Đảng viên trẻ A Hủ làm kinh tế giỏi
Nhờ biết tính toán làm ăn, nên trong năm qua, đảng viên trẻ A Hủ đã lãi gần 200 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp và làm dịch vụ cày bừa, vận chuyển vật liệu xây dựng cho bà con trong xã.
Mặc dù trời mưa, nhưng anh A Hủ (33 tuổi, dân tộc Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm) trú tại thôn Măng Cành (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) vẫn hăng hái dẫn chúng tôi đi thăm vườn đương quy của gia đình.
Nhìn vườn cây đương quy xanh tốt, anh A Hủ cho biết khí hậu ở đây rất phù hợp với loại cây dược liệu này, nên vụ vừa rồi, anh trồng 1 sào mà thu được 6 triệu đồng. So với trồng các loại cây nông nghiệp khác thì nó cho thu nhập cao hơn nhiều; các khâu chăm sóc, thu hoạch cũng đỡ vất vả. Vì thế, trong năm tới, anh sẽ chuyển đổi khoảng 5 sào đất trồng mì sang trồng đương quy.
Sau khi thăm vườn đương quy trở về, chỉ cho tôi thấy chiếc máy cày mua cách đây gần 1 năm, anh A Hủ cho biết, năm 2002, UBND huyện Kon Plông cử anh đi học nghề cơ điện nông thôn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2005 ra trường, do gia đình khó khăn, và lại việc làm ở xa, nên anh ở nhà lao động phụ giúp gia đình và lấy vợ.
Chăm chỉ làm ăn với nghề nông, anh A Hủ còn vận dụng những kiến thức học được từ nghề cơ điện nông thôn để sửa chữa điện sinh hoạt và các loại máy cày tay cho bà con trong xã, nên thu nhập cũng khá hơn. Nhờ đó, chỉ sau 3 năm, gia đình anh đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
Những cố gắng của anh đã được Chi bộ, Chi đoàn thôn nhìn nhận, nên đến năm 2009, anh vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 2010, anh được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã.
Trong thời gian làm cán bộ Đoàn, anh thường xuyên gần gũi, động viên đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó đặc biệt là chủ trương phát triển kinh tế gia đình để cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
|
Gương mẫu đi đầu, ngoài mấy sào đất để trồng lúa, trồng mì cha mẹ cho, bằng vốn kiến thức của mình có được, cộng với tinh thần của phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, anh đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mở rộng diện tích canh tác và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đến năm 2018, sau khi thôi chức Phó Bí thư Đoàn xã, anh lại được bầu giữ chức bí thư chi bộ thôn, sau đó được tín nhiệm bầu kiêm chức thôn trưởng.
Hiện nay, gia đình anh đã có 3ha đất, trong đó, anh trồng 2ha mì (cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm); 6 sào ruộng lúa 1 vụ (thu nhập 10 triệu đồng), 1 sào đương quy (cho thu nhập 6 triệu đồng/năm). Anh còn nuôi gia súc (6 con trâu, 5 con dê), gia cầm, vừa để bán vừa để cải thiện cuộc sống gia đình.
Nhận thấy nhu cầu thuê máy cày để làm đất, vận chuyển nông sản, vật liệu xây dựng của người dân trong xã khá lớn nên anh mạnh dạn đầu tư 180 triệu đồng mua 1 máy cày có gắn rơ-mooc để phục vụ bà con, đem lại thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng. Từ nhiều nguồn thu, theo nhẩm tính của A Hủ, trong năm qua, gia đình anh lãi gần 200 triệu đồng.
Nhờ có tích lũy, nên cuối năm qua, anh đã làm ngôi nhà sàn bằng gỗ, mái lợp tôn khang trang, trị giá trên 200 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi, A Hủ cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc trồng thêm 5 sào đương quy, anh sẽ phát triển đàn trâu lên khoảng 10 con.
Ông A Lý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Măng Cành cho biết: A Hủ là một trong những nông dân biết vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng. Từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo, đến nay, gia đình anh có của ăn của để, nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ các vật dụng sinh hoạt. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần trách nhiệm của một bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, A Hủ luôn vận động bà con tích cực tăng gia sản xuất để xóa nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
Trần Văn Phúc