Cô bé xương thủy tinh tiếp bước ước mơ tranh gạo
Với quyết tâm vượt lên số phận, cô bé xương thuỷ tinh Võ Thị Thanh Thảo không những kiên trì theo đuổi niềm đam mê của bản thân, mà còn giúp nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đến với nghệ thuật “đưa gạo vào tranh”.
Năm 2013, khi vừa Tốt nghiệp cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Đặng Thị Thúy Kiều ở thôn 1, xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) đã gây bất ngờ cho nhiều người về những sản phẩm tranh gạo khá độc đáo. Ba năm trôi qua, cô họa sĩ tranh gạo ngày nào đã phải bươn chải rất nhiều để theo đuổi niềm đam mê, đồng thời giúp cho hàng chục em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật học nghề kiếm sống. Trong số học trò của Kiều phải kể đến nghị lực của cô bé mắc bệnh xương thủy tinh Võ Thị Thanh Thảo.
Nghị lực vươn lên
7h30 sáng, trên chiếc xe đạp điện đã được bố cắt bớt chiều cao ở phần yên xe cho phù hợp với dáng người thấp bé của mình, Võ Thị Thanh Thảo (sinh năm 1993) từ thôn 5, phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) đến phòng tranh “Làng Hồ” ở đường Bắc Kạn (thành phố Kon Tum) được chị Kiều giao quản lý, hướng dẫn cho các học viên mới vào nghề.
|
Võ Thị Thanh Thảo sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn khi 4 mẹ con đều mắc chứng bệnh xương thủy tinh; trong đó Thảo là chị cả của 2 đứa em. Cuộc sống gia đình Thảo dựa vào sự lao động cật lực, vất vả của người bố với nghề làm thuê.
Kiều nhớ lại, dù ngày mới khởi đầu rất khó khăn nhưng khi chứng kiến hoàn cảnh gia đình và những mặc cảm của cô bé khuyết tật đã không thể cầm lòng nên đã đến tận nhà để động viên gia đình cho Thảo lên ở cùng mình mong giúp cho em có được cái nghề.
Một phần vì thấy công việc vừa sức, một phần vì nhận thấy tình thương của chị Kiều đối xử với mình như chị em ruột nên Thảo đã xin ở hẳn lại phòng tranh để học việc.
Thảo nói trong niềm vui: Trong suốt 2 năm qua, chị Kiều đã nuôi em ăn học, không phải tốn phí đồng nào. Ngay cả chiếc xe đạp điện trị giá 12 triệu đồng cũng của chị Kiều bán tranh và vận động thêm một số cá nhân hảo tâm giúp đỡ, để em có phương tiện đi lại dễ dàng.
Nhìn những bức tranh gạo treo trong phòng tranh toát lên nét hồn nhiên, ngây thơ của cô bé khuyết tật mới thấy được tài năng và tâm huyết theo nghề của em.
Thảo chia sẻ: Thoạt đầu, làm tranh gạo cũng rất khó, khó nhất là việc phối màu cho bức tranh; rồi phải tỉ mỉ đứng rang gạo hàng giờ đồng hồ bên bếp lửa để tạo màu cho hạt gạo (tùy màu sắc mà thời gian rang hạt gạo khác nhau)… Nhưng với quyết tâm vượt lên số phận, em đã nỗ lực hết sức mình.
|
Có lẽ cũng vì có năng khiếu nên chỉ 2 năm theo học nghề, Thảo đã có thể tự sáng tác nhiều loại tranh khác nhau như tranh chân dung, phong cảnh (tự vẽ tranh) và đi những đường gạo lên tranh khá sắc sảo, tinh tế.
Làm ở phòng tranh gạo, Thảo được trả tiền lương theo sản phẩm từ 2-3 triệu đồng/tháng. Số tiền kiếm được, em phụ giúp bố lo thuốc thang cho mẹ và 2 đứa em cũng bị xương thủy tinh.
Chị Kiều cho biết: Không còn mơ hồ, chán nản về tương lai, về cuộc sống của mình như trước đây, từ ngày vào học nghề tranh gạo, Thảo ý thức về nghề nghiệp rất cao, xác định rõ mục tiêu phấn đấu. Bản thân em không bao giờ muốn để người khác suy nghĩ mình là một người yếu thế trong xã hội, sống dựa dẫm vào người khác nên luôn nỗ lực hết sức mình.
Chị Kiều đã giao cho Thảo trực tiếp quản lý phòng tranh Làng Hồ. “Đây cũng là cách để giúp em rèn luyện thêm kỹ năng phần mềm để tự tin hơn vào cuộc sống” – Kiều chia sẻ.
Cô giáo của 5 học trò
Cùng với việc quản lý phòng tranh, Thảo còn thay Kiều giúp đỡ cho 5 em hoàn cảnh khó khăn tại các làng đồng bào DTTS theo học nghề.
Năm 2015, được một người quen giới thiệu, Y Chang (sinh năm 1998) ở làng Kon Hra Chót, phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) tìm đến phòng tranh Làng Hồ để xin học nghề.
Với sự hướng dẫn tận tình của Thảo, em Y Chang bị mê hoặc bởi nghệ thuật “đưa gạo vào tranh”. Chưa đầy 1 năm, em đã tự tay sáng tạo được hơn 20 bức tranh gạo với đủ kích cỡ.
Y Chang chia sẻ: Do sức khỏe yếu lại là con nhà nghèo nên học xong lớp 11 em đã phải nghỉ học. Chưa biết chọn nghề gì để học thì em được một người quen giới thiệu nghề tranh gạo. Nghe đến ý tưởng “đưa gạo vào tranh” thấy lạ lạ nhưng rồi một lần tìm đến phòng tranh Làng Hồ, em đã yêu thích không gian làm việc và tính cách của những con người nơi đây đối xử với nhau như chị em trong gia đình nên đã xin vào học.
“Vì học nghề miễn phí, lại được chị Thảo chỉ bảo tận tình nên em đã nhanh chóng tiến bộ. Gần đây, nhiều sản phẩm của em cũng được khách du lịch hỏi mua nên em cũng có thêm thu nhập để phụ giúp thêm cho gia đình trong lúc khó khăn” - Y Chang tâm sự.
Tháng 5/2016, Hơ Ky Khảo (sinh năm 1995) ở làng Plei Jơ Drộp, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum với chuyên ngành Tiếng Anh thương mại du lịch.
Qua facebook, Khảo biết đến phòng tranh Làng Hồ chuyên giúp đỡ, đào tạo nghề và tạo thu nhập cho những hoàn cảnh khó khăn nên đã xin vào để vừa học vừa làm mong có thể kiếm thêm thu nhập. Hơ Ky Khảo cho biết, ý chí và nghị lực của chị Thảo chính là điều em đã học được đầu tiên khi đến với phòng tranh gạo này.
Cùng với việc học nghề, tại đây, Hơ Ky Khảo còn được thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài đến mua tranh nên em cũng phát huy được vốn tiếng Anh đã học. Hy vọng lâu dài 2 ngành nghề học được sẽ hỗ trợ cho em rất nhiều trên bước đường lập thân lập nghiệp sau này của mình – Hơ Ky Khảo tâm sự.
Khác với cô bé rụt rè hay mặc cảm như trước, giờ đây, Thảo rất nhanh nhẹn trong giao tiếp, tự tin khi giới thiệu sản phẩm tranh gạo cho khách đến tham quan. Thảo đang cố gắng học hỏi thêm nhiều kiến thức về mỹ thuật, hội họa từ chị Kiều; chịu khó nghe, nhìn, quan sát để có thêm chất liệu từ cuộc sống, từ đó có thể sáng tác những tác phẩm tranh gạo mang phong cách riêng.
Tú Quyên