Ánh sáng từ những giai điệu
Chiều muộn nhưng lớp dạy cồng chiêng của các nghệ nhân ở làng Khúc Na (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) vẫn đông vui, sôi nổi. Từng nhóm thiếu niên và trai trẻ chăm chú gõ nhịp chiêng theo sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
Tôi dừng lại ở một góc sàn ngay dưới chân cột nhà rông vững chãi. Ở đó, một người đàn ông râu tóc bạc trắng đang say sưa chỉ bảo cho ba cậu bé cỡ 15-16 tuổi.
Ông tầm thước, da sạm, chân đất. Đứng sát vào các cậu bé được hướng dẫn, một tay ông giữ mép chiếc chiêng nhỏ, một tay gõ gõ vào mặt chiêng. Mặt ông ngước lên, say sưa trong những tiếng “ti ta rì ta rì ta rì…” khe khẽ, như minh họa thêm nhịp chiêng cho bọn trẻ.
Tôi chăm chú nhìn ông. Hình như… Nhận ra sự ngỡ ngàng của tôi, anh Nguyễn Hữu Cầu - Cán bộ văn hóa xã Sa Bình cười bảo, già A Bin đấy. Khiếm thị bẩm sinh, nhưng kỳ tài lắm. Thầy chiêng, thầy đàn, thầy hát… Người giữ hồn làng Khúc Na, chẳng sai.
|
Tôi lặng người đứng ngắm già A Bin. Đi nhiều, được tiếp xúc với không ít nghệ nhân cao tuổi người dân tộc thiểu số, nhưng chưa hình ảnh nào tôi thấy đẹp và xúc động đến thế. Chuyện về “Ông Mù”- như biệt danh bà con làng Khúc Na vẫn gọi ông một cách đầy trìu mến - càng để lại ấn tượng sâu đậm, đáng trân trọng và nể phục.
Sinh ra trong một làng nhỏ ở vùng núi Mô Rai, vừa lọt lòng ông đã chẳng may không thấy ánh mặt trời. Cuộc sống của ông A Bin là những tháng ngày chìm trong bóng tối.
Được cha mẹ, anh chị em thương yêu, chia sẻ, nhưng A Bin không ỷ lại. Không chỉ tự làm mọi việc liên quan đến sinh hoạt của bản thân, A Bin còn nấu cơm, nấu nước, giặt giũ và đảm nhận một số công việc đỡ đần mọi người trong gia đình.
Như có một phép màu huyền diệu, tuy không nhìn thấy, nhưng A Bin có đôi tai thính nhạy, con tim xúc cảm và đặc biệt là khả năng thẩm âm rất đặc biệt.
Già làng A Chiêu kể lại, ngày trước, chỉ nghe qua một điệu nhạc, khúc hát là A Bin “nhập tâm” ngay. Để ý nghe thêm vài lần rồi tự mày mò, là A Bin đã có thể tự làm lại không sai một nốt.
Chính nhờ khả năng thiên bẩm và một tâm hồn nghệ sĩ, nên dù không được chỉ dạy đến nơi đến chốn, ngay từ thuở thiếu thời, A Bin đã thuần thục đánh cồng chiêng, đàn và hát dân ca.
Theo thời gian, ông thuộc hầu hết các bài chiêng, bài dân ca, điệu đàn Ting ning truyền thống của người Hà Lăng, và truyền dạy cho nhiều thế hệ con em đồng bào địa phương.
Anh A Chir - Bí thư chi đoàn làng Khúc Na, xã Sa Bình, học trò của già A Bin chia sẻ: Không nhìn thấy gì, nhưng cách ông dạy chiêng cho mọi người thật đặc biệt. Vừa nói, ông vừa dùng tay lần từng chút trên chiếc chiêng để chỉ dạy cho người học nắm bắt được kỹ thuật cơ bản. Với đôi tai thính nhạy, chỉ cần nghe qua, ông biết ngay người học chiêng sai ở tư thế cầm chiêng, cầm dùi như thế nào, hay là chệch nốt nhạc ra sao, để kịp thời chỉnh sửa cho chuẩn.
Chiêng của người Hà Lăng đủ bộ gồm 8 chiếc nhỏ và 3 chiếc lớn. Ngày trước, nghe nhiều, rồi mày mò trên từng chiếc chiêng một, dần dà, A Bin không chỉ nắm bắt từng thang âm, đặc thù của từng chiếc chiêng và sử dụng được mỗi chiếc riêng rẽ, mà còn kết hợp được giai điệu của cả giàn chiêng thành những âm thanh kỳ diệu.
Không chỉ giỏi đánh chiêng, già A Bin còn có giọng hát rất hay và vô cùng quyến rũ. Đặc biệt hơn, chỉ bằng cảm quan tinh nhạy và sự khéo léo của đôi tay, già A Bin đã chế tác được chiếc đàn Ting ning truyền thống.
Hộp đàn Ting ning làm bằng chiếc bầu khô loại lớn. Thân đàn là ống nứa dài chừng 80cm được đục lỗ và gắn lên đó 13 đoạn gỗ nhỏ làm cần đàn, tương ứng với 13 sợi dây đàn mắc vào.
Dây đàn đơn giản chỉ tận dụng loại dây điện cũ sợi nhỏ, nhưng để kết nối lại và có thể “lên dây” để tạo ra những nốt nhạc hoàn chỉnh là cả một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế.
Người sáng mắt còn chật vật, phải thử đi thử lại, chỉnh sửa nhiều lần mới đạt độ chuẩn, vậy mà, già A Bin chẳng những chế tác thành công đàn Ting ning bằng vỏ quả bầu, còn “độ chế” cây đàn truyền thống từ vỏ chiếc hộp thiếc đựng sơn, khiến mọi người vô cùng thán phục.
Làm chủ vốn quý văn hóa truyền thống đáng tự hào, già A Bin không chỉ là người nghệ sĩ biểu diễn hay nhất những điệu cồng chiêng, khúc nhạc Ting ning, những khúc dân ca ở làng Khúc Na và là bậc thầy truyền dạy nét đẹp văn hóa dân tộc cho các thế hệ người Hà Lăng trong cộng đồng, mà còn khẳng định vai trò là người “Nhạc trưởng”, dẫn dắt tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, nhất là các lễ hội truyền thống tại làng; tham gia liên hoan, hội diễn, hội thi… do xã Sa Bình và huyện Sa Thầy tổ chức.
Vào tuổi 63, già A Bin hiện sống với gia đình người em trai ở làng. Không may mắn có hạnh phúc riêng, nên niềm vui của người nghệ sĩ chân đất chính là sự sẻ chia cùng anh em con cháu ruột thịt và bà con láng giềng. Không cần người dẫn đường, thường ngày, già vẫn đến các gia đình trong làng để thăm chơi, trò chuyện. Ở đấy, thỉnh thoảng, mọi người vẫn được nghe giọng hát, tiếng đàn của già, hay được già chia sẻ, trao đổi về cồng chiêng, dân ca.
Chia tay bà con Khúc Na khi những ngôi nhà nhỏ yên bình bên nhà rông đã lên đèn. Ấm áp cái nắm tay thật chặt của già A Bin, lòng còn rưng rưng về hình ảnh ông ngồi đó, giữa những người bà con thân thương, say sưa đàn hát tặng chúng tôi trước lúc chia tay một bài ca ngọt ngào. Thầm hẹn với ông một ngày trở lại, để cùng vui với ông và dân làng trong những giai điệu đẹp và tình cảm đơn sơ, mặn nồng với văn hóa dân tộc. Khiếm khuyết hình hài, song phải chăng, trong suốt cuộc đời dung dị, chính những giai điệu mộc mạc mà diệu kỳ ấy đã đem đến cho người nghệ nhân chân đất nguồn ánh sáng trong trẻo đầy tin yêu.
Thanh Như