Về Chư Tan Kra
Tuổi trẻ, máu xương của những chàng trai Hà Nội đã mãi mãi nằm lại nơi đây – điểm cao 995 - Chư Tan Kra (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy). Đứng ở Chư Tan Kra uy nghiêm, sừng sững, giữa bốn bề tĩnh lặng mênh mông hương khói, thành kính bày tỏ đến các anh lòng tự hào, niềm biết ơn đến vô hạn!
Nắng rát bỏng. Máy điều hòa trong xe đã hoạt động hết công suất nhưng hơi nóng vẫn phà vào mặt. Phía ngoài, từng đoàn ô tô, xe máy cũng nườm nượp tiến về Di tích lịch sử Điểm cao 995 – Chư Tan Kra để dâng hương, dâng hoa, cầu siêu, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Di tích lịch sử Điểm cao 995 nằm trên quả đồi hình yên ngựa thuộc địa phận thôn 2 và thôn 3, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy). Nghe nói, so với ngày trước, đường sá đi vào nay đã có vẻ thuận tiện hơn, nhưng sao vẫn vòng vèo và uốn lượn lắm. Cơn mưa tối qua càng khiến con đường thêm ương ngạnh, khó chịu. Từng đoạn bùn lầy như đánh đố. Ầm! Xe cạ gầm vào đá. Cả đoàn hú vía.
|
Chư Tan Kra thoắt ẩn thoắt hiện sau từng đám cao su bạt ngàn. Càng tiến lại gần, tâm trạng cứ bồn chồn, nôn nao đến khó tả. Phải chăng do đường đi quá xa hay do xúc cảm dâng trào khi lần đầu tiên được đến với nơi ghi dấu ấn một thời lửa đạn này!
Khu di tích lịch sử điểm cao 995 – Chư Tan Kra uy nghiêm, sừng sững kia rồi! Với hình ảnh ngọn núi chót vót, Chư Tan Kra biểu tượng cho tinh thần anh dũng, kiên cường song cũng rất đỗi hiền hòa, nhân hậu của đất và người Kon Tum.
Đông nghịt. Từng đoàn người đã có mặt từ sớm, nhanh chóng ổn định chỗ ngồi để có thể tưởng niệm, cầu siêu, tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Xúc động làm sao khi trong chuyến đi lần này không chỉ có người dân địa phương mà còn rất nhiều đồng đội, thân nhân, bạn bè của những liệt sĩ cũng từ Hà Nội đến đây để thắp nén nhang tri ân.
“Một phút mặc niệm bắt đầu” – câu nói vang lên, không gian lặng im. Trong giây phút thiêng liêng ấy, mọi người thành kính cúi đầu, tưởng nhớ công ơn những anh hùng liệt sĩ nói chung và hơn 200 liệt sĩ đã hy sinh bản thân, tuổi thanh xuân tại Điểm cao 995 – Chư Tan Kra để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, cho đất nước.
“Ngày 26/3/1968, hơn 70% chiến sĩ Hà Nội tham gia trận đánh đầu đời đã không trở về nơi giấu quân. Một số người mãi mãi ra đi trong bệnh xá tiền phương, hơn 135 người đã vĩnh viễn nằm lại nơi điểm cao 995- Chư Tan Kra trước lúc bình minh lên” - Mỗi lời kể lại như bóp nghẹt con tim của những người cựu chiến binh Trung đoàn 209 cũng như tất cả mọi người đứng trong di tích.
|
Ngày ấy - 26/3/1968, những chiến sĩ Trung đoàn 209 có trận giáp chiến đầu tiên với Sư đoàn 4 - sư đoàn con cưng của đế quốc Mỹ tại cao điểm 995 - Chư Tan Kra. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 209 phần lớn quê Hà Nội với ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã anh dũng chiến đấu.
Tại trận đánh này, Trung đoàn 209 đã tiêu diệt 204 lính Mỹ tuy nhiên cũng có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. Đau đớn làm sao khi sau trận đánh, thi thể của các liệt sĩ đã bị địch dồn vào hố chôn tập thể và đổ xăng đốt cháy.
Đã 49 năm trôi qua, thời khắc ấy chỉ còn lại trong những trang sử, nhưng những gì các anh đã cống hiến, đã hi sinh mãi trường tồn trong trái tim của những thế hệ mai sau. Âm thanh vang vọng. Xúc động.
Khâm phục làm sao tinh thần thép của đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm khi một mình ôm bộc phá xông lên diệt lô cốt địch cho bộ đội xung phong rồi tiếp tục chỉ huy chiến đấu cho đến lúc hi sinh. Đại đội phó Nhạc (đại đội 1) bị thương nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu. Chiến sĩ Đinh Tiên Phong bị đạn bắt nát tay, hai chân gãy dập vẫn từ chối sự hỗ trợ của đồng đội, kiên cường bảo đồng đội hãy xông lên tiêu diệt địch. Xạ thủ B41 Nguyễn Công Trực một mình bắn 7 quả đạn... để những tên lính Mỹ cuối cùng của sư đoàn co cụm lại duy nhất trong chiếc lô cốt mẹ trên đỉnh điểm cao 995. Có ngại chi gian nguy, có màng chi thân thể, máu của các anh đã đổ xuống để bảo vệ từng gang đất của Tổ quốc.
Đất nước đã hòa bình nhưng các anh vẫn nằm đó nơi đất mẹ anh hùng. Tình đồng đội sâu nặng, những người lính tham gia trận Chư Tan Kra đau đáu được một lần trở lại chiến trường xưa thắp nén hương cho đồng đội. Và rồi, họ đã lặn lội từ Bắc lại vào chiến trường năm xưa, ròng rã tìm kiếm, chỉ mong sao có thể quy tập, để đồng đội yên nghỉ.
Tìm kiếm từ năm này đến năm khác, được sự giúp đỡ của các cựu chiến binh, chính quyền địa phương, Đội K53 tỉnh Kon Tum và cơ quan quân sự huyện Sa Thầy đã cất bốc và quy tập 77 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được tên trong 1 hố chôn tập thể về nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Để tưởng nhớ những người con Hà Nội hy sinh tại đây, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với Ban liên lạc Trung đoàn 209 xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội hi sinh tại chiến trường.
Cuộc sống thay đổi nhiều, tóc cũng đã hai màu theo thời gian nhưng ký ức về những năm tháng sống và chiến đấu trên đỉnh Chư Tan Kra chưa một lần mờ nhạt trong tâm trí của những cựu chiến binh Trung đoàn 209. Nay, từ Thủ đô Hà Nội trở lại với những đồng chí, đồng đội còn nằm lại Chư Tan Kra, một nỗi đau vẫn còn ngự trị, cựu chiến binh Trung đoàn 209 ngày ấy - Nguyễn Văn Vĩnh nghẹn ngào: Vào đây, gặp anh em mà rơi nước mắt, thấy thương anh em nằm đây lắm. Tất cả cựu chiến binh của Hà Nội gửi gắm tất cả niềm thương nhớ các anh, cầu mong các anh – đồng đội của chúng tôi yên nghỉ.
Với những người lính "hai linh chín" năm xưa, hình ảnh những cánh rừng mùa mưa sũng ướt, những cung đường đầy rẫy bom mìn với cái chết được báo trước… bỗng chốc ùa về, rõ ràng, gần như có thể chạm vào được. Tiếng chân, nhịp thở đồng đội đều đặn, âm thầm trong những đêm hành quân xa lắc lại như văng vẳng bên tai… Thắp từng nén nhang, tâm tình đủ mọi chuyện với những đồng đội đã khuất, một niềm thương, một nỗi nhớ đến nghẹn ngào. Nhiều cựu chiến binh không giấu được cảm xúc, rưng rức với nỗi lòng: Những báu vật từ chiến trường của các anh vẫn còn đây, những bức thư chưa một lần được gửi, những lời yêu chưa phút chốc được ngỏ… Sao các anh đã vội về nơi đất mẹ! Hãy yên lòng nhé – những đồng đội kính mến của chúng tôi!
Có riêng gì những đồng đội, cựu chiến binh, trong những giây phút nghẹn ngào ấy, từng đoá hoa thắm tình từ người dân, thanh niên, thiếu niên – thế hệ được an yên trong cảnh hòa bình đã bày tỏ một niềm tiếc thương vô hạn. Hơn thế, là sự biết ơn sâu sắc đến những hi sinh, công lao to lớn của các anh.
Nắng trải vàng trên Chư Tan Kra. Bà con vẫn ngồi đó, như sẻ chia, như thủ thỉ với các anh những câu chuyện vui trong cuộc sống. Không còn bom đạn, đất nước ta đã thống nhất, kết tinh từ chiến công của các anh. Mảnh đất này – nơi các anh nằm xuống ngày nào còn khô cằn, sỏi đá, giờ đã mọc lên những cánh rừng cao su bạt ngàn. Bà con đã chăm lo sản xuất, cày cấy, cuộc sống đã ấm no biết bao.
Chư Tan Kra – trận đánh chấn động nước Mỹ giờ đây không chỉ có trong ký ức của gần một trăm người còn sống của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 ngày ấy mà trở thành những trang sử không bao giờ phai nhòa của người dân Kon Tum như lời bài hát “Nhớ” của nhạc sĩ Phan Đức Luận:“Các anh về sau chiến tranh. Có đồng đội chưa biết tên. Lòng ta không thể quên. Đã qua rồi lửa chiến tranh. Xây cuộc đời bao ước mơ. Ngày vui không còn anh. Thương nhớ vô cùng. Nhớ, nhớ mãi hình bóng anh”…
Bình An