Hiệu quả triển khai mô hình trồng tái canh cà phê vối
Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người trồng cà phê, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) triển khai mô hình “Trồng tái canh cà phê vối” trên diện tích 5ha với sự tham gia của 13 hộ dân.
Ông Nguyễn Tấn Lực - cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, ngày càng có nhiều diện tích cà phê cho quả đến thời kỳ già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất và chất lượng quả thấp. Vì vậy, tái canh cà phê là giải pháp đặt ra hiện nay.
Được triển khai thực hiện từ tháng 4-12/2019, từ nguồn sự nghiệp khuyến nông năm 2019, mô hình “Trồng tái canh cà phê vối” hỗ trợ 5.025 cây giống cà phê vối TRS1, 415 cây giống trồng dặm, 345 cây che bóng (sầu riêng, bơ) và 50% kinh phí mua vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho 13 hộ dân thuộc các thôn Klâu Ngol Zố, Plei Lay, Plei Druân, Nghĩa An và Plei Sar của xã Ia Chim.
Là một trong các hộ dân tham gia mô hình, anh A Thin - thôn Klâu Ngol Zố phấn khởi chia sẻ: Tham gia mô hình, ngoài được hỗ trợ cây giống và phân bón, bản thân còn có thêm kiến thức và kinh nghiệm khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật tái canh cà phê vối do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Trong quá trình trồng và chăm sóc diện tích cà phê tái canh, tôi còn được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Hội Nông dân xã đến hướng dẫn tận tình và thường xuyên. Nhờ vậy, sau hơn 3 tháng từ khi trồng, diện tích 0,3ha tái canh cà phê vối của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt.
|
Ông Lê Thế Trình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Chim cho biết, thực hiện mô hình “Trồng tái canh cà phê vối”, Hội Nông dân xã tổ chức bình xét và chọn 13 hộ dân đáp ứng đầy đủ các điều kiện về diện tích đất và nguồn nước để trồng tái canh cây cà phê vối ở 5/11 thôn của xã. Hầu hết các hộ tham gia chương trình đều thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn kỹ thuật. Sau thời gian triển khai trồng và chăm sóc, hiện tại, cây cà phê sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống sau trồng dặm đạt trên 96%.
Từ khi triển khai mô hình đã có nhiều hộ nông dân đến các hộ này để tham quan, học hỏi kinh nghiệm tái canh cà phê vối. Trong số 13 hộ dân tham gia mô hình, có 12 hộ là đồng bào DTTS. Do vậy, mô hình không chỉ giúp bà con vùng khó khăn nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp mà về lâu dài còn giúp kỹ thuật tái canh cà phê vối được phổ biến và nhân rộng khắp địa bàn xã Ia Chim, nhất là các hộ đồng bào DTTS tại chỗ.
Ông Nguyễn Tấn Lực cho hay, về kỹ thuật tái canh cà phê vối, bà con cần lưu ý một số điểm sau, không tái canh trên những diện tích cà phê bị nhiễm bệnh vàng lá nặng, thối rễ do tuyến trùng và nấm trong đất gây hại nặng; đối với trường hợp này cần chuyển đổi sang cây trồng khác.
Làm đất ngay sau khi kết thúc mùa mưa, trong quá trình cày đất phải thu gom, nhặt rễ cây cũ thật kỹ sau đó đem đốt để tiêu huỷ nguồn bệnh.
Quá trình làm đất, cày, trộn vôi, phơi đất phải thực hiện ít nhất trong 2 tháng trước khi đào hố trồng.
|
Đào hố với khoảng cách 3x3m, kích thước 80x80x80cm. Bón lót theo lượng: 18 kg phân chuồng + 1 kg vôi + 0,5 kg lân nung chảy/hố. Nếu không có đủ phân chuồng, bón theo lượng: 10 kg phân chuồng + 3 kg phân hữu cơ vi sinh hoặc hữu cơ sinh học + 1 kg vôi + 0,5 kg lân nung chảy/hố.
Khi trồng bà con nhớ xé bầu cẩn thận, tránh làm vỡ bầu đất, đặt bầu vào hố, để cho mặt bầu thấp hơn mặt đất 10 - 15 cm (trồng âm), lấp đất và nén chặt đất xung quanh bầu.
Đối với cây che bóng trồng với khoảng cách 12x12m, 2 - 3 hàng cà phê trồng 1 hàng cây chắn gió và trồng cây xen giữa 2 hàng cà phê.
Quá trình chăm sóc, bón phân, phương pháp tưới nước, tạo hình cắt tỉa cành phải thực hiện đúng theo kỹ thuật. Bà con cũng cần chú ý nắm vững các triệu chứng và cách phòng trừ sâu bệnh hay gặp.
Nên thu hoạch cà phê sau 24 tháng trồng tái canh. Quá trình thu hái, loại bỏ tạp chất, đóng bao, cách vận chuyển, lưu trữ và bảo quản cà phê cũng phải thực hiện cẩn thận và đúng phương pháp để đạt chất lượng cao nhất.
Đức Thành