, giống vật nuôi lấy từ Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Anh Tú chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi: Gà từ khi còn nhỏ đến 50 ngày chăn nuôi ở chuồng lót đệm sinh học, cho dược liệu kháng sinh vào thức ăn, nước uống và bổ sung rau xanh giàu dinh dưỡng như: dền đỏ, rau muống, lá đậu, củ hành tây, lá hẹ… Gà từ 51 ngày đến trưởng thành (150 ngày) được thả ra sân vườn. Lúc này, thức ăn, nước uống bằng thảo dược được tăng cường; ngoài nông sản (bắp, lúa, cám, gạo, đậu) xay nghiền chiếm 50% khẩu phần ăn thì tăng cường thêm phụ phẩm bã đậu nành, dầu lạc, dầu dừa (5%); rau xanh xay nghiền (20%); bột thảo dược dinh dưỡng như lá chùm ngây, lá đậu phộng, đậu váng, sâm đất, lá đinh lăng, lá đương quy, là chè đại… Ngoài ra, các loại thức ăn thảo dược khác như bột xương, vỏ sò, tro bếp và các loại vitamin tự nhiên như chanh dây, chanh… cũng được bổ sung.
Điều đáng nói là, tất cả các loại thức ăn nói trên đều được ủ lên men để làm chín thức ăn, gà sẽ tiêu hóa triệt để thức ăn, phân thải ra ít và giảm mùi hôi tuyệt đối.
Chị Võ Thị Lệ, công nhân chế biến thức ăn của trang trại, cho biết: sả, gừng, tỏi, hành tây khi xay lên ủ với rượu khoảng từ 20 - 30 ngày, sau đó vắt lấy nước cho gà uống, xác thì trộn với thức ăn. Trời nắng ấm thì thỉnh thoảng mới cho gà uống, trời lạnh cho gà uống nhiều hơn.
“Đó là chưa kể, cứ sau 5 ngày một lần, trang trại lại xông khói thảo dược từ bếp lò để khử trùng, phòng các loại bệnh cúm gà. Dược liệu xông khói là bồ kết, lá mơ lông, ngải cứu, bột nghệ, bột sả. Khi xông khói vào chuồng nuôi, gà hít khói vào thì sẽ kháng được các loại cúm gia cầm H5N1, H7N9. 3 năm qua, trang trại chưa có con gà chết vì các loại cúm gia cầm" - anh Tú khẳng định.
|
Để tạo niềm tin cho khách hàng, anh Tú đã tạo kiểm chứng của khách hàng qua việc thiết lập loại tem truy xuất nguồn gốc gà dược liệu KBV. Có tem này buộc vào chân gà, khách hàng dùng điện thoại quét vào tem, có thể truy xuất thấy được toàn bộ quy trình chăn nuôi thể hiện hình ảnh ở đây. Đây cũng là cách bảo vệ thương hiệu sản phẩm của trang trại và quyền lợi người tiêu dùng...
Từ thành công của 2 năm đầu, bắt đầu từ năm 2018, trang trại anh Tú nuôi gà với số lượng quy mô hơn, 4 lứa/năm (3.000 con gà/lứa). Bình quân mỗi tháng trang trại anh xuất 1.000 con gà, chủ yếu cho thị trường Đà Nẵng, TP. HCM, Gia Lai và Kon Tum, với giá 150.000-170.000 đồng/kg. Theo anh Tú, gà nuôi trong vòng 5 tháng, mỗi con nặng từ 1,5-2kg là tối đa.
"Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, trang trại xuất ra thị trường 5 tấn gà. Ai đã sử dụng sản phẩm của trang trại sẽ thấy gà nuôi bằng dược liệu có mùi thơm khác gà thường, vì đã khử được mùi tanh của thịt" - anh Tú nói.
Anh Tú “bật mí”, thời gian tới, trang trại của Hợp tác xã Đồng hành nhà nông Hoàng Bách Kon Tum sẽ làm đầu tàu phổ biến ra xung quanh cho nông dân chăn nuôi, nhất là các hộ đồng bào DTTS. Theo đó, Hợp tác xã sẽ đầu tư cho hộ gia đình chăn nuôi từ con giống đến kỹ thuật, có cả camera theo dõi, chỉ cần hộ nuôi tuân thủ theo đúng phương pháp nuôi, hợp tác xã sẽ thu mua lại sản phẩm. Một khi tạo sản phẩm ổn định, người nông thôn có thể thoát nghèo từ mô hình này" - anh Tú khẳng định.
Văn Phương