Thấp thỏm sống dưới vách núi
Nhiều người dân sống dưới chân núi, bên vách ta luy dương dù vẫn biết là nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, nhưng vẫn phải chấp nhận đối mặt với hiểm nguy. Đó cũng là thực trạng mà hàng chục hộ dân tại thị trấn Đăk Glei và xã Đăk Pek (huyện Đăk Glei) luôn nơm nớp nỗi lo sạt lở khi mùa mưa đến. Cứ mưa to kéo dài, họ lại bỏ lại tài sản, nhà cửa đi sơ tán ở khu vực an toàn.
Cuối tháng 8, trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi vượt hơn 120 km từ thành phố Kon Tum lên huyện Đăk Glei. Đây là một trong những huyện vùng sâu, có địa hình đồi núi cao, đường đi hiểm trở, khó khăn. Người dân thường sống trong những lòng chảo, bao quanh bởi các dãy núi lớn, do đó, mỗi mùa mưa bão trên địa bàn này thường xảy ra tình trạng sạt lở núi và lũ quét từ trên núi cao đổ xuống, khiến người dân luôn sống trong nơm nớp nỗi lo sạt lở.
Kể từ khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành vào năm 2005, điều kiện đi lại được thuận tiện hơn, người dân nơi đây di dời ra sinh sống dọc hai bên đường. Đã có hàng trăm hộ dân làm nhà, sinh sống sát bên đường Hồ Chí Minh mà phía sau là những vách núi dựng đứng.
|
Đi dọc đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thôn 14B (xã Đăk Pek) không khó để nhận ra những quả đồi dựng đứng cao hàng chục mét phía sau khu dân cư có nguy cơ sạt lở cao, khiến người dân nơi đây luôn bất an khi đến mùa mưa. Năm 2019 và 2020, do ảnh hưởng của các cơn bão, mưa lớn kéo dài, một khối lượng đất đá từ trên đồi cao đã tràn xuống khu dân cư thôn 14B khiến người dân phải dời nhà cửa đến nhà người thân trong đêm tối. Và kể từ đó đến nay, cứ hễ có mưa lớn kéo dài, ban đêm, người dân không dám ở lại trong nhà, phải di dời đến nhờ nhà người thân tại những khu vực an toàn hơn.
Với gia đình chị Nguyễn Thị Phú (ở thôn 14B, xã Đăk Pek), đến nay, chị vẫn chưa hết bàng hoàng bởi trận mưa lớn gây sạt lở vách núi phía sau lưng ngôi nhà chị đang ở hồi mùa mưa bão năm 2019. Theo lời chị Phú kể, hôm ấy, trời mưa như trút nước, bất ngờ, lượng nước cũng như bùn đất từ vách núi phía sau lưng nhà bỗng nhiên bị sạt, đất đá, cây cối, bùn từ trên đồi cao đổ xuống gây sập tường rào và một phòng ngủ phía sau nhà, bùn đất chảy vào cửa hàng khiến hư hỏng nhiều đồ đạc. Cũng theo chị Phú, rất may vụ việc xảy ra vào ban ngày, không có người trong phòng ngủ nên không ai bị sao, tuy nhiên, đồ đạc tại cửa hàng bị hư hỏng nhiều.
|
Chị Phú cho biết: Hôm ấy, khi phát hiện sự việc, cả nhà đang bán hàng chỉ kịp chạy ra khỏi nhà đến nơi an toàn. Giờ đây, cứ hễ có mưa to kéo dài là chúng tôi lại di chuyển đển nhà người thân ở khu vực an toàn hơn để ở nhờ đến khi hết mưa mới dám về.
Chỉ tay về phía ngọn đồi cao phía sau nhà, chị Phú cho biết thêm: Trước đây, sau bức tường kè, trên vách núi tôi có trồng một vài loại cây để hạn chế sạt lở nhưng năm 2019, mưa to kéo dài nhiều ngày liên tục khiến một khối lượng lớn đất đá đổ ập xuống san bằng vách kè của gia đình và cây cối cũng bị gẫy, đổ. Sau này mưa càng lớn, đất phía trên đồi tụt dần xuống tạo thành một triền dốc rất nguy hiểm.
Tiếp tục dẫn chúng tôi vào căn nhà kho chứa đồ đạc sát vách núi, chị Phú chỉ cho chúng tôi biết vết bùn đất của trận sạt lở năm đó vẫn còn hằn trên tường chưa phai màu. Chị Phú cũng chỉ cho chúng tôi bức tường chị mới xây để ngăn đất đá, nước mưa từ vách núi không chảy vào nhà. Tuy nhiên, theo chị Phú, đó chỉ là biện pháp tạm thời khi mưa nhỏ. Nếu mưa to kéo dài, cả gia đình chị không dám ở trong nhà và cửa hàng, phải di dời đến nhà người thân để bảo đảm an toàn.
Còn ông Nguyễn Văn Hiệp (50 tuổi, trú thôn 14B, xã Đăk Pek) cũng bày tỏ lo lắng. Năm 2005, gia đình ông Hiệp vào Đăk Glei lập nghiệp chỉ mua được mảnh đất duy nhất này để ở và kinh doanh, buôn bán. Theo ông Hiệp, những năm trước thỉnh thoảng xảy ra vài vết sạt nhỏ không đáng kể nhưng mấy năm nay tình trạng sạt lở ngày càng nhiều và nặng hơn. Vì nhà nằm dưới chân núi dựng đứng nên hễ trời mưa to là cả gia đình luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Vào mùa mưa bão, nếu có mưa to nhiều ngày là cả nhà phải sang nhà người thân ở nhờ cho bảo đảm an toàn.
|
“Không chỉ riêng nhà tôi và mà cả khu này đều vậy, cứ mưa kéo dài, để đề phòng, người dân tự giác di tản đến nhà người thân ở nhờ cho qua cơn mưa bão. Biết là vất vả nhưng cũng không có cách nào khác được. Vì vậy, chúng tôi mong Nhà nước có biện pháp khắc phục giúp người dân chúng tôi yên tâm và ổn định cuộc sống ”- ông Hiền đề xuất.
Tương tự, anh Bùi Dương Hồ (trú tại thôn 14B, xã Đăk Pek) dẫn chúng tôi ra phía sau ngôi nhà của mình, cùng hàng chục hộ dân lân cận nằm sát vách quả đồi cao dựng đứng, vừa đi anh Hồ vừa cho hay: Trước đây khi chưa xảy ra các vụ sạt lở đất thì gia đình cũng thấy bình thường. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, tình trạng sạt lở đất đá khiến người dân thiệt mạng ở các tỉnh thành khác như báo chí đưa tin khiến chúng tôi càng thêm lo lắng. Vì vậy, mỗi khi mưa lớn liên tục gia đình thấy rất bất an, cả gia đình phải sơ tán đến lánh nạn tại nhà người thân.
“Để hạn chế tình trạng nước chảy từ trên đồi núi cao xuống phía sau nhà, các hộ dân chúng tôi đã cùng nhau lên đỉnh núi đào rãnh thoát nước để dẫn nước xuống phía đường nhưng cũng chỉ đỡ phần nào khi mưa nhỏ. Còn khi mưa to kéo dài, nước và bùn đất vẫn chảy mạnh xuống nhà và kéo theo nguy cơ sạt lở luôn rình rập. Chúng tôi mong muốn chính quyền sớm có phương án căn cơ giải tỏa khu đồi phía sau khu dân cư để đảm bảo sự an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân” - anh Hồ cho biết thêm.
Ông Phạm Khắc Nghĩa- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pek cho biết: Hiện nay, toàn xã có 35 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, trong đó, ở thôn 14B dọc đường Hồ Chí Minh là có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nhất, bởi những quả đồi phía sau khu dân cư. Địa phương cũng đã kiến nghị lên huyện tìm phương án khắc phục để đảm bảo an toàn cho người dân.
Vấn đề này, trao đổi với phóng viên, bà Y Thanh- Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết, địa phương có địa hình vô cùng hiểm trở; đặc biệt, những hộ sinh sống dọc đường Hồ Chí Minh thì một bên là núi, một bên là vực sâu, vì vậy, mỗi khi mưa lớn người dân luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Trong khi đó, đa số người dân dọc thôn 14B xã Đăk Pek đã ở lâu, ổn định và xây dựng nhà ở kiên cố. Nếu tổ chức di dời là điều rất khó vì không có kinh phí đền bù hỗ trợ. Chính vì vậy, địa phương đã báo cáo lên UBND tỉnh để có biện pháp xử lý.
Bà Y Thanh cho biết thêm: Đối với việc người dân đề xuất việc san, bạt múc những quả đồi phía sau nhà ở khu vực thôn 14B, xã Đăk Pek thì rất khó, bởi cả khu đồi phía sau khu dân cư là rừng và đất rừng 178 đã giao khoán cho các hộ dân chăm sóc nên khó xử lý. Muốn xử lý phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chủ trương.
“Trước mắt, để đảm bảo an toàn, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân cảnh giác và khi có mưa lớn kéo dài cần chủ động di dời đến nhà người thân ở nơi an toàn hơn thì huyện cũng vận động người dân có điều kiện chủ động xây dựng kè phía sau và huyện sẽ cố gắng đề nghị tỉnh có phương án hỗ trợ một phần để người dân xây kè”- bà Y Thanh cho hay.
Phúc Nguyên