Người đưa cam sành lên đất Kon Tum
Ông Nguyễn Hạnh (49 tuổi) ở xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà là một trong những người đầu tiên đưa giống cam sành ở miền Tây Nam bộ lên miền cực bắc Tây Nguyên Kon Tum trồng, đã và đang mang lại thành công, mỗi năm cho thu hàng trăm triệu đồng…
Bán cà non giấu vợ đi học trồng cam
Ông Nguyễn Hạnh từng nổi tiếng về việc đưa cây chanh dây về trồng ở đất làng Kon Brông, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, nhưng là với những năm 2008 về trước. Còn giờ đây ông lại nổi tiếng với cây cam sành. Mà câu chuyện cam sành đến với ông chỉ một cách rất tình cờ.
Có lần đang hì hục ngoài vườn, ông Hạnh được vợ mua cam sành cho ăn. Hỏi cam này ở đâu trồng, vợ bảo là cam ở miền Tây. Lúc này, bỗng dưng trong đầu ông xuất hiện câu hỏi "Sao mình không trồng cam?”.
Cũng chính từ đó, trong đầu luôn vẩn vơ suy nghĩ nhưng ông vẫn “bí” chưa biết làm cách nào mà trồng được. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, cuối năm 2009, ông Hạnh giấu vợ bán non một tấn cà phê rồi rủ bạn là Quản Trọng Năng “lén” vợ đi xuống miền Tây chơi cho biết.
Vừa xuống xe đò, nơi đầu tiên ông Hạnh cùng bạn tìm vào là Viện nghiên cứu Cây trồng miền Nam (ở tỉnh Tiền Giang). Từ đây, ông được giới thiệu về các miệt vườn ở huyện Châu Thành (Tiền Giang). Các chủ vườn cam ở đây tốt bụng nên đều chia sẻ, trao đổi hết kỹ thuật chăm bón cây cam sành cho ông Hạnh.
"Ở địa phương mình có trồng cam ăn chơi, nhưng hầu hết là chua lè. Tôi hỏi điều này, bà con vườn cam ở Châu Thành cũng nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật làm sao cho khỏi chua. Thế là anh em tôi về trồng cam sành"- ông Hạnh kể.
Sau gần cả chục ngày “bặt vô âm tín”, về đến nhà, vợ hỏi đi đâu cả chục ngày? Ông Hạnh nói: Đi học trồng cam, giờ mình trồng cam sành nhé! Vợ ông Hạnh hỏi tiếp "làm được không?". Ông liền khẳng định “được!".
Thế rồi sau một thời gian chuẩn bị đất, ông Hạnh lặn lội đi miền Tây chuyến thứ hai. Lần này trở về, ông Hạnh rinh thêm 2.000 cây cam và 200 cây quýt đường giống nữa. Với ngần ấy cây, ông Hạnh trồng hết 2ha trong vườn, với giá chi phí trọn gói từ khi mua đến trồng thời điểm đó là từ 50.000 đến 70.000 đồng/cây.
Sau khi trồng cây xuống, ông Hạnh cứ đi nhấm cam chua hoài để thử xem chua là do sao, bón cái gì để khử nó. Hằng ngày, sương sớm còn đọng trên ngọn cỏ là ông Hạnh có mặt ngoài vườn để theo dõi cam phát triển ra sao.
|
Ông Hạnh kể: Nói thật cũng sợ. Nếu làm cà phê thì hỏi kỹ thuật bà con xung quanh, nhưng với cây cam, trên địa bàn tỉnh mình chưa ai làm nên không biết hỏi ai khi bí. Những lúc vậy, tôi phải gọi cho những nhà làm vườn ở miền Tây hoặc đi tìm đọc trên Internet, sách vở... Có điều rất mừng là cây cam trồng xuống phát triển nhanh, chỉ trong 7 tháng trồng thì cho lứa bói đầu tiên. Thấy da cam mọng, xanh, tôi mừng lắm.
Bước qua giữa năm 2010, cam lại ra trái, mỗi cây cho từ 4-5 trái và đạt 3,5 tấn trái, ăn không chua mà ngọt thanh, không khác cam sành miền Tây. Lúc đó giá cam 30.000 đồng/kg, ông Hạnh thu về nhiều hơn mức mong đợi.
Chính vì vậy, ông Hạnh quyết tâm đầu tư mạnh vào 2ha cam của gia đình. Mùa quả năm 2011, ông thu về 10 tấn cam và 4 tấn quýt đường. Đến năm 2012 trở về sau, ông thu hơn 30 tấn cam, quýt/năm. Đặc biệt, cam lúc này đã cao từ 2,5 đến 3m, có cây cho gần 1 tạ quả, còn cây cho 50kg có rất nhiều. Theo tính toán của ông Hạnh, khi cam sành đã bén duyên với Tây Nguyên thì lợi nhuận rất khá: 2ha của gia đình cho lãi trên dưới 600 triệu đồng/năm.
"Sở dĩ thu lợi cao như vậy, là vì 2ha cam của gia đình tôi canh quả ra trái vụ, nhất là bán trong dịp tết. Ngày thường bán cam lứa nhất là 40.000-45.000 đồng/kg, còn lại là từ 25.000-30.000 đồng/kg, nhưng ngày tết thì bán trung bình từ 50.000 đồng/kg trở lên"- ông Hạnh giải thích.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”
Đưa khách đi tham quan 2ha cam sành xanh ngút ngàn ở làng Kon Brông, ông Hạnh cho biết, có thể thu quả được 10 năm. Tuy nhiên, đến năm thứ 7, thứ 8, cam ra quả nhỏ hơn.
"Vườn cam gia đình dùng thuốc sinh học, nhưng rất hạn chế. Bà con tin tưởng mình làm cam sạch nên ngày nào chở về thành phố Kon Tum cũng bán sạch trơn, kiếm non triệu bạc"- ông Hạnh nói. Cũng theo chủ vườn cam này, từ khi trồng cam đến giờ, lượng cam không đủ tiêu thụ thị trường nội tỉnh, nên rất tự tin đầu ra.
Trò chuyện với ông Hạnh mới biết, vào năm 2012, theo lời mời gọi của chính quyền huyện Kon Plông, ông đã quyết định đầu tư 4 tỉ đồng xây dựng trang trại cây ăn trái tổng hợp ở khu du lịch sinh thái Măng Đen, trong đó, chủ yếu là cây cam sành. Theo lời kể của ông, đến nay, ông đã trồng 20.000 cây trên diện tích gần 21ha, trong đó có 10.000 cây cam đang ra trái vụ bán vào dịp tết 2017 sắp tới.
Theo ông Hạnh, hiện cam đã ra trái bằng nắm tay người lớn và nếu không có gì thay đổi, 10.000 cây cam ở trang trại này thu về 45-50 tấn quả. "Sang năm 2017, có khoảng 17.000 cây cho quả thì sản lượng sẽ đạt ít nhất cũng từ 80 tấn trở lên" - ông khẳng định.
Với ông Hạnh, triển vọng của trang trại tổng hợp với canh sành là điểm nhấn đang mang lại hiệu quả và sẽ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đúng là đất không phụ công người, “có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Văn Phương