Phát triển lâm nghiệp bền vững
Huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển ngành lâm nghiệp; độ che phủ rừng trên 63,12%; giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động; khoảng 50% số hộ sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp là những mục tiêu mà tỉnh ta đề ra trong năm 2023.
Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 63,12%, trong khi cả nước chỉ khoảng 42,02%. Mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra là nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên 64% vào cuối năm 2025.
Theo Quyết định số 606/QĐ-UBND ngày 21/9/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh diện tích 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, diện tích rừng đặc dụng là 95.015,54ha (rừng tự nhiên 90.966,53ha; rừng trồng 274,94ha; đất trống 3.774,07ha); diện tích rừng phòng hộ là 170.378,93ha (rừng tự nhiên 156.699,87ha; rừng trồng 4.761,91ha; đất trống 8.917,15ha); diện tích rừng sản xuất 409.236,44ha (rừng tự nhiên 300.020,82ha; rừng trồng 61.902,89ha; đất trống 47.312,73ha).
Không thể nghi ngờ, rừng là nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
|
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua những chức năng môi trường như chống xói mòn, và đảm bảo tuần hoàn nước, rừng góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục nghìn hộ dân.
Vai trò của rừng được thể hiện rất rõ ở vùng sâu vùng xa, vùng DTTS, những nơi có đông dân cư sống bên trong hoặc gần các khu rừng là người nghèo hoặc người DTTS.
Trong thời gian qua, tỉnh đã có những nỗ lực đáng kể trong việc quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững.
Nổi bật là việc thực thi có hiệu quả các chính sách về lâm nghiệp, bảo vệ rừng đã đem lại sự chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội. Rừng đã được cải thiện cả về chất và lượng; doanh thu ngành lâm nghiệp đã có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế.
Cộng đồng đã và đang ngày càng được hưởng lợi từ ngành lâm nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, nhất là nguồn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, và tạo thêm việc làm. Từ đó tác động mạnh mẽ đến giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào DTTS.
Tuy nhiên, thực tế phát triển lâm nghiệp cũng bộc lộ một số tồn tại cần có giải pháp khắc phục. Trong đó có thể thấy tăng trưởng ngành lâm nghiệp còn thấp và chưa bền vững, lợi nhuận ít, sức cạnh tranh yếu, tiềm năng của rừng chưa được khai thác hợp lý.
Rừng trồng có năng suất, chất lượng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến. Trong khi công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tuy phát triển nhanh nhưng tự phát, chưa vững chắc; khả năng cạnh tranh thấp, sản xuất gia công là chính, thiếu công nghiệp phù trợ.
Kế hoạch số 350/KH-UBND ngày 13/2 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023 xác định mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, đóng góp cao trong tổng sản phẩm của tỉnh; cải thiện sinh kế cho người dân.
Theo đó, năm 2023 trồng mới được 4.000ha rừng tập trung và trồng 598,8 ngàn cây phân tán; diện tích rừng có trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 500ha, khoanh nuôi phục hồi rừng 891ha. Độ che phủ rừng đạt trên 63,12%.
Giải quyết được việc làm cho khoảng 23.000 lao động/năm; khoảng 50% số hộ miền núi, người DTTS sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp; góp phần phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 3-4%/năm.
Để phát triển lâm nghiệp bền vững, hoàn thành mục tiêu đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình thực thi chính sách về lâm nghiệp cần đảm bảo cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng.
Theo ông Đặng Thanh Long- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, nguyên tắc không đánh đổi sự tăng trưởng bằng sự hủy hoại rừng, mất rừng, suy thoái rừng, mất đi tính đa dạng sinh học, dẫn đến sự mất cân bằng, ổn định trong thế giới tự nhiên cần được bảo đảm.
Cùng với giá trị kinh tế thì rừng cũng tạo ra không gian sống hài hòa, thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Chúng ta cần phải bảo vệ rừng, đồng thời chúng ta cũng cần phải giúp mọi người có điều kiện dễ dàng tiếp cận, hòa mình với thiên nhiên, để con người thật sự trân trọng thiên nhiên, được thiên nhiên nuôi dưỡng, che chở.
Cần ưu tiên cao nhất cho nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng, hoàn thiện chính sách đầu tư cho rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Quản lý bền vững 3 loại rừng; lập quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp ổn định.
|
Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, cần đẩy mạnh thực thi chi trả dịch vụ môi trường rừng; giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý và sử dụng, giao đất trồng rừng sản xuất cho hộ nghèo, hộ DTTS thiếu đất canh tác nông nghiệp.
Ưu tiên cải thiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp, nhất là thu hút các mô hình nông - lâm kết hợp, trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định và tình hình thực tế; đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh để phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình trong lâm nghiệp, thúc đẩy liên kết với các thành phần kinh tế khác để nâng cao giá trị hàng hóa lâm sản. Khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây nông nghiệp hằng năm trên đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả đa mục đích có giá trị kinh tế cao hơn.
Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế lâm nghiệp từng bước đồng bộ, hiện đại, phát triển hệ thống đường lâm nghiệp gắn kết vùng nguyên liệu quy mô, tập trung với nhà máy chế biến; giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản phẩm gỗ từng bước hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và dịch vụ logistics.
Hồng Lam