Hai nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
Nghệ nhân A Jar (làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) được biết đến như một nhà nghiên cứu, phiên âm và biên dịch sử thi, dân ca, truyện cổ, bằng cả hai thứ tiếng Xơ Đăng và Ba Na. Còn nghệ nhân A Lưu (làng Kon Klor II, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) là một trong số những nghệ nhân hiếm hoi tại tỉnh Kon Tum có khả năng hát, kể sử thi hay và đặc sắc. Cùng nhau trăn trở trên con đường sưu tầm và bảo tồn văn hóa truyền thống, cả 2 nghệ nhân A Jar và A Lưu đã phối hợp sưu tầm, phát hành nhiều tác phẩm sử thi Ba Na độc đáo.
Đến Plei Đôn vào một chiều cuối tuần đẹp trời, tại nhà riêng của nghệ nhân A Jar, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông cùng nghệ nhân A Lưu về chủ đề văn hóa dân gian. Qua cuộc gặp gỡ ấy, tôi thêm yêu những giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có sử thi của người Ba Na.
Vừa nhâm nhi tách trà nóng, nghệ nhân A Jar vừa lật từng trang của cuốn sử thi Giông Pơm Po (dịch là Giông đội lốt xấu xí) để đọc. “Giông đội lốt xấu xí” là một trong số nhiều tác phẩm trong bộ sử thi liên hoàn của người Ba Na, với nhân vật anh hùng toàn thiện toàn mỹ Đăm Giông. “Với sử thi của người Ba Na, nổi tiếng nhất là 2 anh hùng Đăm Giông và Đăm Giớ, luôn xuất hiện trong mỗi câu chuyện với một nghịch cảnh, thử thách phải vượt qua, từ đó đem đến cuộc sống tốt hơn, ấm no hơn cho dân làng và cộng đồng” - nghệ nhân A Jar chia sẻ.
Được dịp trò chuyện và tâm sự cùng người bạn già A Jar, nghệ nhân A Lưu nhớ lại ngày xưa, cách đây gần 30 năm, khi mà những câu chuyện kể sử thi của ông chưa được nhiều người biết đến.
|
Già A Lưu kể, đối với ông, sử thi như đã ăn sâu vào tâm hồn, máu thịt từ nhỏ. Hồi ấy, những người trong làng thường tập trung tại nhà rông nghe ông kể sử thi thâu đêm suốt sáng. Dần theo năm tháng, già vẫn duy trì việc kể sử thi mỗi đêm, chỉ có điều những người đến nghe dần ít đi.
Đêm đêm, bên bếp lửa hồng, già A Lưu vẫn đau đáu với niềm đam mê sử thi, với kho truyện đồ sộ hơn cả trăm câu truyện mà ông đang lưu giữ sẽ bị mai một. Đến một ngày, một cán bộ văn hóa thông tin của thành phố tìm gặp già A Lưu và bảo rằng từ nay sẽ có người giúp ông phiên dịch và lưu giữ những câu truyện mà ông đang nắm giữ, đó là nghệ nhân A Jar. Già A Lưu nghe vậy, mừng không gì diễn tả nổi.
Đầu năm 1998, việc thu băng câu chuyện đầu tiên của nghệ nhân A Lưu cũng hoàn tất. Câu chuyện mang tên “Mồ côi từ nhỏ” kể về 2 nhân vật anh hùng Đăm Giông và Đăm Giớ lúc còn nhỏ, phải chiến đấu với nhiều thử thách để tìm đường về nhà. Những cuốn băng cát-xét thu chuyện kể sử thi của già A Lưu được cán bộ văn hóa mang đến tận tay cho nghệ nhân A Jar phiên dịch. Lúc ấy hai nghệ nhân chỉ biết đến nhau qua cầu nối là cán bộ văn hóa.
Đến năm 2001, khi dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” được Viện Khoa học Xã hội Việt Nam triển khai thực hiện, mời A Jar và A Lưu cùng tham gia, cả hai mới có cơ hội gặp gỡ nhau thường xuyên để làm việc và trở thành những người bạn thân thiết từ đó. Năm 2007, khi dự án kết thúc, trong tổng số 30 tác phẩm sử thi mà nghệ nhân A Jar đã dịch, có tới 15 tác phẩm của nghệ nhân A Lưu, nhiều tác phẩm đã đạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan toàn quốc.
Nghệ nhân A Jar chia sẻ: “Từng tiếp xúc và làm việc với rất nhiều nghệ nhân hát kể sử thi, nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với những câu chuyện của già A Lưu. Những câu truyện của nghệ nhân A Lưu đảm bảo dung lượng và cốt truyện của một tác phẩm sử thi chuẩn mực, với nội dung hay và đặc sắc. Già A Lưu còn có một chất giọng trời phú cho việc hát kể sử thi nữa”.
Đến nay, tuy đã gần bước sang tuổi 80, mắt đã mờ, chân cũng đã chậm, nhưng già A Jar và A Lưu vẫn luôn đam mê, trăn trở với những câu truyện sử thi mà già A Lưu vẫn còn nắm giữ và chưa được khai thác hết. Mỗi lần nói về niềm đam mê ấy, ánh mắt của cả già A Jar và A Lưu trở nên sáng hơn. “Đam mê của già A Lưu cũng là đam mê của tôi, chúng tôi sẽ mãi cháy hết mình với đam mê ấy đến hơi thở cuối cùng” - nghệ nhân A Jar chia sẻ.
Rời Plei Đôn khi chiều về, những vần điệu sử thi qua giọng kể và phiên dịch lại của cả 2 nghệ nhân như thêm ngấm làm tôi say mê. Hi vọng rằng nghệ nhân A Jar và A Lưu vẫn luôn giữ được sức khỏe, nhiệt huyết và đam mê để cùng “song hành” cho ra đời những tác phẩm sử thi hay, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Tây Nguyên.
HOÀNG THANH