Tập trung nguồn lực phát huy hiệu quả tín dụng chính sách
Thời gian qua, để các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn phát huy hiệu quả, tỉnh ta tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các thành viên của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) tỉnh. Qua đó, góp phần giải ngân kịp thời, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách của các đối tượng thụ hưởng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu với dư nợ chỉ 72,5 tỷ đồng, đến nay chi nhánh NHCSXH tỉnh đã cho vay 17 chương trình với tổng dư nợ 3.770 tỷ đồng với 68.700 hộ còn dư nợ; qua đó giúp gần 376.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 10,86% vào cuối năm 2022.
Để có được kết quả trên, tỉnh đã chú trọng kiện toàn, củng cố mô hình hoạt động của NHCSXH cấp tỉnh về bộ máy điều hành, tác nghiệp với phương thức quản lý vốn và cho vay đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế. Đến nay, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp trên địa bàn tỉnh có 227 thành viên, trong đó cấp tỉnh có 12 thành viên, cấp huyện có 215 thành viên (trong đó 102 thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã). Toàn tỉnh hiện có NHCSXH tỉnh và 9 NHCSXH cấp huyện với tổ chức bộ máy tác nghiệp và mạng lưới hoạt động rộng khắp với 102 điểm giao dịch xã và 1.674 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), đội ngũ cán bộ viên chức chuyên nghiệp 130 người.
|
Tỉnh cũng đã chỉ đạo NHCSXH tỉnh cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phối hợp triển khai hiệu quả trong triển khai các chính sách về tín dụng, bám sát Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh về nâng cao vai trò, nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị trong hoạt động tín dụng chính sách để làm “kim chỉ nam” trong hành động. Qua đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã có những chính sách phù hợp với từng vùng, miền, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Ông A Sỹ- Bí Thư Đảng ủy xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) cho biết: “Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy xã Măng Ri xác định triển khai thực hiện tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Đảng ủy xã tăng cường triển khai, phổ biến đến các chi bộ để tổ chức thực hiện; chỉ đạo các đoàn thể chính trị- xã hội vào cuộc tuyên truyền nhân dân mạnh dạn vay vốn để phát triển các mô hình trồng dược liệu như sâm Ngọc Linh. Đến nay, số hộ dân vay vốn trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã có trên 250 hộ với dư nợ trên 14 tỷ đồng, góp phần giữ gìn và phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã”.
|
Ông Bùi Thế Toàn- Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông, thành viên Ban đại diện HĐQTNHCSXH huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Với vai trò là thành viên Ban đại diện HĐQTNHCSXH huyện, tôi đã cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, mạng lưới hoạt động ủy thác trên địa bàn; tham dự đầy đủ các kỳ họp của Ban đại diện để nắm bắt các chỉ đạo cấp trên để tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả. Đến nay, xã có 100% hộ vay vốn thực hiện tốt các quy định, nghĩa vụ trong việc vay và trả lãi, không phát sinh nợ quá hạn; 100% hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 565 triệu đồng; đẩy mạnh việc huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã với số dư 112 triệu đồng”.
Bà Lê Thị Kim Trâm- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) cho biết: “Thời gian qua, Hội LHPN phường Quyết Thắng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và vai trò của tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác trong cho vay từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Hội tích cực tham mưu chính quyền địa phương trong triển khai các nhiệm vụ của công tác ủy thác cho vay; thành lập các ban quản lý Tổ TK&VV của Hội để quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép vào các phong trào của Hội như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Hội luôn là đơn vị được đánh giá cao trong thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho vay, duy trì tỷ lệ dư nợ cao, nợ xấu thấp (0,05%) và chất lượng dư nợ tốt trong nhiều năm liền”.
Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn đã phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách trong thực tế, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Hoàng Thanh