Thị trường hàng hóa ổn định trở lại sau Tết
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhịp sống thường nhật trở lại. Hầu hết các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại với lượng hàng hóa khá dồi dào, giá cả tương đối ổn định.
Từ mùng 3 Tết, tại các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum, một số tiểu thương bắt đầu bày bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Mức giá bán nhiều mặt hàng tăng đáng kể so với ngày thường, nhất là các loại rau củ, thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, từ mùng 5 tháng Giêng trở lại đây, hầu hết các mặt hàng đã hạ giá và dần trở về mức giá tại thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum tại một số siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống, hàng hóa kinh doanh tương đối dồi dào, đa dạng về chủng loại. Vào dịp đầu năm mới, các mặt hàng tiêu thụ chủ yếu là rau xanh, thịt bò, hải sản.
Chị Nguyễn Thị Tâm (ở đường Huỳnh Đăng Thơ, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Sau các bữa ăn nhiều thịt trong mấy ngày Tết, ngày mùng 5, tôi đi chợ mua ít cá tươi, tôm, rau xanh, nấm về ăn để đổi khẩu vị. Nhìn chung, hàng hóa các tiểu thương bày bán đều tươi ngon, giá cả phù hợp, không có biến động lớn.
|
Theo đó, giá thịt heo dao động từ 110.000 - 140.000 đồng/kg, thịt bò có giá từ 250.000- 270.000đ/kg, cá trắm từ 90.000- 100.000 đồng/kg, cá diêu hồng 65.000- 70.000 đồng/kg, tôm từ 220.000- 330.000 đồng/kg, mực từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, thịt gà ta có giá khoảng 120.000- 140.000 đồng/kg, tùy loại…Các loại rau củ như bắp cải, su hào, đậu cô ve có giá dao động từ 20.000- 25.000 đồng/kg, khổ qua 30.000- 35.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, mặt hàng hoa tươi, trái cây cũng được mua nhiều để phục vụ nhu cầu cúng lễ của người dân trong dịp đầu năm mới. Thế nhưng, trái ngược với những ngày giáp Tết, giá các mặt hàng này giảm khá sâu, từ 30- 50%. Chẳng hạn như quýt đường hiện còn khoảng 35.000đồng/kg, xoài từ 25.000- 30.000 đồng/kg, ổi từ 20.000- 25.000 đồng/kg, bưởi da xanh khoảng 45.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy mặt hàng so với những ngày cận Tết.
Cùng với các chợ, từ mùng 4 Tết, các siêu thị cũng đã mở cửa hoạt động trở lại. Với việc chủ động dự trữ nguồn hàng bảo đảm cho thị trường sau Tết, hàng hóa được bày bán tại các siêu thị khá phong phú, nhất là thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây.Nhiều mặt hàng vẫn được bán với giá bình ổn hoặc giảm giá từ 10- 30% so với trước Tết. Thế nên, ngay trong những ngày mở cửa đầu năm mới Ất Tỵ, sức mua hàng hóa tại các siêu thị tương đối cao.
Chị Phạm Thị Nga (thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cho biết: Mấy năm nay, thực hiện phương châm ăn Tết tiết kiệm, trong Tết gia đình tôi chỉ mua sắm vừa phải, đến mùng 4 Tết đi mua rau củ, cá về ăn cho tươi ngon. Đầu năm mới, tôi thường đi siêu thị, vì tại đây hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả được niêm yết sẵn không lo bị mua đắt, không phải trả giá, nhiều mặt hàng có được giảm giá sâu, rất dễ lựa chọn.
|
Tương tự như các loại thực phẩm, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giá các loại dịch vụ như ăn sáng, cà phê cũng tăng nhẹ khoảng 10-15%. Theo lý giải của các chủ cơ sở thì việc tăng giá chủ yếu để bù vào giá của một số nguyên liệu đầu vào và trả lương cho nhân viên phục vụ tăng hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, từ mùng 6 Tết, đa số các cơ sở kinh doanh cũng đã quay lại mức giá bán như thường lệ.
Theo báo cáo nhanh của Sở Công thương, năm 2025, việc cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán trên toàn tỉnh cơ bản đảm bảo, giá cả thị trường tuy có tăng, nhưng cơ bản vẫn đảm bảo ổn định, lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân; không có tình trạng tiểu thương đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Để tiếp tục giữ ổn định thị trường, Sở Công thương cùng với các sở, ban, ngành và các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến cung- cầu, giá cả hàng hóa để điều tiết thị trường. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Việc giá cả các mặt hàng thiết yếu cung cấp cho nhu cầu đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh được giữ mức ổn định, hợp lý trong dịp trước, trong và sau Tết, cho thấy hiệu quả trong việc triển khai các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh của các ngành, đơn vị chức năng. Đồng thời, điều này cũng đem lại niềm vui cho người tiêu dùng, bởi thông thường sau Tết giá cả nhiều mặt hàng tăng cao và giữ mức giá này trong một thời gian dài.
Thiên Hương