Đăk Hà: Người dân tất bật chuẩn bị vụ hoa Tết
Hằng năm, vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch, người trồng hoa trên địa bàn huyện Đăk Hà lại tất bật với việc xuống giống, chăm sóc hoa vụ Tết. Dù bận rộn, mệt nhọc nhưng cũng gửi gắm vào đó nhiều kỳ vọng, mong ước về một vụ hoa được mùa, được giá.
Để phục vụ cho thị trường hoa Tết năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tịnh (thôn 3, xã Đăk La) trồng trên 1.000 chậu hoa các loại, trong đó, có 600 chậu hoa cúc, 200 chậu hoa ly, 200 chậu hoa cát tường, thược dược.
Theo ông Tịnh, để có những chậu hoa đẹp trong dịp Tết, tất cả các công đoạn trong quá trình trồng, chăm sóc đều phải thực hiện rất kỹ càng. Để cây hoa phát triển tốt, ngoài việc nhổ cỏ, làm đất thì phải cắt tỉa, phun chế phẩm sinh học, bón phân đúng thời điểm. Khi cây hoa còn nhỏ phải thường xuyên làm cỏ, xới xáo, vun quanh gốc và giữ ẩm cho cây bằng cách tưới phun mưa. Để tăng chiều cao cho cây và kiềm chế được thời gian bung nụ sớm, ông Tịnh thắp đèn vào ban đêm. Khi cây đạt đến độ cao nhất định, ông dừng hẳn việc thắp đèn, sau đó hoa sẽ bắt đầu cho nụ.
|
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông Tịnh đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng; lắp đặt hệ thống chiếu sáng, tưới nước tự động. Theo ông Tịnh, với hệ thống nhà vườn được đầu tư xây dựng bài bản, các loại hoa của ông có thể chống chọi với các điều kiện bất lợi của thời tiết, tăng chất lượng và sức cạnh tranh.
Gắn bó với nghề trồng hoa hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Nga (tổ dân phố 2B, thị trấn Đăk Hà) cho hay, vụ Tết năm nay, gia đình bà trồng khoảng 32.000 cây hoa cúc, 3.000 cây hoa huệ, 3.000 cây lay ơn, 2.000 cây hoa cát tường.
Ngoài việc tích cực chăm sóc, bảo vệ hoa, bà Nga còn áp dụng thêm biện pháp đặc biệt đó là chong đèn, sử dụng ánh sáng nhằm kích thích tăng trưởng cho cây để nở đúng thời gian theo ý định của người trồng.
“Người trồng hoa phải dãi nắng dầm sương cả ngày lẫn đêm mới cho ra được những chậu hoa đẹp tới tay khách hàng. Đây cũng là khoảng thời gian mà người trồng hoa bận rộn, vất vả nhất trong năm. Nghề trồng hoa không nặng nhọc nhưng vô cùng bận bịu, phải nâng niu, chăm chút từng tí một. Năm nào thời tiết thuận lợi thì mừng nhưng năm nào thời tiết khắc nghiệt thì chúng tôi đứng ngồi không yên” - bà Nga nói.
Sát bên vườn hoa nhà bà Nga, ông Trần Khắc Hùng đang tỉ mỉ chăm sóc cho vườn mai hơn 200 cây của mình. Gắn bó với nghề trồng mai hơn 25 năm, ông Hùng thuộc đặc tính của loài hoa này như chính bản thân mình. Ông hiểu rõ cây hoa mai cần những gì để phát triển, khi cây có triệu chứng sâu bệnh hại cần xử lý ra sao và thời tiết thay đổi nên xử lý như thế nào.
|
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hùng cho hay, hoa mai nếu không nở đúng dịp Tết thì như mất đi một phần ý nghĩa. Chính vì thế, để cây mai giữ nụ và ra hoa đúng thời điểm Tết, ngoài việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phải cẩn thận và cầu kỳ suốt cả năm. Đặc biệt, cây mai phải được tưới nước đầy đủ hằng ngày để gốc mai không bị khô. Việc tưới nước cho cây mai phải thật kỹ càng, không phải chỉ tưới ở gốc mà phải tưới toàn bộ cây. Tuyệt đối không để cây bị thiếu nước, vì như thế khi tưới nước lại cây mai sẽ ra hoa đột ngột.
“Bên cạnh theo dõi quá trình sinh trưởng của cây mai, người trồng mai còn phải theo dõi sát sao tình hình thời tiết. Cây mai sẽ bị kích thích và nở sớm nếu gặp mưa, gió hoặc sương muối. Những hôm thời tiết như vậy, tôi đều tưới nước cho cây để rửa trôi lớp nước mưa, sương muối đang bám trên cây. Khi trời trở gió, tôi phủ bạt nilon để tránh gió, tăng nhiệt độ cho cây” - ông Hùng cho hay.
Ông Đặng Thế Quyết - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 5,5ha trồng hoa. Tuy diện tích trồng hoa nhỏ nhưng người trồng hoa trên địa bàn đã biết tích lũy kinh nghiệm, kết hợp áp dụng tiến bộ KHKT và đầu tư công nghệ nhà lồng, nhà màng, tưới nước tự động, tiết kiệm. Vì vậy, tại các nhà vườn, các loại hoa phong phú về chủng loại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.
Thu Hiền