Bám trụ, vươn lên nơi vùng đất khó
Ngày mới vào mảnh đất Ia H’Drai lập nghiệp, vợ chồng anh cứ nghĩ chắc không thể trụ lại được vì khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn. Ấy vậy mà, bằng ý chí và quyết tâm chung tay xây dựng vùng biên ngày một phát triển, họ đã bám trụ lại và vươn lên. Đến nay ngót nghét cũng đã gần 9 năm, hai vợ chồng đã có cơ ngơi khá vững vàng khiến nhiều người phải nể phục.
Cặp vợ chồng mà tôi đã gặp và rất đỗi khâm phục ở đây là anh Hà Văn Quý và chị Lò Thị Lý ở thôn 4, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai.
Anh Quý và chị Lý đều là người dân tộc Thái, quê gốc ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Vì ở quê đất chật, người đông nên năm 2010, hai vợ chồng anh chị mới quyết định theo người bà con vào mảnh đất Ia H’Drai làm công nhân cho Công ty Cao su Sa Thầy.
Anh Quý nhớ lại, ngày mới vào mảnh đất vùng biên này lập nghiệp, cuộc sống vô cùng khó khăn. Phần vì anh chị chưa quen với khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, phần thì đường sá đi lại ngày ấy nơi đây cách trở.
“Thú thật, thời gian đầu, vợ chồng tôi cũng hơi nản chí. Nhưng nhờ được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời của Công ty Cao su Sa Thầy bằng những việc làm cụ thể như cho mượn đất, hỗ trợ tiền dựng nhà tạm để ở; chăm lo các chế độ chính sách cho người lao động như tiền lương, tiền thưởng vào dịp lễ, tết; thăm hỏi lúc ốm đau… nên hai vợ chồng cảm thấy vững tin hơn, cuối cùng đã quyết tâm bám trụ lại để xây dựng vùng biên ngày một phát triển” - anh Quý chia sẻ.
Từ khi quyết tâm bám trụ lại mảnh đất vùng biên, vợ chồng anh Quý luôn động viên nhau phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn thử thách để phát triển kinh tế gia đình. Biến suy nghĩ thành hành động, những năm đầu mới vào làm công nhân, vợ chồng anh Quý và chị Lý đã nhận khoán 11ha cao su của Công ty Cao su Sa Thầy để chăm sóc. Với đồng lương khi ấy chỉ từ 3-4 triệu đồng/người/tháng, vậy mà 3 năm sau đó, vợ chồng anh chị cũng đã tích góp đầu tư làm lại căn nhà xây rộng rãi, khang trang hơn. Về sau, khi cây cao su đã bước vào giai đoạn cho thu hoạch, vợ chồng anh chị chuyển sang nhận khoán 4ha cao su để khai thác. Mức lương của anh chị được Công ty tính theo sản phẩm. Theo đó, trung bình mỗi tháng vợ chồng anh Quý-chị Lý được trả lương cao hơn, từ 6-7 triệu đồng/người.
Tuy nguồn thu nhập từ lương cũng đảm bảo cho cuộc sống của gia đình anh Quý-chị Lý với 4 nhân khẩu nhưng để có tiền chăm lo cho con cái học hành sau này và nâng cao chất lượng cuộc sống, cách đây mấy năm, vợ chồng anh Quý - chị Lý còn chủ động xin công ty cho tận dụng diện tích đất bờ lô hợp thủy để trồng các loại cây trồng khác giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Đưa chúng tôi đi tham quan vườn tiêu của gia đình đã đến kỳ thu hoạch nằm sát vườn cao su ở gần nhà, chị Lò Thị Lý “khoe”: Cách đây 3 năm, vợ chồng tôi có xin công ty cho tận dụng đất khu vực bờ lô hợp thủy quanh vườn cao su để trồng 80 trụ tiêu. Cây trồng phát triển khá tốt. Năm vừa rồi vườn tiêu đã cho thu trái bói. Dự tính năm nay, vườn cây sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
|
Anh Quý phấn khởi cho biết thêm: Cùng với cây tiêu, vợ chồng tôi còn tận dụng diện tích đất bờ lô hợp thủy trồng được 1ha điều, 1ha mì, 30 gốc chuối, mỗi năm thu được vài chục triệu đồng. Mới đây còn đào được 2 ao cá với diện tích 600m2 mặt nước để cải thiện đời sống hàng ngày. Cùng với trồng trọt, năm 2015, hai vợ chồng còn mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 2 con bò giống sinh sản về nuôi. Nhờ có kỹ thuật chăn nuôi tốt nên đã phát triển đàn bò lên 6 con. Mới đây, gia đình quyết định bán 3 con bò để đầu tư mua 1 lô đất ở khu vực trung tâm xã, dự tính sẽ xây dựng lại căn nhà ở cho khang trang hơn.
Cái nắng nóng gay gắt nơi mảnh đất vùng biên có thể làm cho nước da của người phụ nữ Thái vốn dĩ trắng nõn nà bây giờ có phần đen nám nhưng vẫn giữ được nụ cười thật tươi trên gương mặt hồn hậu của chị Lý. Đứng bên vườn cây trải dài một màu xanh thẳm, vừa phe phẩy chiếc nón lá trên tay, chị Lý vừa tiếp tục chia sẻ câu chuyện vợ chồng chị quyết tâm bám trụ trên vùng đất khó: Ở quê, đất chật người đông lắm. Vào đây sinh sống, thấy đất đai rộng rãi, vợ chồng cứ cố gắng làm lụng, tận dụng hết từng mét đất bờ lô hợp thủy (trong khuôn khổ cho phép) để trồng trọt, chăn nuôi. Không đủ đất đai để trồng trọt riêng lẻ từng loại cây trồng, vợ chồng mình chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn những loại cây trồng nào phù hợp với chất đất, với khí hậu vùng để trồng xen canh.
Nhờ có điều kiện kinh tế khấm khá nên từ ngày vào Ia H’Drai lập nghiệp đến nay cứ cách một năm cả gia đình anh Quý-chị Lý đều thu xếp đưa các con về thăm quê một lần. Trong gia đình, anh Quý và chị Lý cũng đã sắm sửa được phương tiện đi lại, nghe nhìn hiện đại để phục vụ tốt hơn nhu cầu cuộc sống. Anh Quý còn “bật mí” với chúng tôi rằng, dự trù kinh phí căn nhà mà anh chị sắp xây dựng cũng ở mức vài trăm triệu đồng.
Cũng từ chỗ năng nổ, chịu khó làm ăn, anh Hà Văn Quý đã được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, anh Quý luôn tích cực vận động, tuyên truyền bà con nhân dân trong thôn phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng vùng biên ngày một phát triển.
Thôn 4 hiện có 67 hộ (272 khẩu), trong đó 60% dân số là đồng bào Mường, Thái từ các tỉnh miền Bắc vào đây sinh cơ lập nghiệp (làm công nhân cho các công ty cao su đứng chân trên địa bàn). Đến nay, các hộ gia đình trên địa bàn ngoài nhận khoán diện tích cao su của các công ty cao su đứng chân trên địa bàn, còn được các công ty tạo điều kiện cho tận dụng đất bờ lô hợp thủy để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, cả thôn đã phát triển được 6ha diện tích ao hồ nuôi cá, 14ha điều, 2ha tiêu, 20ha chuối. Năm 2018, thôn có 8 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo của thôn xuống còn 42 hộ.
Anh Phạm Văn Khởi - Thôn phó thôn 4 cho biết, từ tấm gương của vợ chồng anh Hà Văn Quý và chị Lò Thị Lý mà hiện nay trong thôn có đến chục hộ gia đình cùng phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình khấm khá. Điều đặc biệt là ở thôn 4 tuy hiện nay vẫn còn nhiều hộ nghèo - lý do của cái nghèo là do bà con mới di cư từ miền Bắc vào đây sinh sống, nhà cửa chưa ổn định - nhưng ai nấy đều chí thú làm ăn; nhà nhà đều tận dụng diện tích đất bờ lô hợp thủy để trồng mì, trồng bắp, điều, tiêu… “Chắc chắn chừng vài ba năm nữa cuộc sống của bà con nơi đây sẽ có nhiều đổi thay khởi sắc hơn” - anh Khởi tin tưởng là vậy.
|
TÚ QUYÊN