Chăn nuôi an toàn sinh học: “Cái khó bó cái khôn”
Những năm gần đây, phương thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có những bước dịch chuyển tích cực từ quy mô nhỏ, hộ gia đình, tự cung tự cấp sang chăn nuôi quy mô trang trại; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi.
Hiện tại, toàn tỉnh có 139 cơ sở, hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, trong đó có 36 cơ sở chăn nuôi gia cầm; 101 cơ sở, trang trại chăn nuôi heo; 1 trang trại chăn nuôi dê quy mô lớn; 1 trang trại chăn nuôi bò quy mô vừa. Có 34 liên kết trong hoạt động chăn nuôi gồm 22 liên kết trong chăn nuôi heo; 9 liên kết trong chăn nuôi gia cầm, 2 liên kết thức ăn, 1 liên kết thủy sản.
Ông Đoàn Bá Quyết- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chăn nuôi công nghiệp có bước chuyển biến, nhưng phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học thì còn khá khiêm tốn. Trong số 139 cơ sở, hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại thì cũng chỉ có 15 cơ sở chăn nuôi heo, gà đủ tiêu chuẩn (trong đó có 13 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và 2 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm quy mô vừa). Cụ thể, 3 trang trại chăn nuôi heo của tư nhân đã được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh gồm trại heo Lân Vương (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum), trại heo Sao Mai (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum), trại heo của bà Phạm Thị Tuyến (ở xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy); 12 trang trại chăn nuôi heo và gia cầm gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP và tập đoàn Ma Vin.
|
Hiện tại, phương thức chăn nuôi chủ yếu của nông dân trên địa bàn tỉnh ta vẫn là nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và chủ yếu tận dụng thức ăn thừa của gia đình. Tuy thời gian gần đây, một số hộ nông dân đã chú ý đến việc mở rộng chuồng trại, song hầu như các hộ này mới chỉ dừng lại ở việc tăng về số lượng đàn. Người dân chưa áp dụng triệt để các tiêu chuẩn và chưa thực sự nghiêm túc trong quá trình thực hiện, như còn lơ là về việc bố trí khu vực nuôi cách ly con giống, yêu cầu về cự ly với chuồng trại chính, phối trộn thức ăn không đúng tỉ lệ... Vì thế, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dễ xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân; sản phẩm thịt động vật còn tồn đọng kháng sinh, chất cấm vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo các nhà nghiên cứu và chuyên môn đánh giá, chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học là hướng đi khắc phục được nhiều hạn chế của phát triển chăn nuôi theo bề rộng, với nhiều ưu điểm như quản lý, kiểm soát được nguồn đầu vào có nguy cơ mang mầm bệnh, chất thải được xử lý triệt để nên hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, hình thức chăn nuôi này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và chưa thể nhân rộng. Nhiều nguyên nhân khiến “cái khó bó cái khôn”, đó là nguồn vốn đầu tư ban đầu cần khá lớn để xây dựng chuồng trại, hầm biogas xử lý chất thải; chi phí sản xuất cao…
Trong khi, thực tế trên địa bàn tỉnh ta chưa có hệ thống cơ sở chế biến sâu về sản phẩm chăn nuôi; sản xuất chăn nuôi chưa gắn với giết mổ, chế biến mà chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi sống nên giá cả bấp bênh, tiêu thụ không ổn định. Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện tại cũng không có điều kiện để xác định sản phẩm sạch và không sạch nên chưa có sự chênh lệch về giá bán làm cho người chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học băn khoăn và không mặn mà để thay đổi phương thức chăn nuôi. Thiên tai, dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao cũng làm người chăn nuôi phải đắn đo khi chuyển sang chăn nuôi an toàn.
|
Một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới, đó là một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi chưa chịu thay đổi “nếp nghĩ cách làm” mà vẫn duy trì thói quen chăn nuôi theo kinh nghiệm đã có, tùy tiện trong sản xuất; không tích cực tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật. Vì thế, khi bị “khép” vào những quy trình, quy định bắt buộc thì họ tỏ ra lúng túng, khó thích nghi.
“Chăn nuôi an toàn sinh học đang trở thành xu thế tích cực trong chăn nuôi, nhưng mở rộng hình thức chăn nuôi này lại không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều. Để làm được điều này, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, hỗ trợ kỹ thuật của ngành Nông nghiệp, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt về tín dụng ưu đãi giúp người dân triển khai mô hình, từng bước hình thành vùng chăn nuôi an toàn sinh học tập trung, qua đó, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường” – ông Đoàn Bá Quyết chia sẻ.
Thiên Hương