Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn
4 năm qua, việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) đã góp phần thổi “làn gió mới” vào phát kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân sống ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Những kết quả đạt được bước đầu đã tạo tiền đề cơ bản để tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh Chương trình này theo hướng gắn phát triển sản phẩm OCOP với khai thác du lịch nông thôn.
Trong 4 năm (2018- 2022), tổng kinh phí huy động từ các nguồn để thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh là hơn 55,326 tỷ đồng. Các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức 31 đợt xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, chính sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP đã góp phần khích lệ, cổ vũ các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2018 đến tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có 295 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
|
Sau 6 đợt tổ chức bình chọn, phân hạng, kết quả, đã có 157 sản phẩm OCOP của 83 chủ thể được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Trung ương đánh giá, 15 sản phẩm 4 sao và 135 sản phẩm 3 sao.
Chương trình OCOP đã góp phần khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện văn hóa, du lịch của các địa phương.
Thông qua Chương trình đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín giúp gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp; phát huy được vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua đó, tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất là nâng cao được vai trò của phụ nữ và đồng bào DTTS; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
|
Với những kết quả đã đạt được, OCOP tiếp tục được xác định là Chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022- 2025. Tỉnh ta đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 350 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2022-2025, việc phát triển sản phẩm OCOP được gắn liền với việc xây dựng, khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi ngày càng được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, để thu nhập của người nông dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ. Đồng thời, thông qua phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cũng giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
|
Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, ngành Nông nghiệp của tỉnh và các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu. Trong đó, chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa của từng địa phương và yêu cầu thị trường; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, xây dựng các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm.
Có thể nói, sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn còn nhiều dư địa phát triển. Đây là lợi thế, cơ hội để các địa phương, chủ thể sản xuất kinh doanh khai thác; góp phần thúc tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Thiên Hương