Gương sáng A Mập
Không chỉ được người dân, chính quyền xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) biết đến là một thầy giáo, người cha mẫu mực, ông A Mập (62 tuổi) còn là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình ở địa phương.
Người thầy đáng quý
Cách đây không lâu, gia đình ông A Mập (thôn Kạch Nhỏ, xã Đăk Sao) vinh dự được Hội Khuyến học tỉnh lựa chọn là Gia đình học tập tiêu biểu. Ông Mập cho biết: “Gia đình tôi có 7 người con. Cả 7 con đều được học tập đến nơi đến chốn. Hiện tại, 6 đứa đã ra trường và làm việc tại các cơ quan nhà nước, đứa út đang học đại học năm cuối và dự định sau khi ra trường về quê làm việc”.
Kính nể, tôi lân la hỏi chuyện về cách giáo dục con cái, ông Mập bày tỏ: “Có gì đâu, muốn con cái nghe lời thì trước tiên bản thân mình phải gương mẫu. Mình muốn con làm gì thì trước tiên mình phải làm trước, phải đi đầu, các con sẽ nghe theo”.
Ông Mập kể, năm 1980 ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm, bắt đầu với sự nghiệp “trồng người” và lập gia đình. Gần 37 năm gắn bó với nghề giáo, ông không chỉ dạy dỗ bao thế hệ học sinh trưởng thành, mà còn nuôi nấng những đứa con nên người.
Là giáo viên cấp một, ông A Mập nhận thấy, những kiến thức mình truyền đạt cho các con có giới hạn nhất định. Vì thế, ông khuyên nhủ các con nêu cao tinh thần tự học.
Ông Mập kể tiếp, ngoài việc động viên các con học hành, ông còn rèn cho các con ý thức phụ giúp gia đình. Vào ngày nghỉ, sau khi khuyên các con hoàn thành bài tập vào buổi tối, ông phân công công việc nương rẫy cụ thể cho mỗi người con. Nhờ vậy, con ông ai cũng giỏi việc rẫy.
|
Khi các con lớn lên, bước vào đại học, ông bắt đầu nới lỏng sự quản lý và đòi hỏi con tự nghiêm khắc với bản thân. Ông luôn tôn trọng những ý kiến và lựa chọn của các con cho tương lai. “Tương lai là của chúng nó, phải để chúng nó lựa chọn. Mình chỉ định hướng cho các con những hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình và sự phát triển về ngành nghề mà các con lựa chọn theo tình hình thực tế” – ông Mập trải lòng.
Chính cách giáo dục con hợp lý cùng sự quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu của người cha mà đến nay các con ông đã trở thành những công dân thành đạt; sống có trách nhiệm với xã hội.
Điển hình phát triển kinh tế
Gia đình ông Mập không chỉ nổi tiếng về hiếu học mà còn đi đầu trong phát triển kinh tế. Dẫn tôi “mục sở thị” vườn nhà, ông Mập đon đả cười: Tuổi mình lớn rồi, không đến trường dạy nữa thì mình làm nông; vừa giúp nâng cao sức khỏe vừa tăng thu nhập kinh tế cho gia đình.
Ông Mập kể, trước đây dù bận rộn với công việc trên trường, ông cũng không quên nhiệm vụ làm rẫy. Vào những ngày nghỉ, ông tranh thủ cùng gia đình khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác.
Lúc bấy giờ, gia đình ông chủ yếu trồng mì. Những rẫy mì xanh rì phủ kín khắp sườn đồi, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Chính điều này làm ông nhiều đêm trăn trở. Nhận thấy khí hậu và đất đai ở đây phù hợp với cây cà phê, ông bàn bạc với vợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Để có tiền, năm 1996 ông đổi bộ cồng chiêng và 10 chiếc ghè của ông bà để lại cộng với số tiền gia đình tích lũy trước đó trồng 4ha cà phê catimo. Tuy nhiên, sau 3 năm tôi nhận thấy cà phê catimo hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển dần sang trồng cà phê vối.
“Nhờ tìm hiểu kĩ thuật và kinh nghiệm trồng, vườn cà phê vối cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Mùa thu hoạch, thương lái vào tận nơi thu mua cà phê, bà con trong làng ai cũng trầm trồ khen ngợi và bắt đầu chuyển sang trồng cà phê. Đến năm 2015, vườn cây già cỗi, tôi chặt bỏ, trồng lại 2ha cà phê và 2ha bời lời. Đến nay, trừ mọi chi phí, vườn cà phê cho lãi ròng hơn 100 triệu/năm. Theo giá thị trường hiện tại, vườn bời lời cuối năm dự kiến bán hơn 300 triệu” – ông Mập phấn khởi cho biết.
Ông Mập kể tiếp, có năm thu cà phê xong, ông dùng hết số tiền lãi mua 2 con trâu, 4 bò cái và 1 con đực giống. Năm tháng cứ thế qua đi, trâu, bò sinh sản ngày một nhiều. Chẳng mấy chốc, ông trở thành người có trang trại trồng trọt và chăn nuôi lớn ở Đăk Sao.
“Tôi không thể nào nhớ chính xác số lượng trâu bò nhà tôi ngày đó, vì quá nhiều, phải thuê người trông coi. Bây giờ già rồi, phần chia cho con, phần bán bớt; còn để lại 6 con bò cái, 3 con bò đực. Trung bình tiền bán bò mỗi năm gia đình thu hơn 50 triệu” – ông Mập thổ lộ.
Được ông mời ở lại dùng cơm cùng gia đình, thưởng thức những hạt cơm nóng hổi cộng thêm vị ngọt ngọt, dẻo dẻo khiến tôi tò mò về giống lúa. Ông Mập cởi mở: “Cơm đây là giống lúa mới, được gia đình trồng trên 3,5 sào ruộng nhà. Lúa gia đình làm ra ăn không hết, bán lại cho bà con làm giống. Giống lúa này đạt năng suất lắm, cơm lại ngon, ai ăn cũng mê”.
Chủ tịch UBND xã Đăk Sao - A Hòa cho biết: Gia đình ông A Mập là gia đình văn hóa, gương mẫu trong xã. Không chỉ chịu khó, sản xuất giỏi, ông A Mập còn giúp đỡ nhiều hộ dân trong xã bằng việc bán bò giá rẻ hoặc cho mua nợ rồi cuối năm trả bằng nông sản. Nhờ vậy, đến nay, nhiều gia đình trong xã có gia súc để nuôi, đời sống kinh tế ngày càng đi lên. Ông A Mập chính là tấm gương sáng để bà con noi theo.
Văn Tùng