Những phận đời du ngư
Trên lòng hồ Sê San 4 có trên một trăm cư dân phiêu bạt từ khắp các nơi đến, sống bập bềnh chìm nổi theo con nước đầy vơi. Họ gắn bó cả đời với nghề đánh bắt cá, nhưng trong lòng luôn mơ ước có ngày được lên bờ sinh sống, thoát kiếp phận đời sông nước lênh đênh. Nay, ước mơ ấy đã trở thành sự thật, khi huyện Ia H’Drai đang quy hoạch khu dân cư mới và chuẩn bị cấp đất cho những hộ dân này.
Chúng tôi trở lại lòng hồ thủy điện Sê San 4 vào một ngày đầu tháng 7. Từ trên bờ, chúng tôi đã thấy xa xa, những mái nhà nổi bồng bềnh trên sông. Sóng viễn thông trên lòng hồ cũng rất tốt.
|
Anh bạn tôi - Nguyễn Văn Thu - Trưởng trạm số 8 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Ia H’Drai, chỉ cần một cuộc gọi, thoáng chốc đã thấy ông Nguyễn Văn Triều (thường gọi Hai Triều) đến nơi với chúng tôi. Ông Hai Triều lấy thuyền máy đưa chúng tôi ra các nhà nổi của xóm chài.
Lặng lẽ những phận đời
Đi trên sóng nước, ông Hai Triều tâm sự: Quê tôi ở huyện Tri Tôn (An Giang). Gia đình tôi là hộ nghèo trong xóm, từ đời cha ông đã gắn bó với con thuyền, dòng sông và những lòng hồ mênh mông như thế này. Nghe được tin, chúng tôi tìm đến lòng hồ thủy điện này sinh sống. Nhưng ngày đầu buồn lắm, không gian vô cùng tĩnh lặng, lòng hồ thì mênh mông, đìu hiu, nhưng được cái là cá nhiều. Điểm chung của các hộ dân ở đây là nghèo khó, không nghề nghiệp, không việc làm, bám theo lòng hồ thủy điện để tìm “lộc” cá, tôm. Bất kể là trời nắng hay mưa, người dân xóm chài đều phải lặn lội mưu sinh. Tài sản của họ, ngoài căn nhà tạm là chiếc thuyền, mấy tấm lưới, gần như không còn gì khác. Ít ai biết được rằng, cách đây chừng bốn năm, những ngôi nhà nổi kia chỉ là những chiếc thuyền di động vật vã trong cuộc mưu sinh; đôi lúc còn phải chạy lòng vòng “né” các đoàn kiểm tra. Những ngày đầu khổ lắm! Nay thì đỡ rồi, chính quyền huyện Ia H’Drai đã về xóm chài, thống kê dân số; vận động các em học sinh đến trường và sắp đến sẽ cấp đất ở cho người dân.
Còn anh Nguyễn Văn Dũng quê huyện Phụng Hiệp (Kiên Giang), đi cùng thuyền kể giọng buồn buồn: Gia đình tôi có 5 anh em, sinh ra lớn lên trên con sông Ô Môn. Cuộc sống sống khổ cực, quanh năm suốt tháng chỉ biết lao động bằng nghề chài lưới mà cha ông để lại, cứ thế đời con tiếp nối đời cha. Cái “cần câu cơm” để lại chỉ giúp chúng tôi tìm được con tôm, con cá trang trải cho cuộc sống hàng ngày nhưng không thể nào khá hơn. Hai vợ chồng tôi ra đây mới gần hai năm, đem theo một đứa con gái. Sông nước nơi này còn mới mẻ, chúng tôi mong sớm được ổn định để tìm cái ăn cái để, có thể tự quyết định được cuộc sống của mình.
|
Rời quê theo con, ông Nguyễn Văn Tùng gần 70 tuổi là người lớn tuổi nhất ở xóm làng chài này. Với kinh nghiệm, ông cho rằng lòng hồ này có những khu vực rất nhiều cá như “zom ba lỗ”. Ông giải thích “zom ba lỗ” là nơi có ba con suối đổ về lòng hồ nằm ở phía Tây Nam vùng rừng Sê San Kon Tum, rất rộng đường giăng lưới. Dù tuổi cao, nhưng vợ chồng ông cũng sắm được 20 tay lưới, mỗi tay lưới khoảng 400.000 đồng. Mỗi ngày ông kiếm được từ 200.000-400.000 đồng, đủ trang trại cuộc sống.
Làng chài đã ổn định
Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống hàng ngày cho gia đình, mà nghề đánh bắt thủy sản ở đây đang làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân vốn khó khăn. Trên từng cụm nhà nổi, có từ hai, ba nhà gắn kết lại. Nhà này có thể đi bộ qua được nhà kia trên những miếng ván, hay những bó tre nứa bập bềnh. Trên nhà nổi, nhà nào cũng có lồng nuôi cá, nuôi vịt. Có nhà trồng được cả rau xanh. Đặc biệt, nhà nào cũng dùng điện pin mặt trời; có nhà sắm được ti vi và cả dàn karaoke.
Đi cùng chuyến hành trình về xóm làng chài với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Thọ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia H’Drai hồ hởi kể lại quá trình vận động các em còn trong độ tuổi của xóm nổi đến trường học tập. Ngày ấy ít thuyền máy như bây giờ. Phụ huynh ngại đưa con đến trường. Có người còn quen nếp nghĩ, nhiều đời tổ tiên làm nghề chài lưới trên sông; lấy vợ cũng trên dòng sông và con thuyền, đời cha đã vậy, đời con có gì sáng sủa hơn. Nhưng với sự kiên trì, đến nay, phòng đã vận động được 17/19 em đến lớp. Trong số này có đến 30% em đạt khá giỏi và 90% là chuyên cần. Đây cũng là một trong những lý do mà người dân xóm chài này thích cư trú bên huyện Ia H’Drai, con cháu học hành thuận tiện hơn.
Chiều xuống, con nước lòng hồ vẫn bập bềnh vỗ oàm oạp vào mạn thuyền. Xóm chài lòng hồ này thực sự đông vui khi về chiều. Phụ nữ, trẻ em lo tắm giặt, nấu nướng, đàn ông túm tụm lại trên một ngôi nhà nổi chuyền tay nhau ly rượu để xua tan đi bao mệt nhọc của một ngày mưu sinh. Sinh hoạt trên nhà nổi thật yên vui.
Đêm chúng tôi tụ tập tại nhà nổi của ông Hai Triều. Tại đây tôi gặp lại Tư Sơn (em ruột của Hai Triều). Tư Sơn lại tâm sự: Xa quê, không ai muốn hết. Tại ở quê, tui không có đất ruộng. Mùa nước nổi còn kiếm ăn được, còn mùa khô, chỉ có khói đốt đồng chẳng biết làm ra đồng tiền nào. Được một người cậu chỉ dẫn, tôi đưa vợ con lên vùng lòng hồ Sê San này. Ở đây, ngày trúng lưới kiếm 500.000 đồng, ít thì 200.000-300.000 đồng, không dư giả gì, nhưng vẫn hơn ở quê. Ai chứ vợ chồng tôi, định cư ở đây là chắc rồi.
Mồi nhậu trên nhà nổi cũng “xôm tụ”: nào lẩu cá lăng, cá tra; khô cá trắng, nước mắm miền Tây; rượu Bàu Đá, bánh tráng Bình Định… Nổi hứng Tư Sơn lên giọng: “Sê San trời nước một màu, nhớ quê nước nổi…ớ ơ ơ nỗi sầu ai hay; Sê San nước đục trời mây, ai cho ta gửi đôi lời… ớ ơ đôi lời cố hương…”. Bỗng nhiên chúng tôi được thưởng thức một câu vọng cổ hoài hương, nghe thật mùi!
Đêm ấy, rượu càng say, lòng người càng gần gũi. Nước Sê San vẫn duềnh chảy. Lòng hồ trong đêm như càng rộng mênh mông…
Hai ngày đi dọc cuối dòng Sê San khép lại, trong tôi nhận ra một điều, người sống vùng sông nước rất thật lòng.
Dương Lê