Nghệ nhân A Êk giữ hồn tượng gỗ
Tạc tượng gỗ là nét đẹp điêu khắc dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum. Theo thời gian, các nghệ nhân gắn bó với loại hình nghệ thuật độc đáo này không còn nhiều; song bằng tình cảm, tâm huyết với nghề truyền thống, họ vẫn ra sức gìn giữ và trao truyền lại cho thế hệ con cháu tinh hoa của dân tộc. Tài hoa và khiêm nhường, nghệ nhân A Êk ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) được nhiều người quý trọng.
54 tuổi, vẫn còn bộn bề với nương rẫy, nhưng trong những ngày cuối năm vừa rồi, ông A Êk đã tạm gác lại công việc để góp mặt trong đoàn nghệ nhân của tỉnh Kon Tum tham gia Festival Cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
“Lâu lâu mới đến sự kiện văn hóa lớn, có dịp gặp gỡ anh em đồng bào, lại còn được đẽo tượng nữa, bỏ lỡ sao được…”- ông Êk cười hiền. Hơi lâu không đục đẽo gì, ông lo “cái tay nó cứng, con mắt cũng không tinh nhìn…”, nhưng thực ra thì như máu đã sẵn trong người, bắt tay vào việc, ông lại cảm thấy hào hứng ngay. Từng đường nét, động tác…cứ thế tuôn ra. Bức tượng gỗ “Thiếu nữ mang củi” của ông và cậu học trò - nghệ nhân trẻ A Huynh dần được thành hình.
|
Nghệ nhân A Êk kể, người Gia Rai xưa có tục “bỏ mả”, liên quan đến lễ Pơ thi, gắn liền với yêu cầu làm tượng nhà mồ thể hiện tình cảm của người sống với người đã khuất. Tạc tượng gỗ, vì vậy, chính là một trong số nghề thủ công lâu đời và độc đáo của dân tộc. Theo phong tục, bên mộ của người quá cố được trang trí các tượng gỗ (mô phỏng biểu cảm, tâm trạng, hoạt động gần gũi của con người), thể hiện sự giao cảm giữa người còn sống với người đã mất.
Không xa lạ với tượng gỗ từ khi còn nhỏ, nhưng biết cầm cái rìu để phác ra hình người bằng gỗ đầu tiên thì ông A Êk nhớ chừng mười chín đôi mươi. Làng Chốt nơi ông sinh ra và lớn lên là nơi có bề dày văn hóa truyền thống. Không chỉ nổi tiếng với các nghệ nhân giỏi cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, đan lát, dệt thổ cẩm; tạc tượng gỗ cũng là nét đẹp của các nghệ nhân nơi đây mà bà con tự hào.
Yêu thích tượng gỗ từ nhỏ, lại sẵn chút năng khiếu nghệ thuật và chịu khó chịu khổ nên từ chỗ hay để ý quan sát, tìm hiểu kỹ thuật từ các nghệ nhân thuần thục đến tự tay cầm cái dùi cái đục để tạo nên hình hài bức tượng gỗ, với A Êk không phải là thử thách lớn. Tuy vậy, công việc đặc thù này mất nhiều tâm sức và không kém phần vất vả.
Những năm qua, tự tay mình đã cho ra đời bao nhiêu tượng gỗ, nghệ nhân A Êk không nhớ hết; chỉ biết rằng, đã quen thuộc với ông là vóc dáng người đàn ông cầm rựa, gõ chiêng, cầm nỏ, uống rượu…; những người phụ nữ mang gùi, địu con, xúc cá… những gương mặt buồn, dáng ngồi suy tư…
Ngày trước, tượng gỗ chủ yếu để dựng ở nhà mồ, nên hầu như ông không làm sẵn mà được anh em, bà con cậy nhờ khi “có việc”. Sau này, không còn lễ bỏ mả, không còn tượng nhà mồ; nhưng tượng gỗ làm ra lại dùng trang trí nhà rông, trong không gian nhà ở…; “ tay nghề” của ông càng được tôi rèn.
“Không chỉ giỏi tạc tượng gỗ, nghệ nhân A Êk còn tận tình chỉ dạy, hướng dẫn cách làm cho lũ trẻ trong làng”- A Huynh, thanh niên yêu thích tạc tượng gỗ ở làng Chốt ghi nhận.
Cho dù số bạn trẻ yêu thích, mong muốn gắn bó với tượng gỗ bây giờ hiếm hoi, nhưng ai yêu thích, ông đều tận tình. Đẽo tượng gỗ không phải như làm rẫy, hay đánh cồng chiêng, mà “phải có khiếu chút”. Ông A Êk giải thích thêm: Có khiếu thì thấy cái hình cái tượng mới thấy yêu thấy thích, mới mê, mới tự học hỏi tìm để làm ra nó. Đặc biệt, người đẽo tượng ban đầu chỉ đơn thuần đi theo nghệ nhân, cầm rìu cầm đục đẽo vào thớ gỗ, nhưng để “thành nghề” thì quan trọng hơn là phải có khả năng tự phác thảo hình hài bức tượng trên chính khúc gỗ mà mình muốn tạc. Phác họa này là cơ sở để đục, đẽo và hình thành nên tượng gỗ.
Hơn 30 năm cần mẫn làm nên những bức tượng gỗ mang dấu ấn riêng của mình, ông A Êk nhớ nhất những lần tham gia các sự kiện văn hóa lớn. Chỉ trong năm 2013, ông không chỉ tham gia đẽo tượng gỗ dân gian trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Kon Plông, mà còn vinh dự góp mặt trong Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam tại Hà Nội. Ở đó, những nghệ sĩ chân đất như ông không âm thầm làm việc một mình, mà có dịp gặp gỡ nghệ nhân của các dân tộc anh em cùng chung niềm đam mê với tượng gỗ, đặc biệt là được giới thiệu nét đẹp tượng gỗ của người Gia Rai để mọi người cùng chiêm ngưỡng, chia sẻ…
Hơn 30 năm cần mẫn tạc tượng gỗ, dấu ấn của nghệ nhân A Êk là tượng anh hùng Núp hút thuốc, mẹ cho con bú, người mẹ cõng con... Ấn tượng khó quên với mỗi bức tượng, không gì khác ngoài tâm huyết “gửi hồn của người tạc tượng vào trong đó”. Cái “hồn” thể hiện sinh động qua nét mặt tượng gỗ, tạo nên “thần thái” hình người.
Tuổi ngày càng cao, song với nghệ nhân giữ hồn tượng gỗ ở làng Chốt thì “Còn cầm được cái rìu cái đục thì còn tạc tượng”. “Giờ lũ trẻ ít để ý, quan tâm đến tượng gỗ; nên đứa nào thích con đường của mình thì mình vui lắm, động viên các cháu đi theo…” - ông A Êk giãi bày.
THANH NHƯ