Vui Tết Độc lập nơi “đầu sông đầu suối”
Không phải ngẫu nhiên mà người Thái, người Mường... trên vùng biên giới Ia H’Drai bốn mùa mây phủ lại gọi ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Tết Độc lập. Đối với họ, sự kiện trọng đại này được trông đợi nhất trong năm, bà con tổ chức đón tết thậm chí còn hơn cả Tết Nguyên đán...
1. Từ đầu tháng Tám, trong chuyến công tác về thôn 9, xã Ia Tơi, đã nghe già làng Trương Văn Thành “rủ rê”: Tết Độc lập năm nay, mời cháu lên chung vui với mọi người. Năm nay có chuyện vui lớn nên sẽ tổ chức ăn tết to đấy.
Chắc là già làng Thành đang nói đến chuyện thôn 9 đã có điện lưới quốc gia đây mà.
Đến cuối tháng Tám, anh Lê Văn Hào - Thôn trưởng thôn 3, xã Ia Đal giục giã qua điện thoại: Tết Độc lập này, nhà báo nhớ lên chơi, đón tết với bà con đi. Vui lắm nhé!
Nghe sao chộn rộn, náo nức lạ! Giống, mà không, còn hơn cả tâm trạng chờ mong từng ngày khi Tết đến xuân về.
|
Sẽ rất bất ngờ đối với những ai lần đầu tiên đặt chân đến nơi “đầu sông đầu suối” Ia H’Drai vào đúng dịp đón Quốc khánh 2/9, bởi họ sẽ được hòa vào không khí đón Tết Độc lập vô cùng đặc biệt ở đây. Từ Quốc lộ 14C chạy qua huyện, đến con đường tuần tra biên giới trải bê tông khúc khuỷu, hay những con đường đất chạy hun hút dưới tán cao su, mỗi khi đi qua khu dân cư nào đều được trang điểm bởi màu cờ Tổ quốc.
Và, có cái gì đó vừa hưng phấn nhẹ nhàng, vừa hồi hộp, vừa thân quen rung nhè nhẹ trong tâm hồn, nhất là những ngày cả vùng biên bắt đầu rục rịch đón Tết Độc lập.
Năm ngoái, lần đầu tiên đón Tết Độc lập ở Ia H’Drai, tôi đã được nghe Chủ tịch UBND xã Ia Đal - Ngụy Đình Phúc giới thiệu: Không phải ngẫu nhiên mà người Thái, người Mường trên vùng biên giới Ia H’Drai bốn mùa mây phủ lại gọi ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Tết Độc lập. Đối với họ, sự kiện trọng đại này được trông đợi nhất trong năm, mang ý nghĩa thiêng liêng lắm, như là kéo dài niềm vui từ các thế hệ trước về ngày đất nước ta, dân tộc ta trở thành đất nước độc lập, dân tộc ta bẻ gãy gông cùm nô lệ. Thế cho nên bà con tổ chức đón tết thậm chí còn hơn cả Tết Nguyên đán.
Hôm ấy, ở thôn 3, tôi cũng sà xuống bếp lửa hồng, được trao tận tay những miếng thịt nướng thơm phức, được chuyền nhau những bát rượu gạo sóng sánh được chưng cất theo đúng phương pháp truyền thống của người Thái, và cùng nghe kể chuyện người Thái đón Tết Độc lập.
Ông Lý Văn Sáu (người cao tuổi nhất thôn) chậm rãi kể, mắt ngước nhìn mái nhà như thói quen của bất cứ người già nào khi muốn lục lại ký ức: Còn nhớ trước đây, ở quê hương Quan Sơn, Thanh Hóa, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi khi đến ngày Tết Độc lập, bà con dân tộc Thái lại náo nức chuẩn bị để đón tết. Nhà nào cũng tạm gác việc đồng áng, nương rẫy lại để dọn dẹp nhà cửa đón Tết Độc lập. Nhà nhà rủ nhau đi nghiền bột về làm bánh nếp, đến nỗi phải xếp hàng dài.
Tại các khu chợ, lượng người mua - bán cũng đông hơn bởi bà con thường tranh thủ đi rừng lấy củi, hay bắt vài con gà, con vịt, hái buồng chuối trong vườn nhà đem ra chợ bán để lấy tiền mua sắm quần áo mới, dép mới cho con đi chơi tết. Không chỉ được mua sắm quần áo mới, dù khó khăn, các em vẫn được bố mẹ cho ít tiền dành dụm được để đi chơi, mua quà bánh...
Vào đúng ngày 2/9, ngay từ sáng sớm, dòng người từ khắp các bản làng đổ về trung tâm huyện chơi tết. Họ dắt tay nhau đi thành hàng dài, vừa đi vừa cười đùa vui vẻ. Rồi họ đi chợ, đi chơi ném còn, thổi khèn, thổi sáo, hát giao duyên, gặp gỡ bạn bè, cùng nhau uống rượu, trò chuyện vui vẻ... Chiều xuống, trên các ngả đường về bản, lại có những đôi vợ chồng vừa đi vừa hát những bài dân ca Thái.
Bây giờ lập nghiệp trên quê hương mới, đời sống kinh tế cũng như sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái ta có những thay đổi, nhưng thật vui khi nét đẹp trong phong tục đón Tết Độc lập vẫn được lưu giữ nguyên vẹn - ông Lý Văn Sáu tự hào nhìn con cháu.
2. Trong ngày Tết Độc lập, một nghi thức không thể thiếu là mâm cơm cúng Bác Hồ. Trong các gia đình ở thôn 3, xã Ia Đal mà tôi từng tới, tất cả đều có bàn thờ Bác Hồ, được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Ở căn nhà sàn của đôi vợ chồng trẻ Lê Ngọc Muôn, tôi đã được dâng hương Bác Hồ, ở bên cạnh, vợ chồng gia chủ cũng thành kính cúi đầu, trước khi rời nhà tham gia hội vui với người dân trong thôn.
Sau khi sắp sửa mâm cơm dâng cúng Bác Hồ xong là mâm cơm cúng tổ tiên. Người Thái tiến hành công việc này rất chu đáo, các món ăn dâng cúng tổ tiên trong dịp này là các món ăn truyền thống, chủ yếu được chế từ gà, vịt, heo... Đặc biệt trong những ngày này, nhiều gia đình còn gói và nấu các loại bánh đặc trưng của dân tộc mình như bánh chưng dài và bánh rợm... Không chỉ dâng cúng tổ tiên mà người Thái còn dùng các loại bánh để tiếp đãi và làm quà cho khách đến chơi nhà.
Sau khi chuẩn bị chu đáo các món ăn và bánh truyền thống, chủ nhà làm lễ dâng cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết Độc lập và chia vui cùng con cháu. Sau đó sẽ dọn mâm cỗ mời anh em, con cháu trong nhà và tiếp đãi khách. Vui nhất là có khách xa tới chơi, ngay cả những người không hề quen biết cũng được bà con nhiệt tình mời về nhà uống rượu, tất cả trở nên dễ gần, dễ quen thân, dễ chuyện trò như thể sắp trở thành người chung nhà, chung ngõ...
3. Hôm ấy, khi màn đêm buông xuống, bản hợp ca của côn trùng, ếch nhái - mà anh em gọi vui là những nghệ sĩ của núi rừng- vang vọng cả vùng, tôi và Chủ tịch xã Ia Đal đội mưa xuống thôn 6, khu dân cư nằm sát đường biên giới Việt Nam - Campuchia nhất, chỉ cách 700m.
Đến ngã ba từ đường tuần tra biên giới rẽ vào thôn thì gặp thôn trưởng Phạm Văn Uy và 3-4 người trùm áo mưa, cầm đèn pin đi ra. Anh cho biết đang đi kiểm tra lại sân bóng chuyền của thôn lần cuối, vì ngày mai sẽ diễn ra các trận giao lưu bóng chuyền. Do mấy ngày nay có mưa nên mặt sân hơi trơn, mong sao ngày mai tạnh để đón tết - anh nói.
|
Đi vào thôn, những ngôi nhà nằm im lìm dưới ánh điện đường. Nhà nào cũng đã cắm cờ Tổ quốc ở phía trước. Anh Uy khoe năm nay bà con trong thôn ăn tết to vì vườn cây đã đi vào khai thác, giá mủ cao su cũng nhích dần lên. Từ sáng 1/9, bà con đã hô hào nhau tập trung làm vệ sinh đường thôn, phát quang tuyến đường tuần tra biên giới; dọn dẹp nhà cửa...
Điều đặc biệt nhất khi đến Ia Đal trong dịp này là sự xuất hiện của rất nhiều các bạn Campuchia từ bên kia biên giới cùng đến chung vui trong ngày Tết Độc lập. Họ mang những món quà giản dị, những lời chúc tốt đẹp, những điệu múa, lời ca say đắm lòng người và chan chứa tình anh em hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Chúng tôi rẽ vào hội trường thôn, còn thôn trưởng Uy cùng anh em dân quân tiếp tục đi. Thôn trưởng Uy áy náy: Ở trong hội trường có thôn phó Thành đang trực, sẽ đi cùng các anh, còn tôi phải làm nhiệm vụ tuần tra đêm nay, mong các anh thông cảm.
Tôi hiểu, do đặc thù là huyện biên giới nên chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trong dịp lễ. Các lực lượng chức năng, lực lượng dân quân thường trực ở các xã đều được huy động toàn bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, khu vực biên giới nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối...
Khi tôi ngồi gõ những dòng chữ cuối cùng cho bài viết này, thì chuông điện thoại lại reo vang. Tiếng Trưởng thôn Lê Văn Hào như mang theo cả không gian chiều biên giới: Nhà báo thu xếp lên nhé. Bà con mong lắm đó.
Không khí đón tết năm ngoái ùa về, và tôi quyết định, sáng mai sẽ xách ba lô, máy ảnh lên đường về “nơi đầu sông đầu suối” Ia H’Drai để đón Tết Độc lập.
Thành Hưng