Họ đã khởi nghiệp như thế
Mỗi người có một hoàn cảnh, một hướng đi khác nhau, nhưng ở họ tựu trung một điểm: sống hết với mình với tuổi trẻ, nỗ lực vươn lên, vững vàng trước những chòng chành khó khăn của những ngày bắt đầu khởi nghiệp… “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, họ đã dần đứng vững trên chính đôi chân của mình.
Hái ra tiền từ… lan rừng
Tốt nghiệp ngành Tài chính doanh nghiệp, Khoa Tài chính ngân hàng, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum nhưng chàng trai Phùng Văn Hùng (25 tuổi) lại quyết tâm lập nghiệp bằng nghề… kinh doanh hoa lan. Dù gặp vô vàn những sóng gió khó khăn nhưng đến thời điểm hiện tại, Hùng đã phần nào chứng tỏ được con đường của mình đi là đúng với doanh thu mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
Đứng trước vườn lan Hùng Dũng ở số nhà 225 Phạm Văn Đồng, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum, từ xa, chúng tôi đã nghe nức mùi thơm ngào ngạt. Không thơm sao được khi phía trong khoảng vườn rộng 800m2, hơn 3.000 giò lan căng tràn sức sống, nhiều loại đua nhau khoe sắc nở.
|
“Thoạt đầu tụi em chỉ làm được vài loại thôi, nay thì có đến 50 - 60 loại lan rồi. Trong đây có nhiều loại lan quý: trúc Phật bà, giả hạc Đăk Glei, trầm, trúc mành… Có những giò có giá chỉ vài trăm ngàn nhưng cũng có rất nhiều giò lên đến vài triệu” – Hùng chia sẻ.
Hùng bảo, để có được như ngày hôm nay, Hùng đã phải kiên nhẫn và nỗ lực rất nhiều. “Thời điểm ban đầu, chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nhiều giò lan trị giá cao bỗng nhiên héo chết, em buồn lắm. Nhưng không nản, em và anh Dũng (một người cùng làm với Hùng - PV) tự động viên nhau cố gắng vượt qua” – Hùng nhớ lại.
Thủng thẳng, Hùng kể cho chúng tôi nghe cơ duyên bén với nghề trồng lan. Ấy là khoảng thời gian Hùng còn là sinh viên năm cuối, vừa theo học nhưng tình cờ Hùng quen biết một người anh chuyên bán lan ở Tây Bắc. Thoạt đầu, người anh nhờ Hùng kiếm các mối để bán lan ở Kon Tum. Cậu sinh viên mon men đến các cửa hàng bán lan tại thành phố Kon Tum chào hàng giúp anh và cũng tập tành làm quen với những cành lan rừng để tư vấn khách hàng. Ngoài thời gian học, mỗi ngày dành thời gian tìm hiểu về lan cho đến khi đam mê lúc nào không biết. Sẵn vốn kiến thức marketing được học trong trường, chàng sinh viên Khoa Tài chính nảy ra ý tưởng và quyết làm giàu từ kinh doanh lan rừng.
Quyết định của Hùng bị gia đình ngăn cản. “Bố mẹ muốn em ra trường phải kiếm được việc làm theo ngành học đàng hoàng nên khi biết em không xin việc mà kinh doanh lan, bố mẹ em buồn và ngăn cản lắm. Bố mẹ và nhiều người ngăn cản, nhưng em thấy quá trình xin việc cũng khó khăn, trong khi đó việc bán lan cũng cho thu nhập, mà đặc biệt thấy mình có đam mê với loài cây này nên em vẫn làm” – Hùng bộc bạch.
Thoạt đầu, Hùng sử dụng số tiền khoảng 10 triệu đồng tích góp được trong quá trình làm thêm thời sinh viên để lấy lan về bỏ mối. Hùng lặn lội vào tận Sài Gòn, rao bán lan trên facebook… để có thêm nhiều bạn hàng. Công việc dù có vất vả nhưng thuận buồm xuôi gió và những khoản lãi nhất định đã giúp Hùng có thêm động lực để phát triển.
Khoảng 2-3 tháng sau, tình cờ Hùng gặp anh Lại Thái Dũng (27 tuổi) – một người mê lan và biết kĩ thuật trồng lan. Cùng chung đam mê nên Hùng và anh Dũng như cá gặp nước, cùng bàn bạc, bắt tay vào mở rộng quy mô.
Từ việc bỏ mối lan, Hùng và anh Dũng đã sang Đăk Nông để tự tìm hiểu và học kĩ thuật trồng, chăm sóc lan. Trở về, hai anh em cùng sử dụng khoảng vườn nhà anh Dũng để mở diện tích trồng lan.
Hữu xạ tự nhiên hương, vườn lan Hùng Dũng dần được nhiều người biết đến, nhiều khách hàng từ xa cũng tìm đến mua, đem lại thu nhập ổn định cho Hùng và Dũng. “Hiện tại em đang có kế hoạch xây dựng một đề án về lan. Trong thời gian đến, nếu làm được, em sẽ mở rộng thêm để có hướng phát triển ổn định” – Hùng cho biết.
Bỏ nghề mộc để… làm nông
Từng đi học nghề mộc với mong muốn kiếm được một nghề ổn định để lo cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, sau khi học xong, anh Nguyễn Đình Đức (29 tuổi) ở thôn 12, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy lại gác nghề mộc sang một bên để bắt tay vào… làm nông.
Hôm chúng tôi vào, Đức đang loay hoay đóng bầu để tiếp tục mở rộng diện tích trồng tiêu. Đức bảo, trang trại rộng gần 18ha của Đức và gia đình giờ đã trồng đủ các loại: cà phê, cao su, cây hoa màu và cả rau củ, mỗi năm đem về được khoảng 600-700 triệu đồng (chưa trừ chi phí). “Hiện tại đang trong giai đoạn chăm sóc nên hiệu quả chưa cao. Vài năm nữa, khi khai thác cao su, cà phê, thu nhập sẽ ổn định hơn” – Đức chia sẻ.
Theo bố mẹ từ Vĩnh Phúc vào Kon Tum, năm 2005-2006, Đức xin bố mẹ đi học nghề mộc tại Trường Trung cấp Nghề Kon Tum với ý định về sẽ đi làm thuê hoặc mở xưởng mộc. Thế nhưng, sau khi học 1 năm, thấy bố mẹ vất vả, nhà lại thiếu nhân lực để làm nên Đức suy nghĩ và rồi quyết định bỏ nghề mộc để về cùng với gia đình trồng cây phát triển kinh tế.
Những ngày đầu, Đức cùng với bố mẹ khai hoang từng mảnh đất để làm lúa. Sau này, qua tính toán, nhận thấy 1ha lúa mỗi năm chỉ cho được khoảng 10 tấn, hiệu quả kinh tế không cao nên Đức nghĩ rằng phải chuyển sang trồng loại cây khác.
|
“Mình lên mạng tìm tòi, nhận thấy cây ớt đem lại giá trị kinh tế khá cao nên mình tự học kĩ thuật rồi bàn với bố mẹ cùng trồng. Gia đình mình chuyển đổi từ 1ha đất ruộng sang trồng ớt, hiệu quả hơn rất nhiều” – Đức kể.
“Làm nông, dù vất vả nhưng phải bắt đất đẻ ra tiền, mà muốn đẻ ra được nhiều tiền, con đường cây công nghiệp là ổn định nhất” – nghĩ vậy, Đức liền bàn bạc, cùng với bố mẹ xuống giống, trồng 3ha cà phê, 6-7ha mì, 1ha cao su.
Các loại cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao nhưng phải tốn chi phí để “nuôi” và có thời gian để chăm sóc. Thấy vậy, Đức lại suy nghĩ, tìm cách để “lấy ngắn nuôi dài”. Tìm hiểu kĩ, Đức vạch hướng, cùng bố mẹ trồng thêm các loại cây ngắn ngày: bắp lai, cà chua, chuối, rau để có chỗ “đắp” vào, nuôi các loại cây công nghiệp. “Nhờ cải tạo đất tốt, chăm sóc kĩ lưỡng nên cây phát triển nhanh lắm. Mỗi ngày mình lại chở bắp, chuối, rau củ đi bỏ mối. Số tiền đó vừa giúp chi tiêu hàng ngày và cũng giúp trả chi phí nhân công” – Đức tính.
Cùng với đó, qua việc học hỏi và tham khảo từ phía bạn bè, kiến thức trên mạng, vừa rồi, Đức liền đưa ra ý tưởng phát triển trang trại theo hướng “Vườn - ao - chuồng”. Và ý tưởng đó nhanh chóng được thực hiện. Hiện tại, Đức đã cùng với bố mẹ làm được 5 sào mặt hồ để nuôi cá trắm, chép, trê, rô phi. “Do quỹ đất còn nhiều nên sắp tới mình đang tính sẽ trồng thêm nhiều loại cây ăn quả: bơ, sầu riêng, cam… để có thêm thu nhập. Nếu ổn định, có thể sẽ phát triển thêm chăn nuôi” – Đức cho biết.
Quyết tâm bắt đất đẻ ra tiền, dù phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dầm mưa dãi nắng nhưng Đức vẫn không nản. Đức bảo rằng, mình còn trẻ, còn nhiệt huyết thì phải thử, phải làm. Con đường làm nông dù có vất vả, gian nan, lắm lúc rất nản nhưng mình tin rằng, có sự kiên trì, cố gắng, nỗ lực, thì “sỏi đá cũng sẽ thành cơm”.
Hoài Tiến