“Săn” dế cơm ở bãi bồi ven sông Đăk Bla
Thời gian gần đây, nghề “săn” dế cơm cuốn hút nhiều người dân các làng đồng bào DTTS sống ven bãi bồi khu vực bờ kè sông Đăk Bla thuộc địa bàn xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum). Nhiều hộ gia đình nơi đây đã có thu nhập khá cao từ chính nghề này…
Hôm nay, do bận công việc nhà nên đến hơn 11h trưa, chị Y Bam ở làng Kon Rờ Bàng 2 (xã Vinh Quang) mới sắp xếp đi “săn” dế cơm được. Hành trình "săn" dế cơm của chị Y Bam cũng rất thú vị. Chị đi qua bãi bồi dọc bờ sông Đăk Bla nơi có những thảm xanh mơn mởn của những ruộng lúa, nương khoai ở vùng ngoại ô thành phố Kon Tum.
Mặc cho cái nắng gay gắt đỉnh điểm trong ngày, chị Y Bam vẫn vác chiếc xẻng xăm xăm đi về phía mấy đám mì của người làng vừa mới thu hoạch xong. Thấy mẹ mang dụng cụ đi “săn” dế, mấy đứa con chị và lũ trẻ con trong làng đang nghịch đất cát ở gần đó cũng chạy theo.
|
Chị Y Bam bảo, đang là mùa mưa, thêm vào đó một số rẫy mì ven bãi bồi sông Đăk Bla bà con vừa mới thu hoạch xong nên dế cơm xuất hiện càng nhiều.
Giẫm chân lên những cây hom mì còn vứt vãi ngổn ngang trên nền đất hơi ẩm ướt, A Am, con trai đầu của chị Y Bam đang học lớp 5 theo mẹ đi “săn” dế bỗng reo lên sung sướng khi nhìn xuống phía dưới những gốc mì vừa mới thu hoạch có quá nhiều đụn đất ùn lên, bởi nó biết đấy chính là tổ của những con dế cơm đang cư ngụ.
A Am nhanh nhảu lấy chiếc xẻng ra đào xuống đụn đất. Bàn tay bé nhỏ của em nhanh thoăn thoắt. Một tay cầm xẻng đào, tay còn lại A Am liên tục bới đất để nhanh chóng tìm và bắt cho được con dế.
|
Thấy con trai hì hục đào bới hang dế với vẻ thích thú, chị Y Bam bảo: Mấy tháng hè, những ngày không mưa, nó đều phụ mẹ cùng đi đào dế để bán lấy tiền mua sắm quần áo, sách vở chuẩn bị cho năm học mới. Có ngày trời nắng gắt, mẹ bắt ở nhà nhưng nó cũng nằng nặc đòi đi cho bằng được.
Dưới cái nắng chang chang giữa trưa, cậu bé đầu trần, chân đất lại reo lên vui sướng để khoe với mẹ và những vị khách mới quen: Đã bắt được con dế to rồi!
Y Doanh (học lớp 7) - cháu chị Y Bam vội mang chiếc túi được đan bằng lưới dày đến cho A Am bỏ dế vào. Nhìn hai đứa trẻ “chọc ghẹo” chú dế cơm to bằng ngón tay cái, bụng căng tròn, óng ánh đôi cánh màu vàng đậm cười khoái chí trước thành quả, chúng tôi cảm giác như được trở về với ký ức tuổi thơ đẹp đẽ.
Chưa đầy 5 phút sau, A Am lại bắt tiếp được một con dế cơm ở một cái hang khác. Mặc cho cái nắng giữa trưa trút xuống rát bỏng da thịt nhưng cậu bé dường như chẳng quan tâm điều gì mà thỏa sức tung tăng chạy nhảy, reo vui với những chiến lợi phẩm của mình.
A Phúc – con thứ hai của chị Y Bam mới học mẫu giáo lớn thấy anh trai “săn” được nhiều dế cũng vác cuốc, xẻng ra đào bới. Thằng bé lom khom vừa đào cái hang dế vừa thở dốc, cuối cùng nó cũng tóm gọn được con dế cơm vàng ươm trên đôi tay bé xíu của mình.
|
Chị Y Bam cho biết, bây giờ ở làng Kon Rờ Bàng 2 này, ai cũng biết kỹ thuật “săn” dế cơm, từ người già cho đến trẻ con. Thời gian này, nhà nông rảnh rỗi, lại ít có người kêu đi làm thuê nên nhiều người, nhất là chị em phụ nữ, rủ nhau đi “săn” dế, kiếm thêm thu nhập.
Đến khu bãi bồi dọc hai bên bờ kè sông Đăk Bla khu vực qua xã Vinh Quang vào thời điểm sáng, trưa, chiều trong ngày ta đều có thể chứng kiến có khá nhiều người đi “săn” dế. Buổi trưa đi cùng chị Y Bam, mặc cho cái nắng gay gắt nhưng vẫn có vài ba phụ nữ và chục đứa trẻ con cặm cụi “săn” dế để kịp mang về chợ chiều ở đầu làng bán.
Theo kinh nghiệm của chị Y Bam, muốn “săn” được nhiều dế cơm phải chịu khó đi buổi sáng, mát trời sẽ thu được nhiều "chiến lợi phẩm" hơn buổi trưa hay chiều. Ngoài những rẫy mì vừa mới thu hoạch, dế cơm cũng xuất hiện nhiều ở những vùng đất cao ở bãi bồi, khu vực chuyên trồng bắp, đậu… Dế cơm thường làm tổ với độ sâu cách mặt đất khoảng 30-40cm. Mỗi hang dế ở thông thường chỉ có một con. Đến mùa sinh sản (tháng 9), nhiều hang dế có đến 2-3 con. Nhiều người có kỹ thuật săn bắt thì chỉ cần đào bời vài lớp đất là đã có thể bắt được dế.
Loay hoay trong chốc lát, trong chiếc túi lưới của nhà chị Y Bam đã có kha khá dế. Chị Y Bam cho biết, nếu đi từ sáng đến trưa, có hôm chị cũng bắt được cả ký dế; còn nếu đi từ trưa đến 3h chiều để kịp về mang ra chợ bán thì chỉ bắt được vài lạng, nhiều nhất là nửa kilôgam. Với giá thị trường 200.000 đồng/kg, khoản thu nhập này cũng giúp gia đình chị Y Bam trang trải chi tiêu hàng ngày.
Mấy tháng nay, khu “chợ chiều” dọc hai bên đường làng Kon Rờ Bàng 2 nhộn nhịp hẳn lên. Ngoài các loại rau, củ quả do bà con nông dân tự trồng hoặc lấy từ rừng về và các loại tôm, cua, cá đồng, thì dế cơm sau khi đi “săn” về cũng được bà con mang ra đây bán.
Dù số lượng không nhiều như các loại rau xanh, nhưng hàng dế cơm bao giờ cũng cuốn hút khách hàng ghé đến; từ người dân trong vùng đến dân nội thành Kon Tum cũng ghé sang đây rất nhiều.
Anh Hưng ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) cho biết, mấy tháng nay phát hiện ở khu vực này có bán dế cơm nên những dịp cuối tuần anh đều chịu khó ghé qua đây để mua vài lạng về làm mồi nhậu.
Anh Hưng cho biết, dế cơm được chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn, được xếp vào hàng đặc sản như món dế lăn bột chiên, dế cơm nướng, dế cơm chiên mắm…
Với bà con đồng bào Ba Na ở làng Kon Rờ Bàng, nhiều người đi “săn” dế cơm về làm gỏi măng ăn rất ngon và đây cũng là một trong những món ăn truyền thống độc đáo của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Tú Quyên – Quang Vinh