Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở Ngọc Hồi
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ngọc Hồi đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia để hoàn thành cơ bản nhiều chỉ tiêu nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Từ năm 2016 đến nay, huyện Ngọc Hồi đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư để 3 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và 3 xã đạt từ 10-15 tiêu chí, chỉ còn 1 xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Theo ông Vương Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, có được kết quả trên, thời gian qua, các cấp chính quyền và mặt trận, các đoàn thể ở các xã đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm tham gia, huy động các nguồn lực trong - ngoài địa phương, nhằm hoàn thành cao nhất công tác xây dựng nông thôn mới.
Qua công tác tuyên truyền, người dân thực sự hiểu công tác xây dựng nông thôn mới ở từng khu dân cư cần có sự tham gia đóng góp từ chính họ - bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước - tất cả đều vì phục vụ lợi ích của nhân dân và cộng đồng. Qua đó, đã tạo được đồng thuận và hưởng ứng tích cực của bà con đối với từng công trình, hạng mục xây dựng theo kế hoạch đề ra, nhất là trong làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, khu thể thao của thôn, làng…
Điển hình như ở xã Pờ Y, năm 2016, địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới chưa hiệu quả, nên các tiêu chí xây dựng cơ bản như đường giao thông, nhà văn hóa... thực hiện chậm so với kế hoạch. Thế nhưng, sau 3 năm thực hiện hiệu quả các định hướng, chỉ đạo của cấp trên, xã từng bước huy động được nhiều nguồn lực, đặc biệt là sự đóng góp của nhân dân.
|
Ông Sa Văn Dương ở thôn Bắc Phong (xã Pờ Y) nói: Gia đình tôi thật sự khó khăn. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc bán vé số dạo hàng ngày của tôi. Thế nhưng, với ý thức đóng góp làm đường bê tông cho thôn có đường đi an toàn, sạch đẹp do các cấp phát động, tôi bàn bạc với vợ, con hiến 160m2 đất thổ cư, giá trị tài sản khoảng 200 triệu đồng để mở đường nối từ Quốc lộ 40B vào thôn.
Ông Nguyễn Duy Cường - Chủ tịch UBND xã Pờ Y nói thêm: Năm 2015 trở về trước, bà con ở thôn Bắc Phong muốn ra Quốc lộ 40B phải đi qua đất vườn của anh Dương, rất bất tiện lại vất vả, nhất là mùa mưa. Năm 2017, anh Dương ủng hộ đất để nắn đường thẳng, giúp cho 25 hộ dân trong thôn đi lại thuận lợi hơn.
Cũng theo ông Cường, sau gần 4 năm, địa phương đã có 15 tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng nông thôn mới có tổng giá trị (quy đổi thành tiền) hơn 550 triệu đồng. Sự đóng góp này góp phần giúp xã Pờ Y vượt qua khó khăn, về đích và được công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới vào tháng 6 vừa qua.
Khác với Pờ Y, tháng 2/2017, xã Đăk Kan đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Bà Trần Thị Phụng - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Kan cho hay: Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay, địa phương rất quan tâm đến việc chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân cùng phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Từ năm 2017 đến nay, đối với nâng cao đời sống cho người dân, mỗi năm xã đã khuyến khích 15 - 20 hộ nghèo, cận nghèo tham gia chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu và ứng dụng theo một số mô hình kinh tế kết hợp vườn ao chuồng mang lại hiệu quả, tăng thu nhập cao, ngay tại địa bàn. Đồng thời, xã còn kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức xã hội hỗ trợ 20-30 cây giống mới/hộ/năm (chủ yếu cây ăn quả) cho năng suất, chất lượng cao để hộ nghèo, cận nghèo trồng trên rẫy, vườn của gia đình… Đến nay, nhiều hộ được hỗ trợ đã cải thiện cuộc sống khá hơn, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 35 triệu đồng/năm, tăng hơn 8 triệu đồng so cuối năm 2016.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo nông thôn mới của xã Đăk Kan còn vận động được 300 triệu đồng đóng góp từ hàng trăm ngày công của bà con các thôn, để 100% đường trục thôn ngõ, xóm được cứng hóa.
|
Ông Vương Văn Tuyên nhận xét, nhờ chính quyền từng địa phương ở cơ sở tích cực quan tâm chỉ đạo nên công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tiêu chí thủy lợi có 7/7 xã đã đạt chuẩn, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt; có 7/7 xã đạt chuẩn về tiêu chí điện; 100% số hộ dân ở các xã được sử dụng nước hợp vệ sinh; 7/7 xã đạt tiêu chí về giáo dục; 5/7 xã có nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn; 7/7 xã đạt chuẩn tiêu chí về quốc phòng và an ninh; 5/7 xã đạt tiêu chuẩn theo quy định về vật chất văn hóa; 5/7 xã đạt chuẩn tiêu chí về hộ nghèo…
Bên cạnh đó, các xã đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn với hơn 200 ha cây trồng được chuyển đổi, cải tạo để nâng cao năng suất hàng hóa nông sản. Đồng thời, các xã còn tạo môi trường thuận lợi, thu hút 8 doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực như cà phê, cao su, mì. Cùng đó, trong 4 năm qua, tuyên truyền, hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 3.000 lượt lao động nông thôn.
Theo lãnh đạo huyện Ngọc Hồi, những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, đã và đang tạo động lực tích cực để địa phương tiếp tục huy động sức dân chung tay xây dựng nông thôn mới về đích đúng kế hoạch đề ra.
Mai Trâm