Để trồng cà phê chè hiệu quả
Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, năm nay, tỉnh có kế hoạch hỗ trợ 1.500 hộ dân các xã vùng Đông Trường Sơn ở huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông trồng 370ha cà phê chè. Để trồng cà phê chè có hiệu quả, bà con cần nằm vững kỹ thuật trồng mới và chăm sóc.
Để trồng cà phê chè hiệu quả, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bà con nên chọn đất có tầng canh tác sâu trên 70cm, mực nước ngầm sâu trên 100cm; đất tơi xốp, dễ thoát nước. Đối với vùng đất bằng phẳng hoặc độ dốc nhỏ, bà con bố trí hàng đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại chăm sóc, thu hái. Đối với đất dốc trên 8%, bà con bố trí hàng theo đường đồng mức. Đất đưa vào trồng, bà con phải chuẩn bị từ tháng 4 - 5 dương lịch, trước thời vụ trồng mới từ 2 - 3 tháng.
Trước khi trồng, bà con tiến hành khai hoang, loại bỏ các cây bụị, dây leo, cỏ tranh. Nếu tái canh cà phê, bà con phải có thời gian luân canh cải tạo ít nhất 1 năm. Hố trồng, bà con đào có chiều dài 40cm, rộng 40cm và sâu 50cm. Khi đào hố, lớp đất mặt để ở phía trên (taluy dương), lớp đất dưới để phía dưới (taluy âm). Việc trộn phân bón lót và lấp hố phải thực hiện xong trước khi trồng 15 ngày. Trồng cà phê vào đầu mùa mưa, khi đất có đủ độ ẩm (từ 15/6 đến 15/8 dương lịch). Mật độ trồng cà phê chè: 2m x 1m (hàng cách hàng 2m và cây cách cây 1m) - 5.000 cây/ha.
Cây giống đưa vào trồng có 5 - 7 cặp lá. Cây cao 25 - 30cm, thân mọc thẳng đứng, lá màu xanh đậm, đường kính gốc thân 2 - 3mm. Cây được đưa ra ánh sáng hoàn toàn khoảng 10 - 15 ngày trước khi trồng.
Khi trồng phải trộn đất và phân trong hố 1 lần nữa, sau đó cuốc một hố nhỏ sâu 25 - 30cm, rộng 15 - 20cm ở chính giữa hố. Dùng dao sắc cắt ngang đáy bầu 1,5 - 2cm để loại bỏ phần rễ chuột cuộn ở đáy. Đặt bầu cây chính giữa hố, rạch túi bầu ni lông từ dưới lên. Sau đó, bà con đưa đất từ từ vào hố và dùng tay chèn chặt xung quanh thành bầu cây, đưa túi ni lông ra ngoài và lấp đầy đất ngang mặt bầu. Tiếp đến, dùng chân dẫm nhẹ xung quanh cách gốc cây 10 - 15cm cho chặt, chú ý không được làm bể bầu.
Cây che bóng, bà con có thể trồng 1 trong các loại cây sau: cây muồng đen (khoảng cách trồng 20x20m/cây); cây keo giậu, muồng lá nhọn (khoảng cách trồng 10x10m/cây); bời lời đỏ (khoảng cách trồng 7x7 m/cây). Kích thước hố cây che bóng (30x30x40cm). Vị trí trồng cây che bóng là ở trên hàng, giữa hai cây cà phê. Cây chắn gió trồng ngoài cùng vườn cà phê, khoảng cách cây từ 2 – 3m/cây (cũng trồng cùng thời điểm với trồng cà phê).
Sau khi trồng cà phê khoảng 20 ngày, bà con kiểm tra vườn cây để phát hiện cây bị chết và tiến hành trồng dặm nhằm đảm bảo cho vườn cây đạt tỷ lệ sống cao ngay từ năm đầu.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, lượng phân bón cho 1ha cà phê chè trong năm đầu trồng mới: 1 tấn vôi, 25-30 tấn hữu cơ, 200kg urê, 1 tấn lân, 150kg kali. Cụ thể: lần thứ nhất bón lót (tháng 4-5) 1 tấn vôi, 25-30 tấn hữu cơ; lần thứ hai (tháng 6-7) bón 60kg urê, 1 tấn lân, 40kg kali; lần thứ ba (tháng 8-9) bón 70kg urê, 55kg kali; lần thứ tư (tháng 10-11) bón 70kg urê, 55kg kali.
Trước khi bón thúc phân cho cà phê, bà con cần làm sạch cỏ, đánh rạch xung quanh tán lá, đào rãnh theo mép tán rộng 15-20cm, sâu 20-25cm. Trộn các loại phân với nhau rải đều theo vạch đã tạo quanh tán lá và lấp lại bằng lớp đất mặt để tránh bốc hơi hoặc phân bị rửa trôi khi mưa.
Vào mùa khô, bà con dùng các nguyên liệu như rơm, rạ, cỏ khô, cây phân xanh, cây ngô, thân cây họ đậu để tủ gốc cho cây cà phê (tủ xung quanh gốc, nhưng nếu có đủ nguyên liệu thì tủ theo băng hay che phủ cả bề mặt đất rồi dùng đất đè lên thảm phủ để chống gió làm bay nguyên liệu).
Việc bón phân chăm sóc cà phê đi đôi với việc tạo bồn bằng cách lấy đất quanh gốc đắp thành bờ ở phía ngoài mép tán lá, nén chặt thành bờ. Chỗ lấy đất không được sâu quá 15cm và được lấp đầy dần bằng cỏ, các tàn dư thực vật và đất phía trong gốc tự trôi xuống. Bồn được mở rộng theo tán lá hàng năm cho đến khi đạt kích thước 1 - 1,5m, thành bồn cao khoảng 10 - 15cm. Việc tạo bồn cho cà phê được tiến hành vào đầu mùa mưa và phải tránh làm tổn thương bộ rễ cà phê.
Đào Nguyên