Sa Thầy phủ xanh đất trống, đồi núi trọc
Huyện Sa Thầy đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng độ che phủ rừng, trong đó, tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng rừng, quyết tâm trồng được 500ha rừng trong năm 2021, tiến đến mục tiêu trồng hơn 3.000 ha rừng vào năm 2025, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sa Thầy lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2014 và kết quả công bố theo dõi diễn biến rừng năm 2020, huyện Sa Thầy có hơn 113.733 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, có hơn 90.088ha đất có rừng. Để tăng tỷ lệ che phủ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, huyện Sa Thầy đã xây dựng Đề án trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Sa Thầy giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, huyện đặt ra mục tiêu đến năm 2025 trồng 3.000 ha rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng từ 62,82% (năm 2020) lên hơn 63,33% vào năm 2025; tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân, đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 60 triệu đồng.
Với lộ trình và hướng đi cụ thể, trong năm 2021, huyện sẽ tiến hành trồng 500ha (100 ha do chủ rừng tham gia trồng, hỗ trợ nhân dân trồng 400ha). Ông Giả Tấn Đạt - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết, đến nay, huyện đã vận động, tuyên truyền người dân tham gia trồng rừng. Cùng với đó, dựa trên điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, huyện đã giao cây giống bạch đàn cự vỹ cho các xã: Ya Xiêr, Ya Tăng, Hơ Moong, Sa Bình để triển khai thực hiện.
|
Tại xã Hơ Moong, trong nhiệm kỳ phấn đấu trồng đạt 500ha rừng. Riêng trong năm 2021, phấn đấu trồng 174,27ha. Theo đó, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng thông báo, triển khai nội dung trồng rừng cho các hộ dân có đất đồi, trồng các cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng rừng. “Bà con rất ủng hộ. Đến nay, cơ bản người dân đã nhận giống và đang triển khai trồng được khoảng 30ha. Đảng ủy xã thường xuyên theo dõi, đôn đốc, vận động người dân thực hiện” - ông Mai Nhữ Nam - Chủ tịch UBND xã cho hay.
Tương tự, năm 2021, xã Ya Xiêr triển khai cho 35 hộ dân trồng 54,12ha rừng, trong đó, tập trung chủ yếu tại làng Rắc, làng O và làng Trang. Chuẩn bị các điều kiện thiết yếu cho việc trồng rừng, trong quá trình cấp cây giống, xã đã phối hợp với đơn vị cung ứng hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật cho người dân. Đến nay, toàn bộ các hộ dân đăng ký đã nhận giống, làm đất, chuẩn bị sẵn sàng cho việc trồng rừng.
Ông A Yúi, làng Rắc đăng ký trồng 1,4ha rừng. Ông cho biết, những năm trước, diện tích trên được gia đình sử dụng để trồng mỳ tuy nhiên hiệu quả không cao. Năm nay, được vận động, ông mạnh dạn đăng ký trồng rừng. “Mình đã phát dọn thực bì, cuốc hố, chuẩn bị sẵn sàng. Cây giống về rồi, đợi mưa mình sẽ trồng. Lần đầu tiên trồng rừng, mình cũng thấy lo ngại. Mình cũng được hướng dẫn cách phát, chăm sóc, xới vun gốc, chống cháy…” - ông Yúi chia sẻ.
Tương tự, chị Trương Thị Giang ở thôn Thanh Xuân, xã Ya Xiêr cũng đăng ký trồng 2ha. Chị cho biết, mọi năm, 2ha đất đồi, triền nên chị bỏ trống. Khi được xã thông báo, chị đã đăng ký để thực hiện. “Cũng mong trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, có thêm thu nhập” - chị chia sẻ.
Theo Đề án, tổng nhu cầu kinh phí để thực hiện khoảng 59 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng, vốn nhân dân đối ứng khoảng 27,6 tỷ đồng, vốn của chủ rừng hơn 3 tỷ đồng. Thực hiện Đề án sẽ góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đưa ra, đồng thời thực hiện kế hoạch hành động về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” góp phần tăng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn. “Theo Đề án, dự tính, trong chu kỳ 10 năm, 1ha cây bạch đàn cự vỹ cho khối lượng sản phẩm trữ lượng gỗ đạt 220-240m3, sau khi trừ chi phí cho thu nhập thuần từ 14-15 triệu đồng/ha/năm, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân” - ông Đạt cho hay.
Hoài Tiến