Đăk Tô kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm ở người
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả, năm 2022, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn huyện Đăk Tô được kiểm soát tốt, giảm đáng kể so với các năm trước.
Năm 2022, ngành Y tế huyện Đăk Tô triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh nhằm bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.
Theo đó, công tác tiêm phòng vắc xin Covid-19 trên địa bàn huyện được triển khai rộng khắp từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn. Đến nay, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi đạt tỷ lệ 99,5%; tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) đạt tỷ lệ 93%, tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đạt tỷ lệ 90,4%. Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt tỷ lệ 98,1%; tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt tỷ lệ 91,1%. Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm 1 mũi đạt tỷ lệ 99,5%, tiêm đủ 2 mũi đạt tỷ lệ 86,4%.
|
Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai tại 100% xã, thị trấn; toàn huyện không để xảy ra trường hợp tai biến trong tiêm chủng. Các dịch bệnh truyền nhiễm như phong, dại, bạch hầu, viêm não Nhật Bản, cúm A, viêm gan A được kiểm soát, không ghi nhận ca mắc mới. Năm 2022, huyện Đăk Tô có 2 bệnh nhân bị bệnh tay-chân-miệng (giảm 2 bệnh nhân so với năm 2021); 4 bệnh nhân bị bệnh quai bị (giảm 8 bệnh nhân so với năm 2021); 17 bệnh nhân bị bệnh thủy đậu (giảm 65 bệnh nhân so với năm 2021). Toàn huyện không có trường hợp tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm ở người.
Bác sĩ Hoàng Thu Thủy- Trưởng khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô) cho hay: “Trong năm 2022, Khoa Nội-Nhi-Nhiễm tiếp nhận, điều trị khoảng 700 bệnh nhân bị các bệnh truyền nhiễm. Tại khoa có khu vực điều trị riêng cho các bệnh nhân này với trang thiết bị y tế đầy đủ, phục vụ tốt cho công tác khám, điều trị cho các bệnh nhân”.
Năm 2022, huyện Đăk Tô ghi nhận có 61 ca sốt xuất huyết, giảm đáng kể so với các năm trước (năm 2020 có 441 ca, năm 2021 có 164 ca). Có được kết quả này là nhờ ngành Y tế huyện đã đổi mới trong phương pháp tiếp cận cộng đồng dân cư, hộ gia đình. Theo đó, trong thời kỳ dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh mẽ nhất ở các nơi, đội ngũ cán bộ y tế đã chủ động xuống tận các gia đình để tuyên truyền về tác hại, triệu chứng, cách phòng tránh dịch bệnh sốt xuất huyết và vận động người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, không để các vật dụng chứa nước tù đọng, đậy kín các lu chứa nước sinh hoạt không để lăng quăng/ bọ gậy phát triển; khuyên người dân tạo thói ngủ mùng phóng muỗi đốt; phun thuốc diệt muỗi nhằm hạn chế môi trường sinh sản, phát triển của muỗi vằn- vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng dân cư.
Bà Mai Thị Bình ở khối phố 5, thị trấn Đăk Tô tâm sự: “Cán bộ y tế cùng với chúng tôi đi kiểm tra thì thấy có nhiều lăng quăng, bọ gậy trong vỏ lon, chai nhựa và các dụng cụ chứa nước để lâu ngày; gia đình đã kịp thời đổ nước ra ngoài để không có nơi cho muỗi sinh sản. Ngoài ra, gia đình tôi và bà con thực hiện ngủ trong mùng, phát quang bụi rậm, thu gom rác trong nhà, ngoài ngõ để đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, an toàn hơn cho sức khỏe”.
Bà Đặng Thị Mỹ Dung- Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Đăk Tô cho biết: “Đến nay, trang thiết bị y tế của trạm đã được đầu tư đồng bộ, nhờ đó công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Thị trấn hiện có 81 tổ công tác cộng đồng phòng, chống dịch bệnh; cán bộ y tế của trạm cùng với các tổ công tác cộng đồng thường xuyên tuyên truyền người dân về các bệnh truyền nhiễm ở người thông qua các cuộc họp thôn; phổ biến, tuyên truyền tại hộ gia đình vào thời gian cao điểm của các bệnh dịch, góp phần hạn chế nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở người”.
Ngành Y tế tỉnh dự báo, trong năm 2023, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh sẽ bùng phát mạnh. Để góp phần ngăn chặn dịch sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn huyện, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, ngành Y tế huyện Đăk Tô đã chủ động triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu ngay từ đầu năm.
Ông Trần Văn Bình- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô khẳng định: “Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô sẽ tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/ bọ gậy. Theo đó, huy động tổ công tác cộng đồng phòng, chống dịch bệnh phối hợp với chính quyền địa phương, các hộ gia đình thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy 1 ngày/lần tại các địa bàn đang có ổ dịch, 3 ngày/lần tại các địa bàn có nguy cơ cao và 5 ngày/lần tại các địa bàn còn lại; thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát tốt dịch bệnh trên người”.
Tấn Lộc