Nâng cao tính cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng
Được Nhà nước và các đơn vị chủ rừng giao, khoán bảo vệ rừng, các cộng đồng dân cư sống gần rừng đã tích cực, trách nhiệm thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó thu hút ngày càng nhiều hộ dân tham gia giữ rừng, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại địa phương.
Những năm qua, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng cho BQL Vườn Quốc gia Chư Mom Ray ở thôn Đăk Đe (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) luôn có sự thay đổi, luân phiên về các tổ, hộ dân tham gia trong cộng đồng. Sự thay đổi này nhằm tạo sự công bằng cho các hộ dân trên địa bàn thôn, giúp hộ dân nào cũng được tham gia bảo vệ rừng và được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các hộ dân tích cực tham gia tuần tra, trực chốt cửa rừng, tham gia công tác vận động tuyên truyền, thường xuyên cung cấp thông tin về tình trạng rừng…
Ông A Nghẻo - Cộng đồng trưởng cộng đồng nhận khoán thôn Đăk Đe cho biết, nhờ cách thức tổ chức, thay đổi các hộ dân tham gia cộng đồng hàng năm như vậy đã thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện việc bảo vệ rừng của người trên địa bàn thôn.
Mỗi năm, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Đăk Đe có từ 13-15 hộ dân tham gia. Diện tích rừng bảo vệ rộng khoảng 250ha. Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả (600.000 - 700.000 đồng/ha/năm), cộng đồng thôn Đăk Đe chi cho các hộ dân hoạt động tuần tra, trực chốt bảo vệ rừng và các hoạt động chung của thôn.
|
Ông Hoàng Văn Hương- Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Rờ Kơi (BQL Vườn Quốc gia Chư Mom Ray) cho hay, nhờ lợi ích từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại, các hộ dân trên địa bàn thôn Đăk Đe đều tích cực tham gia bảo vệ rừng, phối hợp với cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách của trạm thực hiện đầy đủ các đợt tuần tra, trực chốt, chữa cháy rừng. Những năm qua, diện tích rừng của Vườn Quốc gia tại địa bàn xã Rờ Kơi được bảo vệ nghiêm ngặt, không còn xảy ra vi phạm về xâm lấn rừng làm rẫy hay chặt phá, huỷ hoại rừng.
“Hiện nay, thôn Đăk Đe còn gần 30 hộ dân chưa tham gia cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng của thôn. Các hộ dân này đều mong muốn trong những năm tiếp theo được tham gia vào cộng đồng nhận khoán và đóng góp công sức, chung tay bảo vệ rừng cho Vườn Quốc gia”- ông Hương nói.
Tại cộng đồng thôn Đăk Bối (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei), để quản lý, bảo vệ tốt diện tích 336ha được Khu Bảo tồn thiên niên Ngọc Linh và 1.033ha rừng trước đây do UBND xã Mường Hoong quản lý, 15 hộ dân được giao, nhận khoán chia thành từng tổ, luân phiên đi tuần tra rừng.
Thôn Đăk Bối có 78 hộ dân/281 khẩu. Xung quanh khu dân cư của thôn Đăk Bối đều là rừng tự nhiên, đời sống và sinh kế của các hộ dân trong thôn gắn liền với rừng nên cả cộng đồng thôn đều có nhận thức gìn giữ, bảo vệ rừng rất cao. Ngoài các hộ dân được giao, nhận khoán, các hộ dân khác trong thôn đều có mặt, tham gia đầy đủ hoạt động chữa cháy rừng, trồng rừng khi được huy động.
Ông A Lăm - Trưởng thôn Đăk Bối cho biết, hàng năm, cộng đồng thôn Đăk Bối được nhận khoảng 300 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn tiền này, thôn có nguồn kinh phí để nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối trung tâm xã đến thôn dài hơn 4km, hỗ trợ cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển sinh kế, thăm hỏi các hộ dân bị ốm đau, tai nạn, nên các hộ dân trong thôn đều hiểu phải chung tay gìn giữ bảo vệ thật tốt diện tích rừng được giao, khoán. “Trong thôn hiện có hơn 20 hộ dân rất tích cực, thường xuyên tham gia các hoạt động bảo vệ rừng”- ông A Lăm chia sẻ.
Qua thực tế ở cộng đồng thôn Đăk Đe và thôn Đăk Bối cho thấy, nếu tổ chức hợp lý hoạt động quản lý, bảo vệ các diện tích rừng được Nhà nước và các đơn vị chủ rừng giao, khoán; nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả hiệu quả, sẽ củng cố niềm tin và thu hút sự tham gia của người dân trong việc tham gia các chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, giúp rừng ở địa phương ngày càng được gìn giữ và phát triển xanh tốt.
Đức Thành