Xóm lưới
Nằm trong lòng phố thị Kon Tum, giữa những ngôi nhà cao tầng san sát ở đường Trần Hưng Đạo, “xóm lưới” vẫn giữ được nếp sống bình dị, mộc mạc với nghề đan chài, lưới hơn 60 năm nay, kể từ khi một số cư dân từ Bình Định đến đây lập nghiệp, dựng nghề. Bây giờ, tuy nghề không mang lại thu nhập khá nhưng để không mai một, một số gia đình ở “xóm lưới” vẫn cố giữ nghề truyền thống…
“Cha truyền con nối”
Theo lời kể của những người dân “xóm lưới”, làng nghề truyền thống đan chài, lưới này có từ những năm 40 của thế kỷ trước. “Xóm lưới” ngày đó là một xóm nghèo do những cư dân là người Bình Định lên đây lập nghiệp và làm nghề đánh bắt cá mưu sinh. Để phục vụ nghề, nhà nhà trong xóm tự tay đan chài, lưới. Sau này, do nhu cầu của bà con nhân dân nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là bà con vùng ĐBDTTS nên nghề đan chài, lưới ở “xóm lưới” trở nên hưng thịnh – không chỉ phục vụ nhu cầu đánh bắt cá trong gia đình mà còn cung cấp ra thị trường và trở thành nghề mang lại thu nhập chính của cư dân nơi đây. Hết đời cha rồi đến đời con, cứ thế tiếp nối và tên gọi “xóm lưới” có từ đó.
Chị Huỳnh Thị Phụng (49 tuổi) – một cư dân ở “xóm lưới” cho biết gia đình chị bao thế hệ trước đó đều làm nghề đan chài, lưới và đến đời của chị bây giờ vẫn duy trì. Chị Phụng học nghề từ khi còn rất nhỏ. Sống giữa một xóm nghèo ngày trước, nhà nào cũng làm nghề đánh bắt cá nên những đứa trẻ con như chị ngày đó một buổi đi học về, một buổi còn lại ở nhà phụ gia đình đan lưới, đan chài. “Riết rồi học được nghề, làm nghề thành thạo lúc nào không biết. Rồi lớn lên lập gia đình ra riêng, cơ ngơi tạo nghiệp cũng gắn với nghề này” – chị Phụng chia sẻ.
|
Cách đây chục năm trở về trước, gần như nhà nào ở “xóm lưới” cũng sinh sống bằng nghề đan chài, lưới; còn bây giờ nghề kiếm không được nhiều tiền, lại bỏ nhiều công sức nên dần dần nhiều nhà đã chuyển nghề. Theo chị Phụng, nghề đan chài, lưới không thể mang lại sự giàu có, sung túc như những nghề khác và vì không đảm bảo cuộc sống nên đã có nhiều gia đình phải chuyển nghề… Riêng với bản thân chị Phụng, một phần vì cũng đã lớn tuổi khó thể chuyển đổi ngành nghề, quan trọng hơn vì muốn giữ lại cái nghề truyền thống mà ông, cha truyền dạy nên chị vẫn quyết trụ lại với nghề. Và căn nhà cũng chính là cửa hàng buôn bán chài, lưới thủ công của chị Phụng nằm trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (TDP1, phường Thắng Lợi) hiện giờ là một trong số ít gia đình còn giữ lại nghề truyền thống ở “xóm lưới”.
Nỗ lực giữ nghề
Ông Trần Quang Minh (66 tuổi) bây giờ là người lớn tuổi nhất còn làm nghề đan chài, lưới ở “xóm lưới”. Gần 20 năm nay, kể từ ngày giã từ nghề đánh bắt cá – vì sức khỏe suy giảm – ông Minh đã ngồi ở nhà đan chài, lưới bán.
Ông Minh cho biết, nghề đan lưới bây giờ không cực nhọc, vất vả như trước đây vì đã có máy móc hỗ trợ, nguyên liệu cũng thuận tiện hơn nhiều. Nếu như trước đây, muốn đan một tay lưới, phải đi tìm kiếm tơ tằm, gai sợi, rồi mua chì về nấu đổ ra khuôn…; bây giờ nguyên vật liệu đã được thay thế bằng cước, dây ni lông, chì cũng đã được đúc sẵn với đủ kích cỡ chỉ việc mua về cắt ra là được. Việc đan lưới cũng đã có máy móc hỗ trợ. Tấm lưới làm xong, chỉ cần thắt phao, kẹp chì là xong. Tuy nhiên, theo ông Minh, nếu người không kiên trì, tỉ mỉ thì cũng rất khó để thực hiện những công đoạn này. Riêng với việc đan chài thì vẫn còn phải thủ công hoàn toàn vì chưa có máy móc hỗ trợ nên mất rất nhiều thời gian, công sức, vì vậy mà thành phẩm bán ra chỉ có thể lấy công làm lời.
|
Ông Minh dẫn chứng, tấm chài lớn nhất mà ông thường đan bề rộng khoảng 14m ít nhất cũng phải mất 10 ngày công mới đan xong nhưng giá thành bán ra cao nhất cũng chỉ ở mức 550.000 đồng. Đã thế, không phải ngày nào cũng có khách hàng ghé mua, có ngày ông Minh bán được vài cái chài và vài ba tay lưới nhưng cũng có ngày không bán được gì vì theo ông, ngày nay cùng với việc sử dụng xung điện để rà cá và việc sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật nên lượng cá tại các sông, suối, ao, hồ cũng ít dần.
Điều trăn trở nhất với ông Minh và những người còn lưu giữ nghề truyền thống ở “xóm lưới” đó là một ngày gần đây nghề đan chài, lưới sẽ mai một. Ông Minh vừa kẹp chì vào tay lưới vừa nói vẻ tư lự: “Sợ mai một nghề truyền thống, nhiều lúc mong có một thanh niên nào đó đến xin học nghề - không cần học phí – tôi vẫn sẵn sàng truyền dạy nhưng mãi cũng chẳng thấy ai. Lớp trẻ bây giờ đều được học hành, đứa nghỉ học thì tìm kiếm những công việc có thể thu lại nhiều tiền hơn là việc phải bó chân một chỗ nhưng thu nhập chẳng là bao”.
Theo thống kê “xóm lưới” hiện nay chỉ còn khoảng hơn chục hộ gia đình gắn bó với nghề và trong số đó rất ít gia đình trẻ tuổi giữ nghề. Duy nhất bây giờ ở “xóm lưới” có cặp vợ chồng còn khá trẻ tuổi cùng tốt nghiệp đại học nhưng chưa xin được việc làm về chấp nhận “tiếp quản” cửa hàng buôn bán chài, lưới và dụng cụ đánh bắt cá của bố, mẹ là Vũ Hàn Lâm (1990) cùng vợ là Nguyễn Thị Thanh Tuyền (1990).
Vũ Hàn Lâm cho biết, lớn lên ở “xóm lưới” từ nhỏ, trong gia đình từ ông, bà cho đến bố, mẹ ai cũng đan chài, lưới nhưng vì xác định không theo nghề nên từ nhỏ Lâm đã không để ý đến việc học nghề và làm nghề. Ngay cả việc thắt phao, kẹp lưới Lâm cũng chịu, có làm được cũng không bằng mấy bác, mấy cô nên mọi món đồ buôn bán trong cửa hàng Lâm đều đặt hàng từ dì ruột của mình (cũng làm nghề đan chài lưới ở “xóm lưới”). Một số loại lưới dùng để may rớ, Lâm nhập về sau đó dùng máy (đầu tư hẳn một chiếc máy hỗ trợ) để may, các công đoạn thủ công gần như vợ chồng Lâm không đụng đến. Tuy không tự tay làm được những sản phẩm nghề truyền thống nhưng với vợ chồng Lâm-Tuyền, bây giờ không còn ý nghĩ xin vào làm việc cho một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà sẽ áp dụng ngành nghề mình đã học vào việc kinh doanh buôn bán chính những sản phẩm nghề truyền thống ở “xóm lưới” với ước mơ làm giàu.
Nhiều lúc ông Minh tự nhủ: “Cuộc sống cùng với gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền nên cũng chẳng thể trách ai. Thôi thì mình vẫn cứ phải nỗ lực duy trì nghề đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới thôi”. Cũng có lúc, ngồi bên nhà nhìn sang thấy đôi vợ chồng trẻ Lâm-Tuyền say mê với công việc, lúc rảnh còn tập tành thắt phao, kẹp chì vào những tay lưới ông cũng thấy vui phần nào .
Tú Quyên