Về Tu Mơ Rông
Những ngôi nhà kiên cố, ngôi làng khang trang, hệ thống điện, đường, trường, trạm được sửa chữa, xây dựng kiên cố, cái đói cái nghèo cũng dần được đẩy lùi... là những gì chúng ta có thể nhận thấy khi đến với Tu Mơ Rông hôm nay.
Những ngày đầu tháng 9 này, về với Tu Mơ Rông, tôi cảm nhận được không khí thi đua lao động của đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây đang hừng hực khí thế. Họ thi đua lao động sản xuất vừa để nâng cao đời sống và lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong ánh mắt, nụ cười của bà con hiện rõ niềm vui, phấn khởi về thành tựu của Tu Mơ Rông sau 15 thành lập. Thành quả đó giúp người dân vững tin hướng tới tương lai của một Tu Mơ Rông phát triển.
Là huyện nghèo nhất của tỉnh nhưng Tu Mơ Rông lại được thiên nhiên ưu đãi khí hậu quanh năm mát mẻ và đặc biệt là vùng đất có nhiều loại cây dược liệu như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, ngũ vị tử... Nhiều người vẫn thường gọi Tu Mơ Rông là xứ sở của dược liệu bởi mảnh đất này đang có rất nhiều loại dược liệu được phân bổ khắp các địa phương trong huyện. Đặc biệt nhất là sâm Ngọc Linh. Đây là loại dược liệu quý bậc nhất thế giới, đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gọi là Quốc bảo.
|
Tận dụng những ưu điểm của thiên nhiên mang lại, huyện Tu Mơ Rông có chủ trương phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Trong đó, sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy... được xác định là những loại cây chủ lực, cũng là hướng thoát nghèo cho nông dân. Chủ trương này đang được đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây từng bước hiện thực hóa. Giờ đây, đến Tu Mơ Rông đi đâu chúng tôi cũng được nghe người dân bàn tán, trao đổi về phát triển dược liệu. Và minh chứng đến nay nhiều hộ gia đình ở Tu Mơ Rông đã ổn định kinh tế, thoát khỏi cảnh nghèo nhờ sâm.
Vì thế, sau 15 năm nỗ lực, Tu Mơ Rông đã có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa có nhiều thay đổi nhanh chóng, hạ tầng được chú trọng đầu tư; các lĩnh vực văn hóa giáo dục, y tế ngày càng phát triển, an ninh chính trị được giữ vững. Đến nay, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 80% các tuyến đường liên thôn, liên huyện được đầu tư nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm huyện được đầu tư đồng bộ, dần hình thành khu đô thị trung tâm huyện. 100% xã có lưới điện quốc gia với 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và trên 75% số hộ dân được dùng nước sạch.
15 năm Tu Mơ Rông được thành lập, cũng ngần ấy năm tôi gắn bó với mảnh đất Tu Mơ Rông giàu truyền thống cách mạng, được chứng kiến những khó khăn ngay từ ngày đầu đến sự cố gắng của người dân, chính quyền cũng như sự đổi thay trên mảnh đất này.
Trước đây, hồi mới thành lập, mỗi một chuyến đi công tác lên huyện, về với trung tâm các xã, đặc biệt là mùa mưa rất vất vả, thậm chí phải đi bộ cả ngày đường. Thế nhưng, sau 15 năm, giao thông ở đây đã có nhiều khởi sắc, 100% số xã có thể đi ô tô đến trung tâm cả 2 mùa. Cũng từ đó, bản thân tôi cảm nhận khá rõ sự vượt khó của đồng bào dân tộc nơi đây. Trước đây, khi mới thành lập, có đến gần 80% dân số của Tu Mơ Rông thuộc diện đói nghèo, sau 15 năm thành lập với sự nỗ lực vượt khó thì hiện tại con số hộ nghèo đã giảm mạnh, còn 34,52% tổng số hộ toàn huyện.
|
Đến xã Ngọc Lây, chúng tôi chứng kiến được sự đổi thay rõ rệt ở vùng đất này. Những con đường đất đã được thay thế bằng đường bê tông nhựa. Kinh tế đang có sự phát triển nhanh, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, người dân đã thay đổi nhận thức trong lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cây trồng nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn xã đã phát triển gần 200 ha cà phê, gần 90 ha bời lời và hàng chục ha cây dược liệu như sâm dây (gần 30 ha), đương quy (15ha), gần 14 ha sâm Ngọc Linh… tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhiều, hiện chỉ còn 172/482 hộ dân. Thu nhập bình quân đầu người 15 triệu đồng/năm và lương thực đầu người đạt 360kg/người/năm…Đây là con số thật ấn tượng. Lẽ dĩ nhiên, con số đó không phải tự nhiên mà có mà đó là cả sự cố gắng người dân trong xã.
Ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây chia sẻ: Điều mừng nhất là sự chuyển biến về nhận thức của bà con. Sau khi được tuyên truyền, vận động, bà con đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đi sâu vào sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của địa phương. Bà con đang chuyển dần đất trồng lúa kém hiệu quả, từ đất trồng mì sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
|
Tương tự như Ngọc Lây, người dân ở xã Măng Ri - thủ phủ của sâm Ngọc Linh cũng có khá nhiều hộ trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác như sâm dây, đương quy, ngũ vị tử. Đi đầu trong trồng sâm Ngọc Linh phải nói đến gia đình A Sỹ- Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri. Gia đình anh trồng sâm Ngọc Linh đến nay ngót nghét hơn 20 năm. Và chính anh A Sỹ là tấm gương đi đầu trong mọi lĩnh vực được đồng bào Xơ Đăng nơi đây học tập, làm theo. Và cũng từ tấm gương của anh, giờ đây ở Măng Ri đã có gần 90% người dân đã phát triển trồng loại dược liệu quý sâm Ngọc Linh, sâm dây.
Ông Nguyễn Bá Thành- Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết, cả xã có gần 500 hộ dân thì đã có 270 hộ liên kết với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum để trồng sâm Ngọc Linh. Số hộ còn lại cũng có hàng chục hộ tự mua giống về trồng. "Bây giờ sâm Ngọc Linh chưa thu hoạch. Khi nào có sâm Ngọc Linh bán, mỗi hộ chỉ cần vài trăm gốc là sẽ có tiền tỷ trong tay. Nhiều người sẽ thành triệu phú, tỷ phú" - ông Thành tin tưởng.
Đến với Tu Mơ Rông hôm nay, chúng ta cảm nhận rõ nét sự đổi thay của vùng đất này. Và tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của đồng bào Xơ Đăng và cùng với hướng đi phù hợp, phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu, Tu Mơ Rông sẽ ngày càng phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông phát triển được 726ha diện tích cây dược liệu. Trong đó, chủ yếu là sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra, đương quy...Và có 3 xã người dân đang trồng nhiều sâm Ngọc Linh nhất là Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây.
Hà Nam