Công nghiệp - xây dựng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế
Trong quý I/2024, tình hình kinh tế tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao. Trong đó, khu vực công nghiệp- xây dựng có đóng góp lớn và tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I năm 2024 ước đạt 7.783,81 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,45%, cao nhất khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 19 cả nước. Trong đó, công nghiệp- xây dựng là lĩnh vực có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong cơ cấu thành phần kinh tế, đạt 10,79%.
Trong quý I năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp ước thực hiện đạt 2.455 tỷ đồng, tăng hơn 11% so cùng kỳ năm 2023. Giá trị sản xuất của các nhóm ngành công nghiệp đều có mức tăng khá.
|
Theo đó, mặc dù vẫn còn khó khăn, song các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nỗ lực vượt khó, duy trì hoạt động ổn định, nhất là doanh nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất hóa chất, sản xuất bàn, ghế. Nhờ đó, giá trị sản xuất của nhóm ngành này trong quý I/2024 đạt cao, ước thực hiện là 1.595 tỷ đồng, tăng 10,92% so với cùng kỳ. Sản phẩm hàng hóa sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ đến đó, nên chỉ số tồn kho giảm mạnh, ước tính đến hết tháng 3 đã giảm 18,46% so với cùng thời điểm năm 2023.
Đối với nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, trong quý I/2024 ước thực hiện khoảng 720 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Yếu tố chính giúp cho nhóm ngành này tăng trưởng mạnh là do thời tiết trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi, lượng nước trên các hồ chứa luôn đảm bảo cho các nhà máy thủy điện hoạt động ổn định nên sản lượng điện sản xuất tăng so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nhóm ngành công nghiệp khai khoáng có nhiều khởi sắc, do nhu cầu tiêu thụ đá, cát sỏi phục vụ cho hoạt động xây dựng tăng cao, nên các đơn vị tăng sản lượng khai thác. Giá trị của nhóm ngành công nghiệp khai khoáng ước thực hiện đạt 140 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh sản xuất trong quý I/2024 có mức tăng cao như điện sản xuất 836,7 triệu Kwh, tăng 12% đá xây dựng khai thác 116.187 m3, tăng 9,80%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 43,64 triệu viên, tăng 14,84%; đường RE đạt 9.876 tấn, tăng 38,47%.
Cùng với ngành công nghiệp, hoạt động của ngành xây dựng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước với nhiều công trình trọng điểm có mức đầu tư cao được tập trung triển khai như: Đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum; xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi; Đường từ trung tâm huyện Sa Thầy đi Nhà máy thủy điện Ialy; các công trình đường giao thông liên xã huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum; Nhà thi đấu tổng hợp tỉnh; trụ sở làm việc của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành. Từ đó, mang lại giá trị sản xuất cao cho ngành này, ước thực hiện trong quý I/2024 đạt 4.449,49 tỷ đồng, tăng 5,44% so với cùng kỳ năm 2023.
|
Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương, chủ đầu tư chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa khi thực hiện các dự án hạ tầng, công trình quy mô lớn. Đồng thời, bảo đảm nguồn cung và kiểm soát chặt chẽ giá nguyên vật liệu, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị xây dựng đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công.
Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng sôi động trong những tháng đầu năm 2024 đã góp phần tạo ra nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh. Ước tính, trong quý I/2024, số lao động có việc làm trong khu vực này là 25.349 người, tăng khoảng 1.900 người so với cùng kỳ năm 2023.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp- xây dựng phát triển, trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội quý II và các tháng còn lại của năm 2024, UBND tỉnh lưu ý các ngành, địa phương tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đôn đốc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm; ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư vào một số ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông lâm sản. Qua đó, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của tỉnh đạt 10% trở lên, như kế hoạch đã đề ra.
Thiên Hương