“Bước chạy đà” tích cực
Những số liệu của tháng 1 từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy “con tàu kinh tế” năm 2025 đã có được “bước chạy đà” tích cực, với các tín hiệu lạc quan ở hầu hết lĩnh vực sản xuất.
Nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét. Ngành Nông nghiệp đã đưa ra các kế hoạch và giải pháp hiệu quả trong sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025, như gieo sạ đúng lịch thời vụ; chọn giống tốt có chất lượng và năng suất cao phù hợp với từng địa phương.
Ước đến ngày 20/1, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2024-2025 đạt 7.031ha, tăng 555,5ha so với cùng kỳ năm 2024.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định. Các cơ quan chuyên môn quan tâm, khẩn trương thực hiện tốt phương án phòng, chống dịch bệnh ở động vật; duy trì giám sát, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh. Đồng thời tăng cường kiểm dịch, kiểm soát hoạt động giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
|
Đến hết tháng 1/2025, tổng đàn trâu là 25.064 con, tăng 3,91% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò 98.900 con, tăng 15,96% (13.611 con); tổng đàn gia cầm 2.114.200 con, tăng 4,9% (98.720 con).
Ở nhóm ngành công nghiệp, các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng, dù đây là tháng nghỉ Tết Nguyên đán. Một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao, như ngành chế biến gỗ, sản xuất các sản phẩm từ cao su. Từ đó góp phần đưa chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2025 tăng khoảng 4,02% so với tháng 1/2024.
Tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2024 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn. Nguồn vốn theo kế hoạch năm 2025 đang được các đơn vị triển khai các khâu chuẩn bị thực hiện dự án.
Về cải thiện môi trường đầu tư; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, trong tháng (tính đến ngày 20/1), có 19 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn điều lệ là 133 tỷ đồng, 35 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và dịch vụ. So với tháng 1/2024, CPI tháng 1/2025 tăng 5,37%. Đây là mức tăng được đánh giá là phù hợp, khi nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán dồi dào, song giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định.
Ngành du lịch góp phần tô sáng “bức tranh” kinh tế tháng 1/2025, với tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch ước đạt 358,99 tỷ đồng, tăng 21,84% so với tháng 1/2024. Đáng ghi nhận là, chỉ trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ (từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 4 Giêng năm Ất Tỵ), Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch; doanh thu đạt hơn 71 tỷ đồng
|
Những số liệu trên cho thấy, “con tàu kinh tế” năm 2025 đã có được “bước chạy đà” tích cực. Đây là kết quả từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân.
Bên cạnh đó, thể chế chính sách và môi trường kinh doanh đang được hoàn thiện và đồng bộ. Cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác ngày càng tăng.
Quá trình chuyển đổi số và công nghệ đang được triển khai mạnh mẽ cả trong các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp, tổ chức, từ đó tạo động lực mới cho phát triển.
Năm 2025 được xác định là năm bứt phá, về đích. Tại Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 2/12/2024 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 9/12/2024 của HĐND tỉnh đã xác định rõ các chỉ tiêu kinh tế năm 2025, nhất là tăng trưởng kinh tế đạt từ 10% trở lên (phấn đấu đạt 19,79%).
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, các ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng chương trình kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp, bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2025. Đồng thời, tích cực triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, xác định rõ đây là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Tiếp tục trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp nhận, nắm bắt những vấn đề, vướng mắc trong hoạt động sản xuất – kinh doanh để kịp thời tháo gỡ.
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý. Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư chất lượng cao. Triển khai thực hiện mạnh mẽ quy hoạch tỉnh, vùng, ngành, tạo động lực, năng lực mới cho phát triển kinh tế năm 2025.
Thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân. Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, dự án công nghệ cao.
Thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có sản phẩm đặc thù, lợi thế. Nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch nội địa để thu hút khách du lịch.
Hồng Lam