Người giữ nghề dệt làng Lung Leng
Trải qua hơn 61 mùa rẫy, mắt đã mờ, đôi tay chai sạn theo nắng mưa, nhưng mỗi khi ngồi vào khung cửi, bà Y Vit (làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) lại thoăn thoắt đôi tay, thể hiện những kỹ năng dệt chuyên nghiệp, tạo ra những chiếc khăn, tấm thổ cẩm phục vụ đời sống sinh hoạt.
Trời rả rích mưa. Bà Y Vit gác lại công việc trên rẫy, ngồi ở nhà tiếp tục dệt tấm vải còn dở dang. Gắn bó với nghề dệt nhiều năm, bà không thể nhớ mình đã dệt bao nhiêu tấm thổ cẩm.
Bà Y Vit kể, những kinh nghiệm dệt của bà không phải học từ mẹ, từ bà mà là từ những người trong làng. Bởi ngày trước, cả mẹ và bà ngoại đều không biết dệt, nhưng bà lại thích dệt từ khi còn bé. Thuở ấy, trong làng nhiều phụ nữ xung quanh nhà bà Y Vit có khung dệt, bà ao ước, trong nhà mình cũng có một bộ khung dệt để tự tay dệt nên những tấm vải theo sở thích.
|
Để thực hiện giấc mơ ấy, bà Y Vit thường sang các nhà hàng xóm học dệt. Bà nói dối mẹ mình sang nhà các bạn hàng xóm chơi, nhưng sự thật lại chỉ ngồi xem mẹ các bạn dệt. Càng chăm chú xem, Y Vit càng bị các sợi dệt cuốn hút, thôi thúc ngồi vào khung dệt.
Bà Y Vit nhớ lại: Thấy tôi chăm chú ngồi nhìn dệt, nhiều mẹ, nhiều chị hàng xóm cho tôi vào ngồi khung dệt thử, chỉ dẫn cách dệt. Tuy nhiên, khi trở về, nhà không có khung dệt, đôi tay chỉ thêm “ngứa ngáy”, những kiến thức ít ỏi cứ vương vấn mãi trong đầu.
Mãi đến sau này, khi có chồng và ra ở riêng thì bà Y Vit mới nhờ chồng đặt một khung dệt riêng đem về nhà để mình học dệt. Biết bà thích dệt thổ cẩm nên chồng bà đặt một bộ khung cửi, trị giá 150 nghìn đồng.
“150 nghìn đồng ngày trước lớn lắm. Ông ấy thương tôi nên đặt khung cửi gỗ tốt đem về để tôi tập dệt, sau này thành thạo sẽ dệt ra nhiều sản phẩm cho con, cho cháu, phục vụ sinh hoạt hằng ngày” - bà Y Vit tâm sự.
Có khung dệt, nhờ các mẹ, các chị hàng xóm hướng dẫn thêm, chẳng bao lâu sau là bà Y Vit có thể tự tay dệt những tấm thổ cẩm được làm từ sợi bông do chính mình trồng, hái và xe sợi. Lần đầu tiên dệt được tấm vải thổ cẩm, lòng bà vui như hội. Chồng bà cũng hân hoan theo. Trong thâm tâm, bà không còn hổ thẹn “thua chị kém em” trong làng.
Sản phẩm đầu tay ra đời sau nhiều ngày miệt mài, dù không đẹp như mong đợi, nhưng với bà, với chồng bà, tấm thổ cẩm ấy có ý nghĩa rất lớn, là động lực để bà Y Vit tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm dệt truyền thống.
|
Sau tấm thổ cẩm đầu tiên ấy, hằng ngày, khi xong việc trên rẫy trở về nhà lo xong cơm nước gia đình, bà Y Vit lại miệt mài ngồi vào khung cửi. Ngày qua ngày, những tấm vải thổ cẩm mới được bà dệt nên ngày càng nhiều. Con gái bà xúng xính trong những chiếc váy thổ cẩm đến trường, diện lễ hội; con trai bà cũng có những chiếc túi, áo khoác truyền thống của người Gia Rai.
“Ngày chồng tôi còn sống, mỗi khi thấy tôi ngồi vào khung dệt, ông ấy rất vui, thường ngồi gần đó tâm sự. Sau này ông mất đi, mỗi lúc tôi dệt thường hay nhớ đến ông ấy. Cứ mỗi lần ngồi vào khung dệt, tôi lại như thấy ông ấy cười bên mình” - bà Y Vit thổ lộ.
Ngày nay, công nghệ phát triển, những cuộn chỉ đủ màu bày bán khắp nơi thay thế sợi bông dệt truyền thống, giúp bà Y Vit thuận tiện hơn nhiều trong nghề dệt. Dệt với bà Y Vit giờ đây không chỉ là đam mê để phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình mà còn là cái nghề kiếm thêm tiền để mưu sinh. Trong làng, nhiều người đến đặt bà Y Vit dệt những tấm thổ cẩm nhỏ, lớn khác nhau. Trung bình một tấm thổ cẩm, bà Y Vit dệt từ 2-5 ngày; tùy theo kích thuớc, tấm thổ cẩm có giá từ 250 - 500 nghìn đồng.
Anh Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sa Bình cho biết: Bà Y Vit là một trong số ít những phụ nữ còn giữ gìn nghề dệt ở làng Lung Leng. Nhiều năm qua, bà Y Vit vẫn luôn miệt mài duy trì nghề dệt, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt và bán ra thị trường. Trong thời gian tới, Mặt trận xã sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân tiếp tục duy trì nghề dệt; đồng thời truyền dạy lại nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ con cháu tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm.
Văn Tùng