Hỗ trợ vốn tín dụng giúp nông dân giảm nghèo
Thời gian qua, tỉnh ta quan tâm triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng đối với lĩnh vực “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn và nông dân). Trong đó, chú trọng nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để hỗ trợ hiệu quả nông dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Với cơ chế, chính sách cho vay các nguồn vốn tín dụng chính sách thông thoáng, kịp thời, đến nay, tỉnh ta có trên 19.200 hộ nông dân vay vốn tín dụng chính sách với dư nợ trên 996 tỷ đồng. Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, các hộ nông dân nghèo, là các đối tượng chính sách có thêm cơ hội tạo việc làm mới, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Để đạt được những kết quả tích cực như trên, những nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp, ngành làm công tác tín dụng chính sách chú trọng, đó là nâng cao hiệu quả công tác ủy thác cho vay, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay; nâng cao hiệu quả hoạt động 470 Tổ Tiết kiệm và vay vốn của các cấp Hội Nông dân; kiện toàn nhân lực, nâng cao nghiệp vụ, năng lực của cán bộ làm công tác ủy thác thông qua nhiều buổi tập huấn.
|
Để giúp các hộ nông dân sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách hiệu quả, tỉnh lồng ghép việc tuyên truyền về các chủ trương, chính sách ưu việt của nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với nhiều cuộc vận động có ý nghĩa, qua đó làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong tư duy sản xuất, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chú trọng xây dựng những mô hình điểm để tạo sự lan tỏa, cuốn hút, tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn lực, kỹ thuật để các hộ nông dân học và làm theo đạt hiệu quả.
Đến nay, nhiều mô hình điểm được triển khai phát huy hiệu quả cao như: Mô hình cải tạo vườn cà phê, mô hình nuôi heo sọc dưa, mô hình trồng bơ xen canh cà phê. Các mô hình đã cho người dân được “mắt thấy, tai nghe” những điều được học tập, hướng dẫn, qua đó tạo động lực để các hộ nông dân học hỏi, phấn đấu làm theo. Chính quyền và các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cần thiết để người dân triển khai các mô hình; đã có hàng ngàn lượt hội viên nông dân được tham gia nhiều buổi hội thảo, tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học và khoảng hơn 2.000 hội viên nông dân được hỗ trợ vật tư, con giống chất lượng cao trong sản xuất; phối hợp với các Công ty trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nông dân mua phân bón trả chậm trên 25.000 tấn phân bón các loại; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho trên 15.000 lượt hội viên nông dân; đào tạo dạy nghề ngắn hạn, cấp chứng chỉ cho gần 1.000 nông dân.
Có thể thấy, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nông dân nghèo đã thêm nguồn vốn để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích để vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững. Qua đó, xuất hiện nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo “nguồn cảm hứng”, sự lan tỏa trong cộng đồng.
Tiêu biểu có thể kể đến gia đình anh A Diêu ở thôn Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông). Trước năm 2015, gia đình A Diêu còn là hộ nghèo, nhưng nhờ được địa phương hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách và hướng dẫn cách thức làm ăn, anh đã phát triển hiệu quả việc chăn nuôi trâu và heo địa phương. Đến nay, không những trả được hết nợ vay ngân hàng mà gia đình A Diêu còn tích lũy được một ít vốn để mở rộng sản xuất. Gia đình anh còn mua sắm đầy đủ các loại phương tiện, tiện nghi phục vụ sản xuất, sinh hoạt của gia đình, cho con cái ăn học đầy đủ và trở thành hộ sản xuất kinh doanh khá, giỏi tại địa phương.
Mặc dù kết quả cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách trong phát triển “tam nông” thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn gặp những khó khăn nhất định về một số cơ chế, chính sách liên quan đến việc vay và sử dụng nguồn vốn vay.
Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục hoàn thiện một số quy trình, nội dung trong thực hiện ủy thác cho vay các nguồn vốn chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân; đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn; chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cùng các cấp, ngành tăng cường sự phối hợp hoạt động hiệu quả, đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những tồn tại, thiếu sót, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy tối đa hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Hoàng Thanh