Phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP
Sau 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được nhiều kết quả nhất định, tác động tích cực đến đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển và đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, qua 7 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh (từ năm 2019 đến nay), toàn tỉnh có 207 sản phẩm được công nhận đạt hạng 3 sao trở lên. Riêng đợt 2 đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh năm 2022 (được tổ chức từ ngày 27-30/12/2022), trong số 57 sản phẩm của các huyện: Kon Rẫy, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum đăng ký tham gia, có 3 sản phẩm được công nhận đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm được công nhận đạt hạng 3 sao. Nhiều sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong đợt này có chất lượng tốt, mẫu mã bao bì bắt mắt, đã hình thành thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường.
Nhờ chú trọng trong khâu lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tiêu thụ trên thị trường..., đến nay, chị Trần Thị Kim Huệ (trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Măng Đen) đã có 4 sản phẩm, gồm thịt bò khô que, thịt bò hun khói, thịt trâu hun khói và thịt heo hun khói, được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh hạng 3 sao.
|
Các sản phẩm thịt hun khói của chị Huệ đều có nguyên liệu nguồn gốc từ địa phương, quá trình chế biến, sản xuất thành phẩm đều thực hiện hoàn toàn bằng thủ công. “Kế hoạch của tôi trong thời gian tới tiếp tục xây dựng, phát triển thêm các sản phẩm sản xuất thủ công, có tính truyền thống, gắn liền với đời sống, văn hóa ẩm thực lâu đời của người DTTS trên địa bàn”- chị Huệ cho biết.
Kon Tum là địa phương có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm OCOP. Nắm bắt cơ hội này, nhiều chủ thể là hộ kinh doanh, tổ chức kinh tế tập thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên tinh thần chủ động, sáng tạo và hợp tác, đã và đang tập trung khai thác, phát triển sản xuất các sản phẩm thế mạnh, có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Trong 207 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng 3 sao trở lên hiện nay của tỉnh, có 1 sản phẩm được Trung ương công nhận đạt hạng 5 sao cấp Quốc gia, 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 182 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các sản phẩm thuộc các nhóm: Thực phẩm, đồ uống, dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
|
Kết quả trên cho thấy, Chương trình mỗi xã một sản phẩm ngày càng được phổ biến sâu rộng và đi vào chiều sâu, thu hút nhiều tầng lớn người dân, thành phần kinh tế tham gia, qua đó, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế tập thể ở vùng nông thôn phát triển, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, giảm nghèo cho người dân, đóng góp cho việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng cho các địa phương trong tỉnh.
Toàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển 350 sản phẩm OCOP, có khoảng 200 chủ thể tham gia và các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao, có từ 10 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, có nhiều sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, các sản phẩm OCOP được trưng bày, bán rộng rãi ở hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đức Thành