Chung sức xây dựng thôn nông thôn mới vùng đồng bào DTTS
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh", trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thôn (làng) đạt chuẩn nông thôn mới vùng đồng bào DTTS, diện mạo ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Thôn Làng Mới ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei được chọn là thôn điểm cấp tỉnh để xây dựng thôn nông thôn mới ở vùng DTTS. Để thôn Làng Mới đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra, tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các sở ngành, phối hợp với địa phương để hỗ trợ thôn; chỉ đạo các đơn vị và huyện Đăk Glei ưu tiên bố trí và lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để hỗ trợ xây dựng đạt chuẩn các tiêu chí tại thôn Làng Mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thôn Làng Mới đã đạt chuẩn thôn nông thôn mới năm 2024.
Thôn Làng Mới có 151 hộ/506 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 86,09% dân số. Khi mới thực hiện, thôn đạt 3/10 tiêu chí thôn nông thôn mới (tiêu chí số 2 về điện; tiêu chí số 8 văn hóa, giáo dục và y tế; tiêu chí số 10 về an ninh trật tự). Đến nay, thôn không còn nhà tạm, nhà dột nát, có 70 hộ gia đình có vườn nhà, 60 hộ đã được chỉnh trang và bố trí các loại cây trồng phù hợp, hiệu quả, có thu nhập. Thôn có 160 con trâu, bò, tăng 44 con so với năm 2021; diện tích lúa 2 vụ được duy trì là 35ha; các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao được tập trung phát triển như diện tích sâm Ngọc Linh 21.200 cây, sâm dây 18ha, cà phê xứ lạnh 73,1ha. Thay đổi rõ nét nhất là đời sống người dân thôn Làng Mới ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 24,1 triệu đồng (năm 2021) lên 36,752 triệu đồng (năm 2024); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,7% (năm 2021) xuống còn 5% (năm 2024).
|
Không chỉ thôn Làng Mới, sau gần 3 năm triển khai Chỉ thị số 12-CT/TU, toàn tỉnh đã có 119/508 thôn (làng) cơ bản đạt chuẩn 10/10 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 23,42%), trong đó có 84 thôn (làng) đã được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới (gồm, huyện Ia H’Drai 20 thôn, huyện Sa Thầy 16 thôn, huyện Đăk Hà 18 thôn, huyện Kon Rẫy 10 thôn, huyện Ngọc Hồi 7 thôn, huyện Kon Plông 6 thôn, huyện Đăk Glei 1 thôn và thành phố Kon Tum 6 thôn), đạt 46,84% kế hoạch so với mục tiêu giao đến năm 2025 là có 254 thôn (làng) đạt chuẩn. Trong đó, đối với 95 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS thực hiện điểm các cấp (tỉnh, huyện, xã) đã có 63 thôn (làng) cơ bản đạt chuẩn 10/10 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 66%), 32 thôn đạt chuẩn từ 6 đến 9 tiêu chí.
So sánh với kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng theo Bộ tiêu chí thôn (làng) nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, cuối năm 2021, toàn tỉnh mới có 3/508 thôn (làng) đảm bảo đạt chuẩn 10/10 tiêu chí (cả 3 thôn đều thuộc huyện Ia H’Drai) và số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của các thôn trên địa bàn tỉnh là 5,87 tiêu chí/thôn thì những kết quả đạt được sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU hết sức có ý nghĩa, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, nâng cao đời sống của người dân nơi đây.
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình xây dựng thôn nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn những khó khăn. Đến nay, mức đạt chuẩn tiêu chí tại các thôn (làng) vùng đồng bào DTTS tương đối thấp, thiếu bền vững (chủ yếu mới chỉ đạt từ 3 đến 5 tiêu chí). Các tiêu chí chưa đạt như tiêu chí số 5 về nhà ở dân cư, tiêu chí số 6 về thu nhập, tiêu chí số 7 về hộ nghèo, tiêu chí số 9 về môi trường và an toàn thực phẩm, đều là những tiêu chí tập trung đến chất lượng đời sống người dân và để đạt chuẩn được các tiêu chí này cần phải có thời gian, sự vào cuộc chủ động, tích cực của người dân.
|
Hơn nữa, đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện chưa có thôn (làng) đạt chuẩn thôn nông thôn mới gồm huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Tô; huyện Đăk Glei mới có 1 thôn (thôn Làng Mới) đạt chuẩn nhưng đây là thôn điểm cấp tỉnh.
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện chưa có thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Thực tế cho thấy việc huy động nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ xây dựng thôn nông thôn mới còn rất khó khăn, chủ yếu dựa vào nguồn lồng ghép từ các chương trình, dự án đang đầu tư trên địa bàn, việc huy động người dân tham gia đóng góp còn hạn chế. Đời sống người dân cũng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nhà tạm, nhà dột nát tương đối cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, bình quân mới đạt khoảng 10-25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao, dao động từ 30 đến 40%.
Với mục tiêu từng bước đầu tư góp phần thay đổi diện mạo ở các thôn (làng) vùng đồng bào DTTS và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực khắc phục những khó khăn, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực, phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 50% số thôn (làng) ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo bộ tiêu chí.
Hà Nam