Nữ Bí thư Đoàn xã với mô hình trồng bí đỏ
Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình và làm gương cho đoàn viên thanh niên trong xã, chị Nguyễn Thị Phi Công – Bí thư Đoàn xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) đã mạnh dạn cùng với 4 hộ nông dân trên địa bàn xã đầu tư 300 triệu để trồng 5ha bí đỏ Đài Loan. Đến nay, vườn bí đỏ phát triển xanh tốt, dự trù cho thu hoạch khoảng 150 tấn.
Sau 2 tháng xuống giống, vườn bí của nhóm chị Công đã xanh mướt; từng trái bí màu đỏ cam đua nhau to tròn, căng bóng dưới ánh nắng mặt trời. “Dự trù còn khoảng 1,5 tháng nữa vườn bí sẽ cho thu hoạch, dù có sâu bệnh nhưng nhìn chung vẫn phát triển ổn, trái đều, bùi và rất ngọt” – chị Phi Công cho biết.
|
Chia sẻ với chúng tôi, chị Công nói rằng, chị luôn nung nấu ý định trồng trọt để phát triển kinh tế. Hơn thế, là Bí thư Xã đoàn, chị muốn mình là ngọn cờ đầu trong phong trào làm kinh tế để làm gương cho đoàn viên thanh niên. “Tôi nghĩ, mình phải làm thử trước, có hiệu quả mới động viên các đoàn viên khác làm theo” – chị Công chia sẻ.
Với ý định đó, ngoài việc học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị Công cũng tìm hiểu thêm từ thực tế để tìm kiếm mô hình làm kinh tế phù hợp.
Trong một lần tìm đến Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp xanh Kon Tum tại thành phố Kon Tum, được tư vấn trồng giống bí đỏ Đài Loan cho giá trị kinh tế cao, chị Công liền mạnh dạn về xã Hòa Bình bàn với 4 hộ nông dân thuê đất cùng trồng thử nghiệm giống bí mới.
“Lúc đấy thấy ý tưởng Công đưa ra khá hay, hơn nữa chúng tôi cũng mong muốn thử nghiệm làm mô hình mới nên tôi và 3 hộ dân khác cũng đồng ý chung sức làm” – ông Nguyễn Hải Sơn, thôn 1, xã Hòa Bình cho biết.
Được sự chung sức của mọi người, chị Công và 4 thành viên trong nhóm liền đi tìm, thuê 10ha đất (đang trồng cao su năm 3) để trồng bí đỏ. “Trừ diện tích cây cao su, diện tích bí đỏ thực trồng khoảng 5ha. Tôi cũng như các thành viên khác, mỗi người đầu tư 60 triệu để thuê đất cũng như đầu tư làm” – chị Công nói.
Được Công ty hỗ trợ kỹ thuật, cho nợ 50% giống, phân và kí kết bao tiêu sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg, chị Công và các thành viên trong nhóm liền mạnh dạn xuống giống. Dù biết bí đỏ Đài Loan dễ trồng, ít sâu bệnh, giá bán cao hơn bí đỏ địa phương nhưng vì lần đầu tiên trồng, chưa có kinh nghiệm nên cả nhóm chị Công ai cũng lo lắng. Từ lúc xuống giống cả nhóm thường xuyên thăm nom, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để hạn chế thấp nhất sâu rầy.
Trong quá trình làm, chị Công thường thuê đoàn viên thanh niên trong xã làm công với mục đích vừa tạo công ăn việc làm, vừa giới thiệu, hướng cho đoàn viên tập trung làm kinh tế. Có đợt cao điểm, chị thuê 20 đoàn viên thanh niên với giá 130 ngàn/công.
Sau quá trình chăm sóc kĩ lưỡng, đến nay, vườn bí của nhóm chị Công phát triển tốt. “Dự trù, 1 quả bí có trọng lượng 1,2kg – 1,5kg, 1ha thu về thấp lắm cũng được 30 tấn; với giá 5 ngàn đồng, chúng tôi thu ít nhất 150 triệu/ha” – chị Công tính.
Mô hình trồng bí đỏ Đài Loan sắp cho thu hoạch, sau vụ này, nhóm chị Công đã vạch ra ý định thuê thêm 14ha đất khác để trồng bí. Với diện tích đất trồng bí đã cho thu hoạch, nhóm chị sẽ phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp xanh Kon Tum tìm ra một loại cây phù hợp khác trồng để tránh sâu bệnh . “Dù thất bại hay thành công thì việc thử nghiệm làm mô hình mới đều cho tôi kinh nghiệm. Tôi tin rằng, nếu chăm chỉ và cố gắng, đất sẽ không phụ công người” – chị Công cho biết.
Bình An