Người truyền lửa bảo tồn văn hóa dân gian
Theo thống kê của ngành chức năng, huyện Sa Thầy hiện có 14 Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, trong số đó bà Y Run (64 tuổi) ở làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi là nữ Nghệ nhân ưu tú duy nhất. Bằng tình yêu, trách nhiệm với văn hóa truyền thống, những năm qua, bà đã tích cực tham gia giữ gìn, truyền dạy văn hóa dân tộc mình cho thế hệ trẻ trên địa bàn.
Những ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi đến xã Rờ Kơi và may mắn được gặp bà Y Run cùng các nghệ nhân lớn tuổi đang tổ chức truyền dạy văn hóa dân gian cho các em thanh thiếu niên trong xã. Sau lời thăm hỏi xã giao, bà Y Run bộc bạch: Năm 18 tuổi, tôi đã tích cực tham gia đội văn nghệ của xã. Không chỉ biểu diễn phục vụ bà con địa phương, đội văn nghệ của xã lúc bấy giờ còn tham gia nhiều hoạt động biểu diễn tại huyện và tỉnh.
Theo lời ông A Đeng - Nghệ nhân ưu tú làng Ya Xiêng, người bạn thân thiết với bà Y Run bao nhiêu năm nay chia sẻ: Bà ấy là người phụ nữ rất giỏi múa xoang, múa chiêu rất đẹp, khéo léo trong kéo sợi, dệt vải, và đặc biệt là thổi đàn ting dâng rất hay”.
Như để minh chứng cho câu nói của mình, ông A Đeng cầm sáo (trong tiếng Hà Lăng là Hoal), bà Y Run cầm kèn ting dâng, cùng song ca bài hát về tình yêu lứa đôi.
Bà Y Run kể lại: Giờ đã ngoài 60 tuổi rồi nên mình thổi không được hay lắm. Trước đây, những chàng trai, cô gái Hà Lăng thường bày tỏ tình yêu của mình bằng việc ngồi bên bờ suối, cô gái sẽ thổi kèn ting dâng, còn chàng trai thổi sáo để thể hiện tình yêu của mình với đối phương.
|
Đặc biệt, bà Y Run còn được biết đến là người múa chiêu giỏi nhất của xã và cũng là người tiên phong trong việc giữ gìn, truyền dạy lại điệu chiêu truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây là một nét văn hóa rất độc đáo làm nên bản sắc riêng biệt của người Hà Lăng ở đây.
Xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy có 90% dân số là người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). Đến nay, số người biết được điệu chiêu truyền thống còn rất ít. Vì vậy, cùng với những giải pháp của huyện, xã, bà Y Run đã tích cực đứng ra truyền dạy văn hóa truyền thống cho con cháu, cho người dân trên địa bàn. Múa chiêu là điệu múa nghi lễ từ thời xa xưa, biểu hiện sự thành kính của dân làng đối với vị thần linh. Điệu múa được xem như hồn dân tộc và là phương tiện giao tiếp của con người với thần linh, tổ tiên, ông bà.
Theo bà Y Run, kỹ thuật múa chiêu thực hiện rất khó, phải mất 5 - 6 buổi, các nghệ nhân mới tập được cho người học cách di chuyển từng bước chân. Không giống như điệu xoang, người múa chiêu phải nhịp nhàng điều chỉnh mũi bàn chân và gót chân xoay đều 80 độ nhưng không được để bàn chân rời khỏi mặt đất.
Ngoài việc truyền dạy cho thế hệ trẻ biết múa xoang, múa chiêu, bà Y Rum còn truyền dạy cho con, cháu biết kéo sợi, dệt vải. Những khi rảnh rỗi, bà thường truyền dạy cho 2 người con gái biết múa chiêu, dệt vải thuần thục. Chị Y Lý - con gái đầu của bà Y Run giờ còn là một trong những người tích cực tham gia công tác truyền dạy văn hóa dân gian của làng. Hay cháu gái bà Y Run là Y Ý, năm nay học lớp 9 đã biết múa xoang, múa chiêu và là nghệ nhân nhí của trường.
“Muốn người khác nghe theo mình, thì trước hết con cháu trong nhà mình phải học, phải biết truyền thống của dân tộc mình đã, khi đó việc truyền dạy cho con cháu trong làng, trong xã mới thuận lợi được”- bà Y Run nói.
Là học trò của bà Y Run, em Y Giang Sun, làng Kram, xã Rờ Kơi cho biết: “Múa chiêu rất khó, đặc biệt là việc kết hợp chân và tay. Nhờ được bà chỉ dạy tận tình, hiện nay, cháu và nhiều bạn trong làng đã nắm vững các kỹ thuật múa chiêu”.
Trao đổi với chúng tôi, ông A Theng - Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: Với vai trò là Nghệ nhân ưu tú, bà Y Run đã phát huy rất tốt trách nhiệm của mình trong truyền dạy múa xoang, múa chiêu, dệt vải. Làng Rờ Kơi là làng đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Gia đình bà Y Run còn được biết đến là gia đình hiếu học tiêu biểu của địa phương, bốn người con của bà đều theo học các trường cao đẳng, đại học. Các con của bà hiện đã trưởng thành có việc làm ổn định.
Điều mà bà Y Run mong muốn nhất hiện nay là cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục có những định hướng để các Nghệ nhân ưu tú như bà được phát huy vai trò của mình trong công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn. Ước mong của bà là tất cả thanh thiếu niên trong làng, trong xã đều tích cực học tập, yêu thích văn hóa truyền thống. Dù cuộc sống có đổi thay, có phát triển thế nào thì truyền thống văn hóa vẫn phải được gìn giữ.
Năm 2016, bà Y Run được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Bà không nhớ đã truyền dạy cho bao nhiêu người, chỉ biết rằng nhiều người đến nay đã trở thành những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm, tiếp tục cùng bà thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.
Mạnh Thắng