Bảo vệ gia súc trong mùa giá rét
Do các đợt không khí lạnh kéo dài và tập quán chăn nuôi của người dân còn lạc hậu, trong thời gian gần đây, trâu bò ở vùng Đông Trường Sơn bị chết rét. Bảo vệ đàn gia súc không bị chết rét là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm hiện nay.
Hàng năm cứ bước vào vụ đông xuân, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đàn gia súc của người dân ở các địa phương vùng Đông Trường Sơn ở huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông thường bị chết do mưa rét.
Theo ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù ngay từ đầu tháng 11/2016 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo các trạm thú y và đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho gia súc, nhưng tình trạng gia súc ở các xã vùng Đông Trường Sơn bị chết rét vẫn xảy ra.
|
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ khoảng trung tuần tháng 12/2016 đến ngày 9/1/2017, các xã Đăk Blô, Đăk Choong, Ngọc Linh, Mường Hoong (Đăk Glei), Ngọc Lây, Ngọc Yêu (Tu Mơ Rông), Măng Cành, Pờ Ê, Đăk Long, Hiếu, Đăk Ring, Ngọc Tem (Kon Plông) có trên 160 con trâu, bò bị chết rét.
Qua đánh giá từ các huyện trên gửi về, phần lớn các gia súc bị chết rét là con bị già yếu, nghé, bê không đủ sức chống chịu với mưa, rét. Tuy nhiên, dù nguyên nhân gì, thì đây cũng là tổn thất cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến sự phát triển đàn gia súc và việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.
Theo ông Phạm Ngọc Hiếu- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để bảo vệ đàn gia súc, hạn chế thấp nhất tình trạng gia súc bị chết rét, trước, trong và sau tết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh yêu cầu trạm thú y các huyện thông tin kịp thời về tình hình thời tiết và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc. Các trạm thú y phối hợp với chính quyền cơ sở và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê và phân loại số lượng gia súc, gia cầm chết do các nguyên nhân dịch bệnh, đói, rét...; đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho gia súc ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hiếu cũng cho biết đơn vị chỉ đạo các trạm thú y tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Công văn số 1657/SNN-KH ngày 7/11/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm và văn bản hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tại Công văn số 189/CCCNTY-QLG ngày 18/11/2016 về việc phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm.
|
Trong việc thực hiện các biện pháp chuyên môn chống rét cho gia súc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ đạo các trạm thú y tham mưu UBND các huyện, thành phố tiếp tục vận động nhân dân xây dựng, gia cố chuồng trại cho gia súc đảm bảo yêu cầu che mưa nắng, che chắn gió lùa, giữ ấm cho gia súc khi mưa, rét. Các chuồng nhốt gia súc bảo đảm nền chuồng khô ráo, trong chuồng phải có máng ăn, máng uống, hố xử lý phân.
Ở những nơi người dân có thói quen chăn thả gia súc trong rừng, vào những thời điểm mưa rét kéo dài, các cấp chính quyền, cán bộ thú y và các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân đưa gia súc thả rông trong rừng về chuồng trại để thuận tiện theo dõi và chăm sóc.
Mùa rét còn dài và khó lường. Thực hiện tốt các biện pháp giữ ấm và bảo đảm cho gia súc không bị đói sẽ hạn chế thấp nhất gia súc bị chết vì rét lạnh.
Đào Nguyên