Người thương binh chăm sóc… mộ liệt sĩ
Đồng lương ít ỏi, công việc nặng nhọc nhưng người thương binh Nguyễn Văn Hiền - ở thôn 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy vẫn miệt mài chăm sóc, hương đèn cho từng phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy với tất cả cái tâm của mình. Ông bảo rằng, ông may mắn khi được chăm sóc cho các đồng đội đã ngã xuống và ông nguyện làm công việc này trong quãng đời còn lại của mình.
Hôm chúng tôi đến, người quản trang Nguyễn Văn Hiền – 70 tuổi đang mải miết quét dọn, lau chùi, thắp nhang cho các phần mộ liệt sĩ. Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sớm, ông đã dậy quét dọn. Nhờ vậy, dù Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy khá rộng (với diện tích gần 2ha) nhưng lúc nào cũng luôn sạch sẽ, tươm tất.
Hàng ngày phải dậy sớm, lau dọn khoảng 1.400 mộ; chăm sóc cây xanh; thức đêm thức hôm canh chừng không cho kẻ xấu vào quậy phá… Làm hàng tá công việc nhưng mỗi tháng ông Hiền chỉ nhận 1,5 triệu đồng. Ấy thế nhưng, tâm sự với chúng tôi, người thương binh 41% Nguyễn Văn Hiền bảo rằng, ông rất may mắn khi được làm công việc này.
“Thoạt đầu vợ con tôi ngăn cản, không cho tôi làm nhưng tôi một mực làm. Tôi làm không phải vì lương mà vì muốn được chăm sóc đồng đội. Đâu phải ai cũng may mắn được làm việc này đâu” – ông Hiền bảo.
|
Ông Hiền làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy từ năm 2013. Dù công việc vất vả nhưng ông luôn vui vẻ, phấn khởi. Ông bảo: Các đồng đội đã anh dũng ngã xuống, nhiều người vẫn còn lưu lạc, chưa được quy tập về. Hàng ngày được chăm sóc cho các anh, đó là một công việc ý nghĩa và đem lại niềm vui cho chính bản thân tôi. Tôi 70 tuổi rồi, giờ đến cuối đời, tôi nguyện làm công việc này để được chăm sóc cho đồng đội của mình.
Không chỉ làm công việc quản trang, với mong muốn các đồng đội “về được” với người thân, trong quá trình làm, ông cùng với một thầy giáo tại một trường học trên địa bàn huyện ghi lại thông tin của liệt sĩ, đăng tải lên mạng xã hội với mong muốn người thân của họ được nhìn thấy, đỡ mất công tìm kiếm. “Có khoảng 60-70 người từ 18 tỉnh, thành khác nhau nhờ thông tin ấy mà tìm được người thân của mình. Thực sự tôi cũng vui mừng lắm” – ông Hiền tâm sự.
Với cái tâm của mình, ông làm việc với thái độ tận tình, nồng nhiệt, chu đáo. Không chỉ chu đáo với những đồng đội, ông còn chu đáo với những ai đến thăm viếng mộ. Bởi vậy, trong cuốn sổ lưu bút của ông, nhiều người bày tỏ lòng biết ơn đến ông, họ gửi gắm và cảm thấy yên tâm khi người thân của mình được một người nhiệt tình, đôn hậu như ông chăm lo.
Còn về phần ông Nguyễn Văn Hiền, chẳng biết tự bao giờ căn phòng bảo vệ nhỏ ở nghĩa trang đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của ông. Nhiều lúc ra ngoài, dù vui vẻ với thế nào, có công việc đột xuất ra sao nhưng ông cũng chỉ đi một lúc, đến tối lại quay trở về đây cùng với đồng đội. “Có hôm đi chơi bóng bàn với các ông bạn già, cứ đến 4h chiều là tôi lại về, nhiều hôm bỏ ngang cuộc đánh để về. Không về là tôi lại nóng ruột lắm, các anh – đồng đội của tôi, người thân đang đợi ở nhà, tôi phải về chứ kẻo các anh mong” – ông Hiền bảo.
Ngồi tâm sự với chúng tôi, nhớ về những ngày kháng chiến, ông Hiền đã khóc. Giọt nước mắt vừa là niềm tự hào, vừa là niềm tiếc thương cho các đồng đội. Ông bảo: Với cái tâm của mình, tôi sẽ chăm sóc thật tốt các phần mộ, để các anh hùng liệt sĩ – đồng đội của tôi được yên nghỉ nơi đất mẹ.
Bình An