Những nhà sáng chế nhí
Xuất phát từ nhu cầu thực tế trong đời sống, các em học sinh đã có những sáng chế với tính ứng dụng cao khiến người lớn phải ngả mũ thán phục.
Gối lá nếp cho giấc ngủ an lành
Bước lên bục nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đạt giải cao trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng lần thứ XI tỉnh năm 2018-2019, em Võ Hồng Vân, học sinh lớp 7 Trường THCS 24 tháng 4 (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) nở nụ cười thật tươi.
Em cho biết, sau khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, đến nay đã có khoảng 70 chiếc gối lá nếp được người thân, thầy cô cũng như hàng xóm sử dụng hàng ngày và cho phản hồi rất tốt.
“Gối lá nếp có rất nhiều công dụng, vừa làm thơm phòng, vừa giúp mang lại giấc ngủ an lành. Sản phẩm này dễ làm, có tính ứng dụng rất cao nên sau cuộc thi em sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng để tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh” - Hồng Vân cho hay.
|
Chia sẻ về ý tưởng của mình, cô học sinh lớp 7 cho biết, một lần sử dụng lá nếp trong căn phòng ẩm mốc vào mùa mưa, em nhận thấy lá nếp có khả năng hút ẩm “kì diệu”. Một lần khác, khi đi xe ô tô cùng gia đình, thử cắt một nắm lá nếp bỏ trên xe, em thấy lá nếp khử mùi rất tốt, đem lại mùi thơm rất dễ chịu, giúp giảm đau đầu, say xe. Sau những lần như vậy, em suy nghĩ và nảy ra ý tưởng làm gối lá nếp để mang lại mùi thơm dễ chịu trong phòng ngủ, trên xe ô tô cũng như tốt cho sức khỏe.
Ý tưởng hay ngay lập tức được gia đình cũng như thầy cô trong trường ủng hộ, Hồng Vân nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Sau khi lên mạng tìm hiểu về công dụng của lá nếp, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các thầy cô, Hồng Vân đã tìm ra “công thức” sản xuất ra một chiếc gối lá nếp hoàn chỉnh.
Theo đó, thu hoạch lá xong, em rửa sạch từng sống lá nếp rồi đem phơi cho héo. Sau đó xé lá thành những sợi nhỏ, tiếp tục phơi khô dưới trời nắng cho giòn rồi cho lá nếp thơm vào vỏ gối (hai lần vỏ: vỏ bọc lá và vỏ bao ngoài). Đem gối phơi khô dưới trời nắng rồi để gối trong mát một thời gian, sau đó bỏ vào bì ni lông là có thể sử dụng.
“Gối lá nếp là sản phẩm phát huy tối đa tác dụng an thần, hỗ trợ cho người bị yếu dây thần kinh, giảm lo âu và căng thẳng, tạo giấc ngủ sâu, giải cảm, chữa bệnh thấp khớp, làm giảm đau nhức xương khớp, bệnh gút; ngoài ra nó còn giúp căn phòng luôn thơm, chữa say xe, chống nôn… Chính vì những công dụng tuyệt vời ấy mà ngay khi em làm ra, hàng xóm, người thân đã sử dụng sản phẩm này trong đời sống hàng ngày” - Hồng Vân cho hay.
Gối lá nếp có hạn sử dụng trong vòng 12 tháng. Giá thành 1 chiếc gối lá nếp chỉ khoảng 100 ngàn đồng. Sau 12 tháng, mọi người có thể mua ruột gối khác thay thế để đem lại công dụng tốt nhất.
Giàn phơi đồ thông minh
“Bà con nơi em sinh sống thường đi làm cả ngày, chính vì vậy, vào mùa mưa, thường hay bị ướt đồ đang phơi do không có người ở nhà. Từ thực tế đó, em và bạn Y Diễm Thị đã suy nghĩ, tìm tòi và thiết kế ra mô hình giàn phơi đồ thông minh để giúp bà con an tâm khi phơi đồ ngoài trời” - em Nguyễn Trần Nhật Long, cựu học sinh Trường THCS 24 tháng 4 (thời điểm dự thi em là học sinh lớp 9 Trường THCS 24 tháng 4) chia sẻ về ý tưởng thực hiện giàn phơi đồ thông minh, đèn dự phòng, chuông báo hồng ngoại - bộ sản phẩm đạt giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng lần thứ XI.
Được thầy cô hỗ trợ, 2 em tập trung nghiên cứu, tìm tòi thông tin trên internet đồng thời tìm hiểu vận hành của băng tời trong các công trường. Chuẩn bị đầy đủ các kiến thức, cả 2 tiến hành làm một giàn phơi tự động có sử dụng cảm biến mưa để giàn phơi có thể tự thu đồ vào khi trời mưa.
|
Cả 2 chia nhau đi thu thập các nguyên vật liệu, tìm mua mạch cảm biến; tận dụng ống nhựa, mô tơ, công tắc, dây điện, nút điều khiển từ những đồ điện tử đã hỏng trong gia đình để thiết kế và làm sản phẩm. Trong thời gian từ ngày 1-8/4/2019, dưới sự giúp đỡ của các thầy cô, 2 em tiến hành đo, thiết kế khung; cắt ống và tạo khung giàn phơi; ráp hệ thống tự động thu vào và hệ thống phơi, thu thủ công; cố định bảng điều khiển vào khung; hoàn thiện phần dây và móc phơi để hoàn thành sản phẩm.
Chỉ vào hệ thống giàn phơi đồ thông minh, Nhật Long nói: Đồ được móc vào móc phơi và phơi ra bằng một nút bấm màu xanh. Khi hết hành trình công tắc sẽ tự ngắt để bảo vệ các thiết bị điện có trong giàn. Khởi động công tắc tự động màu vàng để kích hoạt chế độ thu tự động khi trời mưa. Khi trời mưa, mạch cảm biến mưa sẽ nhận tín hiệu và tự động thu đồ vào. Khi thu vào đến hết hành trình công tắc sẽ tự ngắt giúp cho các thiết bị điện không bị hư hỏng. Nếu trời không mưa muốn thu đồ vào ta tắt công tắc màu vàng và bấm vào nút màu đỏ.
Ngoài sản phẩm giàn phơi đồ thông minh, 2 em còn làm thêm một số sản phẩm nhỏ như Chuông báo hồng ngoại và đèn dự phòng. Từ những vật liệu đã hỏng trong gia đình. “Đạt giải Ba trong Cuộc thi là niềm động viên, khích lệ để chúng em tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm có tính ứng dụng cao để giúp đỡ bản thân, gia đình và mọi người” - em Y Diễm Thị chia sẻ.
Có mặt tại buổi lễ trao giải, cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Hiệu trưởng Trường THCS 24 tháng 4 không giấu được niềm vui: Những nỗ lực của các em đã đem lại kết quả cao, qua đó tạo sự phấn khởi, khơi dậy niềm sáng tạo cho học sinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, khuyến khích, hỗ trợ để các em cũng như học sinh trong trường có thêm nhiều sáng kiến, sản phẩm hay, thiết thực, giúp ích trong đời sống.
Hoài Tiến