Phát triển kinh tế số
Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực quan trọng hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Kon Tum nhanh và bền vững. Tuy vậy, để phát huy vai trò của kinh tế số vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Theo các chuyên gia, kinh tế số là toàn bộ mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội được xây dựng, diễn ra dựa trên nền tảng số. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng...) mà công nghệ số được áp dụng.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai khá hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển kinh tế số.
Trong đó có Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 3549/KH-UBND ngày 21/10/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhờ đó, kinh tế số đã có những bước phát triển ấn tượng!
|
Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, đến tháng 12/2023, có 294 doanh nghiệp nhỏ và vừa (tương ứng 65%) được tiếp cận, dùng thử các nền tảng chuyển đổi số; 86 doanh nghiệp nhỏ và vừa (19%) thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số.
Thương mại điện tử, kinh tế số tại các khu vực nông thôn (như nền tảng giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh...) đã xuất hiện ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử từ thành thị đến nông thôn.
Đặc biệt, việc phát triển kinh tế số đã làm thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 116.656 hộ sản xuất nông nghiệp đã lên sàn thương mại điện tử; có 143.472 hộ được đào tạo kỹ năng số, có 2.651 sản phẩm được đưa lên sàn và 15.383 giao dịch trên sàn.
Tháng 9/2023, trong báo cáo chuyên đề về giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tỉnh Kon Tum có tỷ trọng kinh tế số về tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP) là 9,44%, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, nền tảng để kinh tế số trên địa bàn tỉnh phát triển là hạ tầng số cơ bản đảm bảo, với mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% trung tâm xã và gần 50% hộ gia đình; 85% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh kết nối mạng di động 4G/5G.
100% cơ quan, địa phương có mạng LAN; mạng truyền số liệu chuyên dùng từ cấp tỉnh đến cấp xã với 195 điểm kết nối; 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối Internet phục vụ công tác.
Các ứng dụng, nền tảng dùng chung tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Hệ thống giám sát, theo dõi quản lý tiến độ dự án đầu tư tỉnh Kon Tum cũng được triển khai, tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp.
|
Thực tế trên cho thấy, kinh tế số đang được xem là một trong những động lực quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Kon Tum nhanh và bền vững.
Tuy vậy, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 “kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%”, như Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra, thì vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Đáng chú ý nhất là tỉnh ta có xuất phát điểm cho phát triển kinh tế số chậm hơn so với các tỉnh, thành khác; nhận thức, kiến thức của nhiều cán bộ, doanh nghiệp và người dân về kinh tế số còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành dẫn tới nhu cầu, kế hoạch và hành động cho phát triển kinh tế số còn chưa kịp thời, nhanh nhạy.
Hạ tầng internet ở một số điểm dân cư còn hạn chế; hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chính quyên số chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời trước nhu cầu chuyển đổi số. Trong khi đa số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh thuộc loại hình nhỏ và siêu nhỏ.
Bên cạnh đó, chất lượng nhân lực còn nhiều hạn chế cả về chuyên ngành đào tạo, kỹ năng làm việc. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông, từ đó chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế số.
Vấn đề này nếu không được quan tâm đầu tư trong thời gian tới sẽ là một điểm nghẽn lớn cho phát triển kinh tế số.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng số; hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; không ngừng chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu của kinh tế số, cũng như thích ứng với hội nhập vào thị trường thế giới trong thời kỳ mới.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy hành chính công vụ thông minh, gọn nhẹ, kỷ luật, liêm chính, kiến tạo; chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị điều hành.
Tăng cường hợp tác, thu hút nguồn lực, chuyên gia, công nghệ để nắm bắt thời cơ phát triển, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Hỗ trợ triển khai đào tạo nhân lực chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gắn kết các hoạt động nghiên cứu với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Triển khai đào tạo kiến thức cơ bản, hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác tại cơ quan, đơn vị, nhằm phục vụ tốt công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Sông Côn