Chủ động nguồn nước tưới, ứng phó với khô hạn
Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022 – 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó hạn hán với mục tiêu là giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do hạn hán gây ra.
Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 594 công trình thủy lợi đang được đưa vào khai thác sử dụng, bao gồm 85 hồ chứa, 8 trạm bơm điện và 501 đập dâng. Trong đó, 178 công trình do Ban Quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý, vận hành gồm 73 hồ chứa, 7 trạm bơm, 98 đập dâng và 416 công trình do UBND các huyện, thành phố trên địa bàn trực tiếp quản lý.
Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, với việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các công trình thủy lợi, diện tích đất sản xuất đảm bảo nước tưới ngày càng ổn định và tăng lên. Các công trình đảm bảo phục vụ tưới cho 22.129 ha cây trồng; trong vụ Đông Xuân này các công trình thủy lợi phục vụ tưới cho khoảng 14.725ha gồm 7.193ha lúa, rau màu các loại và 7.513,58ha cây công nghiệp dài ngày.
|
Ông Trần Văn Lực- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Qua theo dõi diễn biến mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, hiện tại, có 80/85 hồ chứa có dung tích trữ đạt từ 64% dung tích thiết kế. Theo tính toán nguồn nước của các hồ chứa lớn cơ bản đảm bảo phục vụ tưới cho diện tích cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023. Hiện tại, các đập dâng, các trạm bơm bảo đảm nguồn nước phục vụ yêu cầu tưới.
Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum từ giữa tháng 2 đến tháng 4/2023, mực nước trên các sông, suối có dao động theo xu thế giảm chậm; lượng dòng chảy trên sông Đăk Bla có khả năng đạt thấp hơn từ 40- 60%; trên các sông Đăk Tờ Kan và sông Pô Kô đạt thấp hơn từ 5- 20%. Khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra cục bộ ở khu vực thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy, Đăk Tô, nếu xảy ra nắng nóng kéo dài.
Theo ông Trần Văn Lực, để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với hạn hán, giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của người dân, ngay từ đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 03/CT-UBND (ngày 19/1/2023) về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi triển khai đồng bộ các biện pháp chống hạn.
Trong đó, chú trọng theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo thời tiết, số liệu quan trắc nguồn nước để có phương án vận hành hồ chứa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thường xuyên kiểm tra nguồn nước tại hồ chứa, đập dâng để có kế hoạch điều hòa, phân phối, sử dụng nước phù hợp. Đồng thời, chủ động sử dụng nguồn nước từ các hồ có dung tích lớn để điều tiết nước về các công trình không đảm bảo, tổ chức nạo vét cửa vào cống lấy nước đầu mối, ngưỡng tràn; khi cần thiết có thể áp dụng giải pháp sử dụng dung tích chết của hồ chứa để bơm nước từ hồ vào cống lấy nước chống hạn hoặc sử dụng nguồn nước ở các khe suối để bơm tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra kênh mương, kịp thời xử lý các hư hỏng tránh gây thất thoát nguồn nước; vận động người dân nạo vét kênh nội đồng và tham gia điều tiết nước mặt ruộng theo lịch tưới tập trung từng khu vực, sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo đủ nước tưới đến cuối vụ.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các huyện, thành phố, nếu tình hình nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài, dự kiến toàn tỉnh vẫn có khoảng 1.637,65 ha cây trồng có khả năng bị hạn vào cuối vụ Đông Xuân. Trong đó, diện tích lúa nước và hoa màu là 652,65 ha, cây công nghiệp khoảng 985 ha.
Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp điều tiết nước tưới, chống hạn cho cây trồng.
Chẳng hạn tại huyện Đăk Hà, theo khảo sát của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn huyện dự tính có khoảng 505ha cây trồng có nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ, chủ yếu là diện tích cà phê với khoảng 460ha. Đây là diện tích thuộc khu vực tưới hồ Cà Sâm; cuối kênh chính Bắc hồ Đăk Uy và một số công trình thủy lợi nhỏ.
|
Vào thời điểm này, huyện Đăk Hà đang tập trung thực hiện các giải pháp tiết kiệm nguồn nước, điều tiết nước tưới phù hợp với tình hình sản xuất.
Theo đó, Trạm Thủy nông Đăk Hà áp dụng tưới luân phiên để tiết kiệm nước tại các công trình đầu mối như đập Mùa Xuân, hồ Đăk Lót, Đăk Trít, Cà Sâm ngay trước khi hạn xảy ra. Quản lý chặt chẽ các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ, lãng phí nước; thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu mối sau, khu cao tưới trước khu trũng tưới sau; khơi thông kênh mương, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng để chống thất thoát nước. Các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân về tầm quan trọng trong việc tiết kiệm nguồn nước tưới; chủ động áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm; thay đổi cây trồng để né hạn.
Ông Trần Quang Nhạn (thôn 5, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Nhà tôi có hơn 2ha cà phê, hiện nay chuẩn bị tưới nước đợt 3. Để tiết kiệm nước và nhân công, tôi sử dụng hệ thống béc tưới tự động; nước phun từ trên cao xuống, tỏa đều trên bề mặt lá, thân cây giúp giữ ẩm tốt hơn và rửa trôi nhiều mầm bệnh. Tôi còn trồng thêm một số loại cây như sầu riêng, bơ để chắn gió, che nắng, làm tăng độ ẩm cho vườn cà phê.
Tỉnh ta đang trong cao điểm của mùa khô, nắng nóng, khô hạn còn kéo dài, hàng nghìn héc ta cây trồng vẫn cần nước tưới. Vì vậy, việc chủ động thực hiện các giải pháp chống hạn từ sớm, từ xa của ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương và người dân giúp hoạt động sản xuất thuận lợi hơn, hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.
Thiên Hương