Tu Mơ Rông: Phát triển sản phẩm từ thế mạnh địa phương
Tận dụng thế mạnh của địa phương về dược liệu, những năm qua, các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã chú trọng sản xuất, chế biến ra các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Và điều đáng mừng là các sản phẩm được sản xuất từng bước chiếm được lòng tin của khách hàng.
Tu Mơ Rông là địa phương có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý, trong đó, có một số dược liệu mang tính đặc hữu vùng có khả năng phát triển và mang lại lợi ích kinh tế cho người dân như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra... Đây chính là thế mạnh to lớn để Tu Mơ Rông đẩy mạnh sản xuất ra các sản phẩm mang đặc trưng riêng.
Chính vì vậy, từ khi triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Tu Mơ Rông luôn chú trọng và khuyến khích các cá thể, đơn vị, doanh nghiệp tham gia tận dụng lợi thế, thế mạnh của địa phương phát triển thành các sản phẩm đặc trưng để góp phần thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, giúp gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, đồng thời, từ đó nhằm tận dụng hiệu quả quỹ đất và góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
|
Để phát huy được thế mạnh, xây dựng các sản phẩm OCOP từ các sản phẩm đặc trưng của địa phương, huyện Tu Mơ Rông cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân tập trung phát triển vào những loại dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử, sâm đương quy. Cùng với đó, chỉ đạo các xã lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, là thế mạnh của địa phương tổ chức liên doanh, liên kết cho ra những sản phẩm đặc hữu riêng...
Theo ông Dương Thái Khoa- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, chỉ riêng năm 2024, đơn vị đã tiếp nhận 17 sản phẩm của 3 chủ thể sản xuất, trong đó, có 8 sản phẩm thuộc ngành sản phẩm đồ uống; 6 sản phẩm thuộc ngành sản phẩm thực phẩm và 3 sản phẩm thuộc ngành sản phẩm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Qua đánh giá, có 9 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 3 sản phẩm tiềm năng 4 sao.
Như vậy, đến nay, huyện Tu Mơ Rông có 30 sản phẩm OCOP đang còn thời hạn công nhận, trong đó, có 23 sản phẩm 3 sao và 7 sản phẩm 4 sao. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm này đều được lấy nguồn nguyên liệu trong huyện Tu Mơ Rông.
HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (ở xã Đăk Rơ Ông) là một trong những đơn vị có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất trên địa bàn huyện. Các sản phẩm của HTX đều được lấy nguyên liệu ở mảnh đất Tu Mơ Rông.
Chị Cù Thị Hồng Nhung- Quản lý HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành cho biết: Qua nhiều năm sống ở mảnh đất Tu Mơ Rông, tôi nhận thấy ở đây có tiềm năng lớn về dược liệu nên tôi và thành viên hợp tác xã đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng nhà máy chế biến sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Qua đó, tôi mong muốn giúp người dân ổn định đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu ở địa phương. Đặc biệt, chúng tôi tập trung chế biến sâu, làm ra các sản phẩm mang đặc trưng riêng góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm của địa phương mình.
Theo chị Nhung, sau thời gian tích cực nghiên cứu, chế biến và sản xuất ra sản phẩm đảm bảo cả về chất lượng và mẫu mã, năm 2020, sản phẩm đầu tay “Trà nấm Hồng chi” được HTX tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm này đã đạt 3 sao.
|
Từ sản phẩm đầu tiên, Hợp tác xã Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành tiếp tục có 4 sản phẩm là trà khổ qua, mứt sâm dây Ngọc Linh, rượu nho rừng và rượu sơn tra tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Đến nay, Hợp tác xã Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành đã có 9 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 4 sao và là một trong những chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao nhất trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Điều đặc biệt, những sản phẩm đều mang đặc trưng của địa phương, góp phần đưa sản phẩm của địa phương vươn xa.
Bà Mai Thị Luận- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông cho biết: Việc HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành tích cực đầu tư chế biến sâu ra các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị của dược liệu mà còn giúp thương hiệu sản phẩm của xã được nhiều người biết đến. Với sự đồng hành của hợp tác xã, các sản phẩm của địa phương sẽ vươn xa ra các tỉnh thành trong cả nước, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả từ những sản vật của địa phương.
Tương tự, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum (đóng chân trên địa bàn xã Ngọc Lây) cũng chú trọng đầu tư máy móc, chế biến các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Duyên- Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông-Kon Tum, đến nay, đơn vị đã tham gia và có 9 sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao. Tất cả các sản phẩm đều được công ty sử dụng nguyên liệu ngay trên mảnh đất Ngọc Lây.
Việc các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã tận dụng thế mạnh về dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, ngũ vị tử, sơn tra để sản xuất ra các sản phẩm đặc trưng không chỉ đưa các sản phẩm vươn xa, mà còn tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển nhanh, bền vững.
Phúc Nguyên