Chấn chỉnh “điệp khúc” điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án
Trước tình trạng xin điều chỉnh dự án, thời gian qua, UBND tỉnh đã liên tục ban hành các công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hạn chế điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như ngày 5/4/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn 938/UBND-KTTH chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hạn chế điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh; đến ngày 8/12/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn 4179/UBND-KTTH yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư khắc phục tình trạng trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhiều lần.
Có thể thấy tình trạng xin điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án do lỗi sơ sót từ việc chủ quan của các chủ đầu tư tồn tại nhiều năm nay. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư chủ quan, chưa kỹ càng, chưa sát với thực tế trong rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất quy mô đầu tư dự án dẫn đến phải trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm phát sinh thủ tục và kéo dài thời gian đầu tư thực hiện dự án.
|
Bên cạnh đó, do công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, báo cáo giám sát đánh giá đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, quản lý chất lượng công trình chưa được chú trọng, thiếu kiểm tra thực tế, dẫn đến nhiều công trình phải điều chỉnh dự án, thiết kế và dự toán xây dựng.
Việc xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhiều lần liên quan đến thay đổi các nội dung chi tiết của dự án như quy mô đầu tư dự án, cơ cấu nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, địa điểm thực hiện…dẫn đến kéo dài thời gian đầu tư thực hiện dự án, đội vốn, chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Qua thực tế cho thấy, việc các dự án phải kéo dài thời gian đầu tư, chậm tiến độ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, gây lãng phí nguồn lực cho ngân sách nhà nước và sự bức xúc trong nhân dân. Lấy ví dụ từ một dự án giao thông, vì khảo sát, đánh giá hiện trạng chưa kỹ càng dẫn đến khó khả thi trong triển khai thực hiện buộc chủ đầu tư phải xin điều chỉnh dự án. Chính điều này dẫn đến việc triển khai dự án kéo dài, thi công ì ạch, người dân sinh sống ở khu vực có tuyến đường phải chịu cảnh khổ sở vì mọi việc dang dở, sinh hoạt, buôn bán hay muốn xây dựng, sửa chữa nhà cửa đều hết sức khó khăn.
Bức xúc trước tình trạng này nhiều người dân thắc mắc là tại sao chủ đầu tư, các ngành chức năng lại không làm tốt các giai đoạn từ lập dự án, thẩm định, giám sát, đấu thầu, để phải điều chỉnh dự án nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Với những trường hợp này, cần phải có biện pháp xử lý quyết liệt, quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để tránh tình trạng không chỉ xin điều chỉnh một lần mà là nhiều lần, không chỉ một dự án mà nhiều dự án.
Không chỉ chậm trễ, kéo dài thời gian đầu tư, việc các chủ đầu tư xin điều chỉnh dự án nhiều lần kèm theo đó là điều chỉnh vốn, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công. Có thể thấy, đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tạo việc làm cho người dân. Việc xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhiều lần dẫn đến chậm tiến độ sẽ dẫn đến đội vốn dự án, làm lãng phí tiền của, nhân lực, thâm hụt ngân sách. Nhiều năm qua, việc giải ngân vốn đầu tư công luôn gặp những khó khăn.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh liên tục có các công văn chấn chỉnh và đặc biệt là không xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án do lỗi chủ quan của chủ đầu tư. Từ chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng cần phải tăng cường rà soát, hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc lập các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư dự án; chấn chỉnh công tác thẩm định chủ trương đầu tư các dự án theo đúng quy định, hạn chế thấp nhất việc phải trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương các dự án. Các sở ngành cũng cần kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn về thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế nhằm đảm bảo tính mỹ quan về kiến trúc, các tiêu chuẩn, kết cấu công trình, vật liệu xây dựng... phù hợp với từng loại công trình và điều kiện của địa phương, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm, chấn chỉnh đối với các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn (quản lý dự án, thiết kế, thẩm tra, giám sát), nhà thầu thi công xây dựng công trình nếu để xảy ra các trường hợp như: phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế, bổ sung hạng mục, thi công chất lượng công trình không đảm bảo theo quy định, không để kéo dài thời gian triển khai dự án, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân…
Hà Nam