Tăng cường quản lý các dự án thủy điện, điện gió
Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực của những công trình thủy điện, điện gió mang lại góp phần bảo đảm an ninh năng lượng mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp ngân sách nhà nước khá lớn ở địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án thủy điện, điện gió, đơn vị chức năng cũng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để các dự án phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Tỉnh ta là địa bàn có nhiều tiềm năng thế mạnh về thủy điện, điện gió. Toàn tỉnh đã có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất lắp máy 870,6MW. Đến nay, đã có 29 công trình thủy điện hoàn thành với tổng công suất là 343MW; 14 công trình đã khởi công xây dựng với tổng công suất 193,3MW; 17 công trình đang lập dự án đầu tư, hoàn thiện thủ tục pháp lý với tổng công suất 152,4MW. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy thủy điện lớn đã hoàn thành phát điện; 6 nhà thủy điện có địa bàn liên tỉnh Kon Tum - Gia Lai; 3 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum - Quảng Ngãi và đặc biệt có 2 dự án nhà máy điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất 153,5 MW17.
|
Phải khẳng định rằng, các công trình thủy điện sau khi được hoàn thành đã và đang mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho cả địa phương và người dân sinh sống gần vùng thủy điện. Ngành năng lượng tiếp tục phát huy vai trò là ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước của tỉnh ta. Mỗi năm, các công trình thủy điện đã đóng góp từ 1.200-1.300 tỷ đồng, chiếm 40 – 45% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh.
Bên cạnh những lợi ích mà thủy điện, điện gió mang lại thì có một điều là trong quá trình triển khai xây dựng các công trình nhà máy những chủ đầu tư dự án đã vi phạm các quy định của pháp luật và để lại những tồn tại cho người dân.
Đơn cử như mới đây, Thanh tra Sở TN&MT đã xử phạt 4 chủ đầu tư thủy điện trên địa bàn tỉnh do có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai xây dựng, vận hành các nhà máy thuỷ điện. Cụ thể, Thanh tra Sở TN&MT đã xử phạt Công ty CP Thuỷ điện Đức Bảo (đơn vị chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đăk Trưa 1, 2) với số tiền hơn 217 triệu đồng về các hành vi đổ thải sai vị trí và lấn chiếm đất với diện tích hơn 10.500 m2 (trong đó, đất rừng sản xuất là 9.100m2); Phạt Công ty CP thuỷ điện Thiên Tân (chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Đăk Re) số tiền hơn 224 triệu đồng do có hành vi đổ thải sai vị trí và lấn chiếm 14.097m2 đất (trong đó, có 596m2 đất rừng sản xuất để làm bãi đổ thải, các hạng mục nhà máy); Phạt Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum) hơn 210 triệu đồng về các hành vi đổ thải sai vị trí, lấn chiếm 121.500m2 đất để xây dựng đường hầm dẫn nước thủy điện và xử phạt Công ty TNHH GKC (Chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Đăk Lô 1, 2, 3) 70 triệu đồng vì hành vi nâng công suất nhà máy điện từ 5,5 MW lên 7,7 MW khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
|
Đặc biệt, gần đây nhất, UBND tỉnh cũng đã quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật (địa chỉ thôn Lanh Tôn, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei) với số tiền 380 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm là hơn 420 triệu đồng. Tổng số tiền phải nộp phạt là hơn 800 triệu đồng.
Lý do xử phạt do Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật đã chiếm 245.500m2 đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất để xây dựng các công trình dự án nhà máy điện gió. Cụ thể, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn với diện tích 89.800m2 tại huyện Ngọc Hồi và huyện Đăk Glei, thời gian chiếm đất từ tháng 7/2021- 10/2023; chiếm đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn với diện tích 155.700m2 tại huyện Đăk Glei, thời giam chiếm đất từ tháng 7/2021-10/2023.
Trước đó, Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật cũng bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt 170 triệu đồng vì hàng loạt vi phạm khi xây dựng công trình Nhà máy điện gió.
Điều đáng nói ở đây là tại sao trong quá trình triển khai xây dựng dự án không phải một vài tháng là xong mà nhiều dự án lên đến vài năm, thế nhưng suốt quá trình đó, đơn vị chức năng, cũng như chính quyền địa phương lại không hề phát hiện được sai phạm mà phải đến khi thanh tra, kiểm tra mới phát hiện. Trong khi đó, quá trình xây dựng dự án, các đơn vị không chỉ lấn chiếm đất sản xuất của người dân, lấn chiếm đất rừng mà còn lấn chiếm cả đất rừng phòng hộ mà đơn vị chức năng và chính quyền địa phương không hề hay biết?
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, trong quá trình triển khai các dự án, công trình thủy điện, điện gió, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương cần nêu cao trách nhiệm, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ theo chức năng nhiệm vụ của mình để các chủ đầu tư thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.
Phúc Nguyên