Để việc nuôi trâu đem lại hiệu quả
Ở tỉnh ta, mặc dù số lượng đàn trâu không nhiều bằng đàn bò, nhưng đối với các xã vùng Đông Trường Sơn ở các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông có khí hậu lạnh, việc phát triển chăn nuôi trâu thường thuận lợi hơn bò. Bên cạnh đó, nuôi trâu có giá trị kinh tế cao hơn nuôi bò, dễ giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để việc nuôi trâu hiệu quả, bà con nuôi trâu cần nắm vững kỹ thuật chăn nuôi.
Trước hết, về khâu chọn giống, nếu chọn trâu cày kéo, bà con chọn trâu vạm vỡ, chân cao (bốn chân chắc khoẻ), đầu to vừa phải và hơi dài. Mặt trâu gân guốc, cổ mập và ngắn. Tai trâu rộng (tai lá mít), mắt ốc nhồi, hàm răng trắng đều. U vai trâu phát triển mạnh, ngực và vai nở nang, bụng tròn phát triển cân đối. Bên cạnh ngoại hình như trên, bà con cần chọn những con trâu hiền lành, dễ điều khiển và có khả năng làm việc tốt.
|
Đối với việc chọn trâu nuôi lấy thịt, bà con cần dựa vào ngoại hình, khả năng tận nguồn dụng thức ăn và khả năng tăng trọng. Đối với việc chọn trâu nuôi sinh sản, bà con chọn những con cái do con mẹ và con bố giống tốt đẻ ra. Trâu cái phải có thân hình cân đối, bốn chân chắc khoẻ, vú đều, mông nở. Trâu cái hiền lành, có chu kỳ động dục rõ ràng, trâu sinh sản tốt là trâu 3 năm đẻ 2 lứa. Khi chọn trâu đực phối giống, cần chọn những con có đời bố mẹ, ông bà tốt.
Về làm chuồng trâu, bà con không làm chuồng trâu dưới gầm nhà sàn; phải làm chuồng nơi cao ráo, tránh hướng gió. Chuồng làm theo hướng đông nam hoặc nam là tốt nhất, đảm bảo ấm đông, mát hè. Nguyên vật liệu có thể sử dụng các loại tranh, tre, nứa, lá, gỗ hoặc xây bằng gạch... Diện tích chuồng trâu trưởng thành từ 7 - 8 m2/con; trâu nghé từ 3 - 6 m2/con.
Nền chuồng cao hơn mặt đất khoảng 20 - 30cm, mặt nền chuồng bằng xi măng, lát gạch hoặc nền đất nén chặt. Nền chuồng tạo độ nhám để tránh trơn trượt, nhưng phẳng, không đọng nước, độ dốc 2-3%. Mái chuồng, bà con nên làm mái cao, dốc để hạn chế ảnh hưởng của mưa, bão. Máng ăn, máng uống đặt cố định ở phía trước, dọc theo chuồng nuôi, lòng máng nhẵn, trong lòng máng có lỗ thoát nước khi rửa máng. Hố chứa phân và nước thải đặt ở phía sau hoặc cạnh chuồng, ở cuối hướng gió, có nắp đậy.
Thức ăn của trâu là các loại cây cỏ xanh (thức ăn thô xanh), cây cỏ rơm khô (thức ăn thô khô); các loại phụ phẩm nông nghiệp (cám gạo, cám bắp, rỉ mật và bột cá). Việc nuôi trâu, bà con luân phiên thả trâu trên đồng cỏ. Đối với trâu có chửa và đẻ, bà con không nên chăn xa, cần được bồi dưỡng thêm bằng các loại cỏ trồng. Hiện nay, có các giống cỏ trồng làm thức ăn tốt cho trâu nuôi như cỏ voi, cỏ sả. Bên cạnh đó, hàng năm khi đến mùa thu hoạch lúa, bà con nên lấy thân lúa phơi khô để dành cho trâu ăn.
Trâu cũng như bò là loại gia súc đơn thai. Tuổi động dục lần đầu khoảng 2 - 2,5 năm. Ở trâu việc động dục có chu kỳ không ổn định, có chu kỳ 5 - 7 ngày, có chu kỳ 31- 60 ngày và cũng có chu kỳ 60 - 90 ngày... Biểu hiện động dục ở trâu là thường bỏ ăn, kêu la, hay đái vặt, nhảy lên lưng con khác, nhưng con khác nhảy lên thì không chịu, âm hộ sưng, có dịch trong suốt chảy ra (giai đoạn này kéo dài 24 giờ). Tiếp đến là giai đoạn dịch từ âm hộ chảy ra có màu trắng đục và độ kết dính cao, chịu cho con khác nhảy lên (thời gian này kéo dài 12 - 45 giờ) đây là thời điểm phối giống thích hợp nhất. Thời gian mang thai của trâu 315 – 335 ngày, trung bình 330 ngày (11 tháng) và động dục trở lại sau đẻ khoảng 2 - 3 tháng.
Trong việc nuôi trâu, bà con phải thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống, phân, nước tiểu. Khi dọn phân rác trong chuồng nên gom vào hố ủ và ủ với vôi bột để dùng làm phân bón cho cây trồng. Để đề phòng chướng hơi dạ cỏ do ăn thức ăn non, nhiều nước, vào những ngày mưa phùn, bà con nên cho trâu ăn rơm rạ trước khi chăn thả. Trâu cũng hay bị bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Để phòng bệnh, bà con nên cho trâu tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng theo hướng dẫn của thú y cơ sở.
Văn Nhiên